Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết quan trọng về kinh tế tư nhân

Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 17.5, Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình Quốc hội tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - Tư pháp của Quốc hội sẽ báo cáo thẩm tra về nội dung này.

Sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội sẽ trình bày thẩm tra dự án luật.

Trong sáng nay, Quốc hội cũng thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Khoa học - Công nghệ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quốc hội nêu.

Sáng cùng ngày, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết quan trọng về kinh tế tư nhân

Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết quan trọng về kinh tế tư nhân

Báo cáo của Bộ Tài chính (cơ quan soạn thảo) gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu đối với dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân cho thấy hiện vẫn còn một số ý kiến khác nhau liên quan tới miễn thuế thu nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Dự thảo nghị quyết quy định "Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu".

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, có ý kiến đại biểu đề nghị để tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đề nghị sửa thành "Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm kể từ khi doanh nghiệp có lãi".

Cho rằng đề xuất này dẫn đến thay đổi lớn trong chính sách hỗ trợ, mở rộng phạm vi so với Nghị quyết 68, tác động lớn đến thu ngân sách nhà nước nên cơ quan đề xuất trình cả 2 phương án trên.

Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế - Tài chính đã đề nghị chọn phương án 1, tức là doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn thuế thu nhập trong 3 năm kể từ khi thành lập, để phù hợp với chủ trương của Nghị quyết 68.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng tình chọn phương án 1 như đề nghị của Chính phủ, vì các ý kiến cho rằng nếu chờ tới khi doanh nghiệp có lãi mới miễn thuế là chưa hợp lý, nên khuyến khích doanh nghiệp ngay từ đầu.

Với quy định số lần thanh-kiểm tra với doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh tối đa 1 lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng, theo cơ quan soạn thảo, nội dung này hướng tới việc giảm thanh tra, kiểm tra trực tiếp và chuyển mạnh sang hậu kiểm.

Quy định này cũng không hạn chế với hoạt động thanh tra, kiểm tra đột xuất khi doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm và tăng kiểm tra trên cơ sở chia sẻ dữ liệu thông tin giữa các cơ quan. Tức là, công tác quản lý nhà nước không bị giảm hiệu lực, hoạt động của doanh nghiệp không bị cản trở.

Từ phía cơ quan thẩm tra, Thường trực Ủy ban Kinh tế - Tài chính đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo rõ hơn việc chưa tiếp thu một số quy định. Trong đó có đề xuất "không thực hiện biện pháp ngăn chặn bằng tạm giam khi chưa thật sự cần thiết", "không áp dụng cấm xuất cảnh với chủ doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh khi nợ thuế do các nguyên nhân hợp lý, có cam kết và tài sản đảm bảo".

Cũng theo cơ quan soạn thảo, các chính sách liên quan đến ưu đãi thuế, phí... được thiết kế trên cơ sở "nuôi dưỡng nguồn thu", tức là có thể làm giảm nguồn thu trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội, điều kiện để mở rộng sản xuất kinh doanh, qua đó đóng góp nhiều hơn vào ngân sách nhà nước và sự phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều nội dung tại nghị quyết mang tính nguyên tắc, vì vậy, nội dung của văn bản quy định chi tiết là rất quan trọng, cần bảo đảm điều kiện tiếp cận, thực hiện cơ chế, chính sách thuận lợi, khả thi, hiệu quả không dẫn đến cơ chế “xin - cho”, đáp ứng yêu cầu tại khoản 1 điều 16 dự thảo nghị quyết và nguyên tắc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tại điều 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025.

Ngoài ra, công tác thực thi, tổ chức thực hiện cần đặc biệt chú trọng, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực và hiệu quả, theo đúng tinh thần kiến tạo, đổi mới của Nghị quyết sô 68-NQ/TW và Nghị quyết của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính Phan Văn Mãi

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/quoc-hoi-se-bieu-quyet-thong-qua-nghi-quyet-quan-trong-ve-kinh-te-tu-nhan-232691.html