Chính trị TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Cách đây 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, quân và dân ta mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam, với ba chiến dịch tiến công binh chủng hợp thành, trong đó có đòn tiến công trên hướng chủ yếu Trị-Thiên.

Rạng sáng 2-5-1972, cờ giải phóng trong tay chiến sĩ Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 tung bay trên cổng Thành cổ Quảng Trị. Ảnh tư liệu

Rạng sáng 2-5-1972, cờ giải phóng trong tay chiến sĩ Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 tung bay trên cổng Thành cổ Quảng Trị. Ảnh tư liệu

Trên cơ sở phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện thực tiễn chiến trường cũng như tình hình thế giới, khu vực có liên quan, Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhận định: Ta đang ở thế thắng, thế thuận lợi, thế đi lên, mặc dù còn có những khó khăn và nhược điểm cần khắc phục; địch đang ở thế thua, thế khó khăn, thế đi xuống, mặc dù chúng đang còn có lực lượng và có những chỗ mạnh nhất định; và nếu ta đánh mạnh đồng loạt trên toàn chiến trường thì lực lượng của chúng sẽ bị co kéo và phân tán hơn nữa. Trong công điện ngày 29-11-1971, gửi Trung ương Cục về đánh giá tình hình phong trào đấu tranh chính trị ở Sài Gòn và nhiệm vụ năm 1972, đồng chí Lê Duẩn dự đoán: Năm 1972 là năm cách mạng miền Nam có thời cơ lớn để chuyển sang một bước ngoặt, một giai đoạn mà quy luật chiến tranh cách mạng của ta, quy luật nổi dậy và tiến công, tiến công và nổi dậy, làm chủ để tiêu diệt địch, tiêu diệt địch để làm chủ, có khả năng phát huy tác dụng đầy đủ nhất của nó, với tất cả quy mô và sức mạnh của nó. Từ đó, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam trong năm 1972, trong đó có hướng tiến công chủ yếu Trị-Thiên, nhằm tạo ra một chuyển biến căn bản cho cuộc kháng chiến. Mục đích của cuộc tiến công chiến lược nhằm giành thắng lợi quân sự quyết định trên chiến trường, buộc Mỹ phải chấp nhận các điều kiện của ta ở Hội nghị Paris.

Quyết tâm chiến lược và kết quả cuộc tiến công quân sự của quân và dân ta ở miền Nam, đặc biệt thắng lợi tại chiến trường Trị-Thiên, giải phóng Quảng Trị gây bất ngờ cho đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn. Thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược 1972 và giải phóng Quảng Trị là minh chứng cho tư duy chỉ đạo chiến lược nhạy bén, sắc sảo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, trực tiếp là Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; sự lãnh đạo sáng tạo, kiên quyết của Đảng ủy và Bộ tư lệnh Chiến dịch. Đảng ta luôn phân tích, lượng định khách quan tình hình, sát với thực tiễn để hạ quyết tâm mở cuộc tiến công chiến lược vào thời điểm có lợi nhất trên một hướng chiến lược quan trọng và giành thắng lợi quyết định. Đây là bài học kinh nghiệm quý báu được Đảng ta một lần nữa vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày nay, trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực, kinh nghiệm về chủ động nắm bắt thời cơ trong cuộc tiến công chiến lược 1972 vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Kế thừa và vận dụng sáng tạo kinh nghiệm đó, yêu cầu đặt ra đối với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân là cần phải nắm chắc địch, đánh giá đúng so sánh lực lượng, kịp thời chuyển hóa thế trận, phương thức tác chiến phù hợp. Nắm chắc địch là phải thấy rõ được bản chất, âm mưu, các thủ đoạn của các thế lực thù địch trên mọi phương diện, trong mọi tình huống; đánh giá đúng đối tượng để rút ra những kết luận khách quan, xử trí kịp thời các tình huống, đặc biệt trong những thời điểm có tính chất bước ngoặt về chiến lược. Muốn vậy, phải quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Từ đó không ngừng bồi dưỡng, nâng cao hiệu quả năng lực dự báo, tham mưu chiến lược về quân sự, quốc phòng, phù hợp với khả năng của đất nước và đối tượng tác chiến, không để bị động, bất ngờ; phát huy tốt vai trò nòng cốt của quân đội trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, vai trò của cả hệ thống chính trị trong xây dựng "thế trận lòng dân", thế trận phòng thủ cơ bản quân khu và khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố ngày càng vững chắc, phù hợp với sự phát triển của điều kiện kinh tế, xã hội, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, sức mạnh phòng thủ đất nước.

