Chính thức trình Quốc hội Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 7 Luật lĩnh vực đầu tư, tài chính, ngân sách để khơi thông nguồn lực cho phát triển

Sáng 17/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội nghe Chính phủ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 7 Luật). Phó Chủ tịch Quốc hội - Lê Minh Hoan điều hành phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội - Lê Minh Hoan điều hành phiên họp sáng ngày 17/5 (Nguồn ảnh: quochoi.vn)

Phó Chủ tịch Quốc hội - Lê Minh Hoan điều hành phiên họp sáng ngày 17/5 (Nguồn ảnh: quochoi.vn)

Với hàng loạt các chính sách mới được trình tại kỳ họp, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (Luật sửa đổi, bổ sung 7 Luật) nhằm thể chế hóa kịp thời Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và được kỳ vọng sẽ giúp khơi thông nguồn lực cho phát triển.

Theo tờ trình của Chính phủ: Trước sự thay đổi của tình hình KT-XH, các văn bản pháp luật về đầu tư, tài chính, ngân sách đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nên cần được rà soát, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung. Qua rà soát, tổng kết, đánh giá, Chính phủ đã xác định 7 Luật cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp để thực hiện sắp xếp, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, tạo động lực góp phần thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế,…

Cụ thể, với Luật Đấu thầu, để hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng, chuyển đổi số, Dự thảo Luật đã bổ sung thêm đối tượng ưu đãi trong đấu thầu, ưu tiên không phải đáp ứng về tư cách hợp lệ, hợp đồng tương tự, doanh thu,…

Về Luật PPP, cơ quan soạn thảo cũng đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới để đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo từ quy định về hình thức lựa chọn nhà đầu tư; phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu; cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi, bảo đảm của Nhà nước,...

Luật cũng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan về điều kiện áp dụng và chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp công nghiệp bán dẫn, doanh nghiệp công nghệ. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu,…

Ngoài những nội dung đã nêu, Dự án Luật cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định của Luật Đầu tư về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; Luật Đầu tư công về cắt giảm, đơn giản hóa trình tự, thủ tục, giảm bớt các trường hợp phải thực hiện trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư; Luật Đấu thầu đề xuất những sửa đổi mang tính đột phá về hoạt động đấu thầu của doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm;…

Bộ trưởng Bộ Tài chính - Nguyễn Văn Thắng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (Nguồn ảnh: Thanh Niên)

Bộ trưởng Bộ Tài chính - Nguyễn Văn Thắng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (Nguồn ảnh: Thanh Niên)

Cũng tại phiên họp sáng nay, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 với 3 nội dung: (i) bổ sung dự toán ngân sách trung ương năm 2025 để chi trả chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy; (ii) chuyển nguồn dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương năm 2024 chưa phân bổ sang năm 2025 để có nguồn thực hiện chính sách miễn học phí, thực hiện các nhiệm vụ phát sinh do sắp xếp tổ chức bộ máy; (iii) cân đối, bố trí đạt 3% tổng chi ngân sách nhà nước năm 2025 cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Thông báo số 03-TB/BCĐTW của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Cuối phiên họp, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua 3 Nghị quyết: Nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2025; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật và Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân./.

Kiến Quốc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/chinh-thuc-trinh-quoc-hoi-du-thao-luat-sua-doi-bo-sung-7-luat-linh-vuc-dau-tu-tai-chinh-ngan-sach-de-khoi-thong-nguon-luc-cho-phat-trien-a195436.html