Chính trị - Xã hội An sinh xã hội Cấp bách, khẩn trương để giảm tỷ lệ hộ nghèo ở Nam Đông

Điều quan tâm nhất hiện nay là phải hạ tỷ lệ hộ nghèo tại huyện Nam Đông, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo giảm nghèo của tỉnh Phan Ngọc Thọ chỉ đạo như vậy khi làm việc với huyện Nam Đông và các sở, ban, ngành liên quan vào chiều 27/4.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Xác định rõ nguyên nhân nghèo

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ lo lắng, soát xét lại, Nam Đông tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao. Nam Đông đã bỏ qua cơ hội trở thành huyện nông thôn mới, trong nhiệm kỳ này phải quyết tâm thực hiện cho bằng được.

Báo cáo của lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Nam Đông tại buổi làm việc cho thấy, toàn huyện hiện có 613/7.110 hộ nghèo; 235/7.110 hộ cận nghèo. Từ đầu năm đến nay, các tổ chức cá nhân đã hỗ trợ xóa 10 nhà tạm; số nhà tạm còn lại của huyện là 129 nhà.

Khảo sát theo phiếu điều tra hộ nghèo của huyện Nam Đông cho thấy, có 8 nguyên nhân nghèo đó là, người dân không có đất sản xuất; không có vốn sản xuất kinh doanh; không có lao động; không có phương tiện công cụ sản xuất; không có kiến thức về sản xuất; không có kỹ năng lao động sản xuất; có người đau bệnh nặng, tai nạn...

Hiện nay, người nghèo đang được hưởng thụ nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ trực tiếp, tuy nhiên ý thức tự vươn lên thoát nghèo của người dân chưa cao dẫn đến tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Qua rà soát trên địa bàn toàn huyện, hiện Nam Đông có khoảng 389 hộ thiếu đất ở; 479 hộ thiếu đất sản xuất. Sản xuất nông nghiệp của người dân còn manh mún, nhỏ lẻ; việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm; một số bộ phận người dân ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa biết cách chi tiêu trong gia đình; chưa biết cách phân tích hiệu quả kinh tế trong sản xuất; ít đầu tư để tái sản xuất sau khi thu hoạch sản phẩm…

Giảm nghèo đa chiều, bền vững

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ cùng các sở, ban, ngành của tỉnh xác định, nhiệm vụ rất cấp bách, cần phải khẩn trương thực hiện để giảm tỷ lệ hộ nghèo ở Nam Đông xuống, nhưng phải giảm nghèo đa chiều; cần tập trung ở điểm nào, khu vực nào để có những giải pháp giảm nghèo bền vững. Cần phải thống nhất quan điểm trong chỉ đạo, điều hành để giảm nghèo.

Hướng dẫn người dân Nam Đông trồng cây ăn quả

Hướng dẫn người dân Nam Đông trồng cây ăn quả

“Ngoài xây dựng kế hoạch giảm nghèo thì địa phương cũng đã đưa ra các giải pháp là phân công cán bộ, đảng viên giúp đỡ từng hộ gia đình nghèo; phân bổ nguồn vốn, tạo nguồn lực để các hộ vươn lên thoát nghèo; định hướng xuất khẩu lao động. Đây là giải pháp tối ưu nhất hiện nay đối với chính quyền địa phương”, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Lộ - Vương Văn Vui chia sẻ.

“Nam Đông nên thành lập tổ thu mua sản phẩm cho người dân; thành lập các tổ khuyến nông cộng đồng để hỗ trợ đắc lực cho các hợp tác xã và người dân. Những tổ này sẽ trực tiếp về từng hộ gia đình để hướng dẫn, hỗ trợ họ làm ăn, phát triển kinh tế vươn lên để thoát nghèo”, ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất.

Các ý kiến khẳng định, tiềm năng để phát triển kinh tế hộ gia đình ở Nam Đông là rất lớn, nhưng cần phải sắp xếp, tổ chức thực hiện một cách bài bản, khoa học hơn.

Chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ khẳng định, một huyện được công nhận anh hùng như Nam Đông thì không thể nghèo được. Giảm nghèo bền vững cần gắn liền với xây dựng nông thôn mới. Làm thế nào để lồng ghép, đồng bộ các nguồn lực để phát triển; tăng nguồn lực để hỗ trợ từng hộ gia đình nghèo; ưu tiên các xã gần đạt chuẩn nông thôn mới.

Muốn vậy, huyện đánh giá, rà soát lại hộ nghèo, tìm nguyên nhân từng hộ nghèo để đưa ra các giải pháp khắc phục tồn tại, khó khăn. Năm Đông tăng cường các dự án phát triển kinh tế xã hội để tạo công ăn việc làm cho người dân; thoát khỏi tư duy bằng lòng với hiện tại, mà cần có sự đổi mới; cái gì còn đang thiếu cần bổ sung; ưu tiên tập trung nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội cho 2 xã khó khăn Thượng Long và Hương Hữu.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chỉ đạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xác định, hỗ trợ thêm cho Nam Đông những loại cây chủ lực, tạo sản phẩm nông nghiệp để tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân; củng cố lại các HTX nông nghiệp; trồng rừng gỗ lớn; nâng cao năng suất lúa.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cần có chuyên đề riêng cho Nam Đông liên quan đến xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Các địa phương toàn huyện Nam Đông phải chốt số nhà tạm để phấn đấu xóa hết, không để phát sinh thêm; đảm bảo an sinh cho các hộ không đủ sức lao động. Để thực hiện, Nam Đông cần phải tìm nguồn để hỗ trợ, giúp đỡ họ vươn lên trong cuộc sống. Các sở, ngành cần tiếp tục tham mưu phân bổ vốn thêm cho Nam Đông để phát triển; tập trung tháo gỡ khó khăn. Cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã phải vào cuộc với một quyết tâm cao nhất để hạ tỷ lệ hộ nghèo; đáp ứng mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Bài, ảnh: Anh Phong

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/cap-bach-khan-truong-de-giam-ty-le-ho-ngheo-o-nam-dong-a112381.html