2. Chủ động tổ chức và điều hành chiến dịch đúng đắn, sáng tạo, kịp thời xoay chuyển cục diện cuộc chiến tranh

Giữa năm 1971, Quân ủy Trung ương họp, xác định chủ trương mở cuộc tiến công chiến lược trên chiến trường miền Nam trong năm 1972. Đầu năm 1972, khi thời cơ chiến lược ngày càng đến gần, Quân ủy Trung ương quyết định đánh địch bằng ba đòn chiến lược: Đòn tiến công của bộ đội chủ lực trên những hướng và chiến trường có lợi; đòn tiến công và nổi dậy ở các vùng nông thôn đồng bằng quan trọng; đòn tiến công của phong trào đấu tranh chính trị ở đô thị. Ngày 11-3-1972, Thường vụ Quân ủy Trung ương quyết định chính thức phương án tiến hành cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Cụ thể: Chiến trường Trị-Thiên là hướng tiến công chiến lược chủ yếu; chiến trường Đông Nam Bộ và Tây Nguyên cùng với Khu 5 là hướng phối hợp. Quyết tâm đó được Bộ Chính trị thông qua ngày 23-3-1972. Theo đó, Chiến dịch Trị-Thiên được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương xác định là một chiến dịch quy mô lớn, một chiến dịch hiệp đồng binh chủng, một chiến dịch tổng hợp cả về quân sự và chính trị, có nhiệm vụ quan trọng là tiêu diệt lực lượng quân sự địch, nhất là quân chủ lực và phương tiện chiến tranh, làm cho lực lượng đối phương bị tổn thất nặng nề, phương tiện, tinh thần chiến đấu suy sụp, làm thay đổi so sánh lực lượng có lợi cho ta. Phương châm chỉ đạo chiến dịch là: Phải nắm thật vững vấn đề đánh tiêu diệt, không cho địch co cụm lớn; phối hợp chặt chẽ giữa các hướng, giữa đòn tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng và đòn binh vận. Đối với chỉ huy tác chiến: Phải kiên quyết, chủ động, cơ động linh hoạt, chắc thắng nhưng rất táo bạo; vừa tiêu diệt, vừa làm tan rã địch, lấy tiêu diệt là chủ yếu; tiêu diệt địch và phá vỡ phòng tuyến địch có trọng điểm, đồng thời đánh thọc sâu táo bạo; kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng để làm đảo lộn thế trận của địch; luôn luôn có lực lượng dự bị mạnh, có vật chất dự trữ, phát huy sức cơ động của bộ đội; vừa tác chiến, vừa củng cố.

Để đủ sức thực hiện và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chiến lược, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chủ động tập trung một khối binh lực lớn trên hai hướng Quảng Trị và Thừa Thiên (quân số khoảng hơn 4 sư đoàn). Tháng 6 và tháng 7-1972, Bộ Quốc phòng tiếp tục điều động Sư đoàn 320, Sư đoàn 312 và Sư đoàn 325 vào tăng cường cho chiến trường Quảng Trị. Đây là những sư đoàn chủ lực có sức mạnh lớn, khả năng cơ động nhanh đã được rèn luyện, trưởng thành qua thực tiễn. Nhiệm vụ của các khối chủ lực được Bộ Chính trị nhấn mạnh: Tiêu diệt một số sư đoàn chủ lực ngụy, đồng thời đến lúc nào đó sẽ tập trung phát huy sức mạnh của quả đấm chủ lực cùng với lực lượng địa phương đẩy mạnh tấn công và nổi dậy đánh bại âm mưu bình định của địch, thúc đẩy phong trào thành thị thành cao trào. Với khối binh lực mạnh đó, quân và dân ta bất ngờ tiến công, phá tan hệ thống phòng ngự kiên cố, vững chắc của địch, làm chủ chiến trường ngay từ đầu chiến dịch.

