Chính thức: Luật đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1/8/2024

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan thị trường bất động sản, với 83% đại biểu tán thành...

Luật đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1/8/2024

Luật đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1/8/2024

Ngày 29/6/2024 Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Theo đó, có 404/469 đại biểu, tương đương 83% đại biểu tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan thị trường bất động sản.

Các Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản và hai điều (200 và 210) của Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 1/8, tức sớm 5 tháng so với quyết nghị của Quốc hội tại kỳ họp tháng 1/2024. Riêng một số quy định chuyển tiếp tại 7 điều (từ 253 đến 260) Luật Đất đai vẫn có hiệu lực từ 1/1/2025.

Trước đó, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, việc 3 bộ luật liên quan đến bất động sản sớm đi vào cuộc sống không chỉ là mong muốn mà còn là yêu cầu đặt ra của Quốc hội khi biểu quyết thông qua các luật này.

Về tính thống nhất của Dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, tại Báo cáo số 338/BC-CP ngày 24/6/2024 của Chính phủ về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng số, Chính phủ đã khẳng định: “Dự thảo Luật chỉ sửa đổi về thời điểm có hiệu lực của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, khoản 2 Điều 209 Luật Các tổ chức tín dụng mà không sửa đổi về nội dung của các Luật nêu trên nên không thay đổi tính thống nhất của các Luật nêu trên đối với hệ thống pháp luật”.

Về điều kiện bảo đảm thi hành luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo sát sao công tác ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của các bộ, ngành, địa phương, không để xảy ra vướng mắc do thiếu hoặc chậm ban hành văn bản cụ thể hóa, không để xảy ra tình trạng thông tư “chờ” nghị định, văn bản của địa phương “chờ” văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn của Trung ương, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thi hành các Luật từ ngày 1/8/2024 khi Luật này được Quốc hội thông qua.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nội dung các luật này.

Lý Anh

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/chinh-thuc-luat-dat-dai-nha-o-kinh-doanh-bat-dong-san-co-hieu-luc-tu-182024-post553015.html