Bí thư Chi bộ tận tụy vì dân
Bà Lê Thị Bé Tư được người dân và lãnh đạo địa phương đánh giá là người cán bộ sâu sát cơ sở, có trách nhiệm và nhiệt tình, tận tụy vì dân, góp phần quan trọng xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, đời sống người dân không ngừng nâng cao.
Sau khi về hưu, bà Tư được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Bí thư Chi bộ ấp 4, xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An từ năm 2022 đến nay.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, bà luôn quan tâm tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền xã thực hiện các giải pháp phát triển KT-XH trên địa bàn ấp.
Các công trình xây dựng cơ bản đều được bà phối hợp triển khai theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Mọi công việc đều được bà bàn bạc, công khai trước dân nên tạo sự thống nhất, đồng thuận cao.
Bà Tư cho biết: “Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, nhiệm kỳ 2022-2025, ấp vận động người dân xây dựng tuyến đường giao thông nông thôn Kênh 900, tổng kinh phí gần 2,2 tỉ đồng, trong đó người dân đóng góp hơn 520 triệu đồng. Ngoài ra, nhà hảo tâm đóng góp xây dựng 10 cây cầu giao thông nông thôn, nạo vét kênh Lò Đường, sửa chữa hệ thống chiếu sáng với tổng kinh phí hơn 1,6 tỉ đồng”.
Các công trình đưa vào sử dụng không chỉ góp phần làm cho diện mạo nông thôn thêm khởi sắc mà còn giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng.
Công tác tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn an ninh, trật tự, tham gia trồng hoa, cây xanh và xử lý rác đúng nơi quy định luôn được bà quan tâm, góp phần duy trì và nâng chất các tiêu chí xã nông thôn mới.
Nhằm giúp người dân giảm chi phí trong sản xuất và nâng cao thu nhập, bà tích cực vận động người dân thực hiện mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Trước khi người dân gieo sạ, bà tổ chức họp dân để tuyên truyền, vận động, khuyến cáo người dân gieo sạ theo lịch khuyến cáo của ngành chuyên môn để phòng tránh dịch bệnh.
Đến nay, ấp có hơn 360ha lúa ứng dụng công nghệ cao, lợi nhuận tăng khoảng 2,5 triệu đồng/ha so với diện tích ngoài mô hình. Ngoài ra, ấp có các loại cây trồng khác như mít, chanh, sen,… đều phát triển ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhiệm kỳ qua, bà chủ động phối hợp cán bộ, đảng viên trên địa bàn xã vận động nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng 8 căn và sửa chữa 1 căn (nhà tình thương, nhà tình nghĩa, nhà Đại đoàn kết) cho người dân gặp khó khăn về nhà ở với tổng số tiền 640 triệu đồng; đồng thời, thăm và tặng hàng trăm phần quà cho hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vào dịp lễ, tết. Bà còn thực hiện “Chương trình kết nối yêu thương” hỗ trợ thường xuyên cho 2 hộ nghèo, với tổng số tiền 70 triệu đồng.
Bà quan tâm rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn ấp để xét hỗ trợ vốn vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Đến nay, ấp có hơn 150 hộ được các hội, đoàn thể xã quản lý vốn vay với tổng số tiền hơn 7,1 tỉ đồng. Qua đó, tạo điều kiện giúp người dân chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế gia đình. Nhiều hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo bền vững, đời sống người dân trong ấp không ngừng nâng cao với thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 55 triệu đồng/năm. Ấp chỉ còn 2 hộ nghèo, hộ dân sử dụng nước sạch đạt 82,8%.
Những việc làm của bà Lê Thị Bé Tư chính là tấm gương sáng trong việc học tập và làm theo gương Bác ở cơ sở, xứng đáng được biểu dương, khen thưởng.
Bà Tư chia sẻ: “Là người lãnh đạo ở cơ sở thì cần thực hành phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” của Bác Hồ. Có như vậy mới lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của người dân”./.
Năm 2023, bà vận động mạnh thường quân hỗ trợ tập, sách, quần áo cho học sinh, tiền mặt và nhu yếu phẩm cho người dân với tổng trị giá hơn 100 triệu đồng
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/bi-thu-chi-bo-tan-tuy-vi-dan-a182581.html