Phát huy sức mạnh tổng hợp ba thứ quân, lực lượng vũ trang địa phương, được tăng cường một số đơn vị chủ lực, chủ động luồn sâu, vu hồi đánh chia cắt chiến dịch, gây rối loạn sau lưng địch, diệt ác, phá kìm, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy đấu tranh, góp phần vào thắng lợi. Hoạt động của lực lượng vũ trang địa phương khiến địch rối loạn, rút bỏ hàng loạt căn cứ, như: Dốc Miếu, Quán Ngang, Bến Ngự, Cửa Việt... tạo điều kiện cho quần chúng nổi dậy giải phóng hai huyện Gio Linh và Cam Lộ. Ở hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng, lực lượng vũ trang địa phương phối hợp với Trung đoàn 27 và một bộ phận bộ binh cơ giới mở mũi vu hồi thọc sâu, vừa tiêu diệt địch chia cắt chiến dịch, vừa diệt ác phá kìm, hỗ trợ cho quần chúng nhân dân nổi dậy, góp phần giải phóng hoàn toàn vùng đồng bằng Quảng Trị. Sau khi giải phóng Quảng Trị, lực lượng vũ trang địa phương (Tiểu đoàn 3 và Tiểu đoàn 8 của Quảng Trị và lực lượng an ninh vũ trang, tự vệ của thị xã) đã phối hợp với bộ đội chủ lực kiên cường chiến đấu chốt giữ các mục tiêu phòng ngự, các trận địa, đánh bại các đợt tiến công của địch.

Trải qua gần 3 tháng tiến công liên tục (ngày 30-3 đến 27-6-1972), Chiến dịch tiến công Trị-Thiên giành được thắng lợi. Kết quả, chỉ tính riêng Mặt trận Trị-Thiên, ta đã tiêu diệt 83.790 tên, bắt 3.685 tên, thu và phá hủy 922 khẩu pháo các loại, 1.181 xe tăng, bắn rơi 714 máy bay, phá hủy nhiều kho tàng, vũ khí, trang bị của địch. Thắng lợi của chiến dịch có ý nghĩa chiến lược, toàn diện, lần đầu tiên giải phóng hoàn toàn một tỉnh ở miền Nam, tiêu diệt một bộ phận quan trọng lực lượng chủ lực cơ động của địch. Chiến dịch tiến công Trị-Thiên và giải phóng Quảng Trị đánh dấu bước phát triển của lực lượng vũ trang miền Nam trong tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn. Đồng thời, từng binh chủng đã phát huy tối đa khả năng, sở trường của mình, tạo ra sức đột kích mạnh, tốc độ tiến công nhanh, có khả năng thực hiện thọc sâu, chia cắt, hình thành những mũi vu hồi lợi hại. Từ Chiến dịch tiến công Trị-Thiên đặt ra yêu cầu về tổ chức chỉ huy, phải kịp thời phát triển quy mô, tổ chức phù hợp với quy mô tác chiến. Thực tiễn trong những năm 1973-1975, các quân đoàn 1, 4, 2, 3 được thành lập để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.

Để đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, vận dụng bài học lịch sử từ cuộc tiến công chiến lược năm 1972, nhất là kinh nghiệm về tổ chức và điều hành chiến dịch, trong đó có sử dụng và phát huy sức mạnh tác chiến hiệp đồng binh chủng, Quân đội nhân dân Việt Nam được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có tổ chức biên chế hợp lý về số lượng, bảo đảm về chất lượng, hiệu quả trong chiến đấu. Việc tổ chức biên chế, cơ cấu lực lượng quân binh chủng được xây dựng cẩn trọng, khoa học, đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tiễn, có thể phát huy tối đa được sức mạnh tổng hợp trong mọi tình huống. Cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn chủ động, tích cực học tập nâng cao trình độ mọi mặt, nhận thức rõ đường lối quân sự của Đảng, yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ của quân đội; cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, phi chính trị hóa quân đội. Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân thực hiện ba đột phá, tạo sự chuyển biến về tổ chức, biên chế; huấn luyện và đào tạo; xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật, pháp luật của bộ đội và cải cách hành chính quân sự; coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu.

3. Chủ động kết hợp hiệu quả giữa các mặt đấu tranh chính trị, quân sự, ngoại giao, tạo nên sức mạnh tổng hợp giành thắng lợi

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ba mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao có quan hệ mật thiết, tác động lẫn nhau, hỗ trợ cho nhau, cùng thúc đẩy sự nghiệp cách mạng phát triển mạnh mẽ đến thắng lợi. Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ rõ: “Đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn hội nghị những cái mà chúng ta đã giành được trên chiến trường”[1]. Ngày 30-3-1972, cuộc tiến công chiến lược bắt đầu diễn ra và ngày càng quyết liệt. Song tại Paris, cuộc đấu tranh ngoại giao của ta vẫn đang trong giai đoạn bế tắc, đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn ngoan cố đòi hỏi những điều khoản có lợi cho chúng. Vì vậy, để thúc đẩy và giành được một giải pháp vững chắc trên bàn đàm phán, Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trương đẩy mạnh hơn nữa tiến công trên mặt trận quân sự, đặc biệt phải giành cho được thắng lợi lớn trong tháng 5 và tháng 6-1972.

