Chính thức khởi công Khu công nghiệp VSIP Thái Bình
Ngày 26/3, Văn phòng Chính phủ và UBND tỉnh Thái Bình đã tổ chức Lễ khởi công dự án Khu công nghiệp VSIP Thái Bình với tổng vốn đầu tư gần 212 triệu USD.
Minh chứng cho việc biến mối quan hệ ngoại giao thành của cải, vật chất
Tham dự buổi lễ tại đầu cầu Hà Nội có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Singapore Lawrence Wong, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương.
Tại địa điểm Thái Bình, tới tham dự buổi lễ có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Ngô Đông Hải.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ
Về phía tỉnh Thái Bình có ông Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và các doanh nghiệp trong, ngoài nước.
Phát biểu tại sự kiện, nhắc lại các hoạt động dịp Thủ tướng Lý Hiển Long thăm Việt Nam vào tháng 8/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Singapore Lawrence Wong ngay sau khi Việt Nam-Singapore nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Lễ khởi công xây dựng Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore Thái Bình (VSIP Thái Bình) và trao các văn kiện hợp tác kinh tế giữa hai nước là minh chứng cho sự phát triển tốt đẹp trong quan hệ hai nước; biến quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế, giao lưu nhân dân… thành của cải vật chất cụ thể.
Với hơn 4.000 dự án đầu tư tại Việt Nam, có tổng số vốn hơn 80 tỷ USD, Singapore là nhà đầu tư nước ngoài đứng thứ 2 tại Việt Nam. Trong đó, 20 khu VSIP là biểu tượng cho quan hệ hợp tác hiệu quả, bền vững, lâu dài giữa hai Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Singapore tiếp tục mở rộng, phát huy hiệu quả hệ thống các khu công nghiệp VSIP thế hệ thứ nhất, đầu tư phát triển các VSIP thế hệ thứ 2 theo hướng bền vững, hình thành các hệ sinh thái khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghiệp, đô thị, dịch vụ, công nghệ cao tại nhiều địa phương Việt Nam. Qua đó, hai nền kinh tế có thể bổ sung cho nhau; góp phần củng cố mối quan hệ hợp tác hiệu quả, toàn diện, tạo động lực thu hút các dự án đầu tư thế hệ mới, đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội của cả hai nước; mang lại lợi ích thiết thực cho hai đất nước, hai dân tộc và nhân dân hai nước.
Cho rằng chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Singapore lần này đã tạo sức sống mới, khí thế mới trong hợp tác hai nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, với phương châm “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã thực hiện là phải có kết quả,” “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân,” thời gian tới hợp tác kinh tế Việt Nam-Singapore sẽ tiếp tục phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá hơn nữa, góp phần đưa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước trở thành một điển hình của mối quan hệ năng động và hiệu quả trong ASEAN, một hình mẫu để thúc đẩy các cơ chế hợp tác nội khối ở khu vực cũng như trên thế giới.
VSIP Thái Bình - mô hình hòn đá tảng trong quan hệ Việt Nam - Singapore
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Singapore Lawrence Wong cho biết ông vừa có cuộc hội đàm rất thành công với Thủ tướng Phạm Minh Chính, với nhiều văn kiện hợp tác giữa hai nước được ký kết; bày tỏ vui mừng chứng kiến lễ khởi công xây dựng VSIP Thái Bình - một trong những mô hình được cho là hòn đá tảng trong quan hệ song phương trong suốt gần 30 năm qua, thể hiện niềm tin của Singapore vào Việt Nam và tiềm năng phát triển của Việt Nam.
Theo Thủ tướng Lawrence Wong, trong hội đàm, hai bên đã thống nhất phát triển mạng lưới VSIP 2.0 theo hướng bền vững, thông minh, áp dụng công nghệ sản xuất thông minh để tối ưu hóa hiệu quả thu hút nguồn vốn chất lượng cao vào Việt Nam; hiện thực hóa thỏa thuận giữa hai bên trong chuyến thăm Singapore của Tổng Bí thư Tô Lâm vừa qua, với việc thúc đẩy hợp tác kinh tế số, kinh tế xanh, công nghệ cao, trong đó có xây dựng các VSIP xanh hơn. Các VSIP 2.0 không chỉ là khu công nghiệp mà là trung tâm khoa học, công nghệ, dịch vụ, đô thị thông minh; xử lý nước thải, giao thông xanh, bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí và hiệu quả hơn.
Cùng với các lĩnh vực hợp tác và các dự án cụ thể khác như kết nối cáp quang, cáp điện…, việc xây dựng, đưa VSIP Thái Bình tham gia mạng lưới 20 VSIP trong cả nước, góp phần tăng kết nối, hỗ trợ và thu hút các dự án đầu tư vào Việt Nam; mang lại lợi ích cho mỗi nước và quan hệ hai nước, cũng như tăng kết nối kinh tế trong khối ASEAN.
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp VSIP Thái Bình được triển khai thực hiện tại các xã An Tân, Thụy Trường (huyện Thái Thụy). Dự án có quy mô sử dụng đất 333,4 ha, trong đó, giai đoạn 1 tổng diện tích đất thu hồi 278 ha, diện tích còn lại dự kiến thu hồi trong năm 2025.
Dự án do Công ty Công ty Cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) là nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 4.932 tỷ đồng (tương đương gần 212 triệu USD). Mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp trong khuôn khổ khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Tân Trường.