Với vai trò là hướng tiến công chiến lược chủ yếu, Mặt trận Trị-Thiên có nhiệm vụ hết sức nặng nề, vừa phải phối hợp tác chiến nhịp nhàng, chặt chẽ với các chiến trường khác để đạt được mục tiêu chiến lược đề ra, vừa phải phục vụ nhiệm vụ chính trị, kết hợp với đấu tranh ngoại giao để giành thắng lợi trên bàn đàm phán. Thực hiện chủ trương của trên, từ cuối tháng 4-1972, Chiến dịch tiến công Trị-Thiên được đẩy mạnh và ngày 2-5-1972, quân và dân ta đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị.

Cùng thời gian đó, các Chiến dịch tiến công Bắc Tây Nguyên, Chiến dịch tiến công Nguyễn Huệ thực hiện được một phần cơ bản ý định chiến lược, góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường. Những thắng lợi liên tiếp của quân và dân miền Nam đã cổ vũ quân và dân miền Bắc chiến đấu và giành thắng lợi trong cuộc đọ sức với đế quốc Mỹ trong trận “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972. Điều kiện và thời cơ cho cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris của ta ngày càng chín muồi.

Phát huy thắng lợi trên chiến trường, Bộ Chính trị đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao trên bàn Hội nghị Paris, buộc Mỹ phải đàm phán theo hướng giải quyết toàn bộ vấn đề về chiến tranh Việt Nam. Ngày 27-1-1973, chính quyền Mỹ buộc phải ký kết hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Hiệp định Paris được ký kết là thành quả rực rỡ của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại, của cuộc đấu tranh, đấu trí kiên quyết, sáng tạo trên ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao.

Bài học kinh nghiệm được rút ra là ba mặt đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao đều có vai trò quan trọng, quan hệ mật thiết, thúc đẩy, tác động lẫn nhau hướng tới mục tiêu giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong điều kiện đối tượng, đối tác đan xen như hiện nay, vận dụng bài học kinh nghiệm về chỉ đạo chiến tranh với tinh thần độc lập tự chủ, đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 đặt ra yêu cầu phải có sự chỉ đạo chủ động quyết đoán, kịp thời, phối hợp nhịp nhàng giữa ba mặt đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao để đạt được mục tiêu chiến lược. Sự phối hợp giữa ba mặt đấu tranh được thể hiện ở giữ vững ổn định về chính trị kết hợp với xây dựng tiềm lực an ninh, quốc phòng vững chắc và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, trong đó có đối ngoại quốc phòng. Đối ngoại quốc phòng có nhiệm vụ: “Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, đặc biệt là các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác quan trọng khác, tạo thế đan xen lợi ích và tăng độ tin cậy. Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh theo tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc”[2].

Thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược 1972 và giải phóng Quảng Trị là một minh chứng tiêu biểu thể hiện năng lực lãnh đạo nhạy bén, sắc sảo của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sự sáng tạo, quyết đoán của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng trong quá trình phân tích, nắm bắt thời cơ cũng như khi triển khai và điều hành chiến dịch, chọn hướng tiến công chiến lược, sử dụng lực lượng và hình thức tác chiến thích hợp để giành được thắng lợi. Thắng lợi của hướng tiến công chiến lược Trị-Thiên và giải phóng Quảng Trị cùng với những thắng lợi quân sự trong năm 1972 đã làm thay đổi cục diện chiến tranh, “đánh cho Mỹ cút”, tạo điều kiện, thời cơ tiến lên “đánh cho ngụy nhào” giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Những bài học kinh nghiệm rút ra từ cuộc tiến công chiến lược 1972 vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, cần được tiếp tục vận dụng linh hoạt, hiệu quả trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 28, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.174.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.163.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B/cu%E1%BB%99c-ti%E1%BA%BFn-c%C3%B4ng-chi%E1%BA%BFn-l%C6%B0%E1%BB%A3c-n%C4%83m-1972-v%C3%A0-gi%E1%BA%A3i-ph%C3%B3ng-qu%E1%BA%A3ng-tr%E1%BB%8B-bi%E1%BB%83u-hi%E1%BB%87n-t%E1%BA%ADp-trung-c%E1%BB%A7a-ngh%E1%BB%87-t