Các đại biểu ấn nút khởi công Khu công nghiệp VSIP Thái Bình
Phát biểu tại buổi lễ, đại diện Tập đoàn VSIP cho biết: Với tổng diện tích 333.4 ha, VSIP Thái Bình đại diện cho cơ hội và sự phát triển. Vị trí chiến lược của khu công nghiệp giúp kết nối thuận lợi với các trung tâm vận tải quan trọng và mạng lưới logistics đang phát triển mạnh mẽ tại khu vực phía Bắc. Nhờ đó, VSIP Thái Bình hướng tới việc thu hút các nhà sản xuất công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, tận dụng lợi thế kết nối của Thái Bình với chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
"VSIP Thái Bình sẽ được phát triển theo mô hình khu công nghiệp các-bon thấp. Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với các nhà đầu tư để tích hợp các giải pháp giúp giảm phát thải khí nhà kính và tối ưu hóa hiệu suất năng lượng. Mục tiêu của chúng tôi là thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp có trách nhiệm, đáp ứng những nhu cầu ngày càng cao của nền công nghiệp hiện đại"- đại diện Tập đoàn VSIP cho biết.
Khu công nghiệp VSIP Thái Bình thực hiện giải phóng mặt bằng với diện tích lớn thứ 2 trên địa bàn huyện Thái Thụy, sau Khu công nghiệp Liên Hà Thái (gần 600 ha). Đến nay, đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng.
Sự kiện đặc biệt này tiếp nối khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của ngài Lawrence Wong, Thủ tướng Singapore, một lần nữa khẳng định quan hệ hợp tác kinh tế ngày càng bền chặt giữa Việt Nam và Singapore. Cùng với đó, việc khởi công dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp VSIP Thái Bình thể hiện ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, đánh dấu bước phát triển trong thu hút đầu tư của tỉnh Thái Bình nói riêng và quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Singapore nói chung.

Chủ đầu tư Khu công nghiệp VSIP trao biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư
Đồng thời, tạo sức lan tỏa trong việc thu hút đầu tư, tạo khí thế mới, động lực mới từng bước nâng tầm vị thế về kinh tế, đầu tư cho tỉnh trong thời gian tới; hướng tới mục tiêu phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư trở thành "đòn bẩy" để củng cố và phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội và phát triển đô thị, công nghiệp, kiến tạo được môi trường sống phục vụ người dân.

Toàn cảnh Khu công nghiệp VSIP Thái Bình
Bên cạnh đó, tạo hành lang pháp lý, môi trường kinh doanh thuận lợi để quảng bá và thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Bình nói chung và Khu kinh tế Thái Bình nói riêng góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh; tạo sự đột phá, nâng tầm vị thế của tỉnh Thái Bình trong kỷ nguyên mới của dân tộc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Singapore Lawrence Wong đã chứng kiến lễ trao các văn kiện hợp tác quan trọng giữa hai nước gồm: Ý định thư về Hợp tác xây dựng Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giai đoạn 2025-2030 giữa Bộ Ngoại giao hai nước; Ý định thư về tăng cường hợp tác thương mại điện xuyên biên giới hướng tới lưới điện ASEAN giữa Bộ Công Thương hai nước; Bản Ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực phát triển số và đổi mới sáng tạo giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam với Bộ Phát triển số và Thông tin Singapore; Bản Ghi nhớ hợp tác nhằm triển khai thanh toán bán lẻ song phương qua mã QR giữa Việt Nam và Singapore; Bản gia hạn Ghi nhớ hợp tác giữa Hội Hữu nghị Việt Nam và Quỹ Quốc tế Singapore