Chính trị - Xã hội Chính trị - Xã hội Hiệu quả của họp trực tuyến
TTH - Việc triển khai hệ thống các điểm cầu họp trực tuyến là một trong những nội dung quan trọng trong hiện đại hóa hành chính, xây dựng chính quyền điện tử. Trong thời điểm ảnh hưởng dịch COVID-19, phương thức này càng phát huy hiệu quả thiết thực.
Xã Giang Hải cùng các xã lận cận bên phá Cầu Hai cách trung tâm huyện Phú Lộc từ 20-25km. Trước đây, với phương thức họp truyền thống, mỗi địa phương nơi đây thường có cấp trưởng, cấp phó ở xã đi họp; sau đó về triển khai công việc ở các phòng, ban. Vì vậy, việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ thường có độ trễ.
Hiện nay, họp trực tuyến ở các xã, thị trấn có sự tham gia thêm các đại diện bộ phận, phòng ban, từ đó các ý kiến chỉ đạo cấp trên được cán bộ, công chức, viên chức được nêu ý kiến, thảo luận, tiếp thu trực tiếp, hiệu quả. Khi công việc được triển khai nhanh chóng, hiệu quả, phục vụ kịp thời sự lãnh, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền trên các lĩnh vực ở địa phương.
Theo ông Nguyễn Hữu, Chủ tịch UBND xã Giang Hải, việc triển khai họp trực tuyến giao ban giữa lãnh đạo huyện với các xã, thị trấn giúp giảm thời gian, chi phí đi lại và tạo thuận lợi cho lãnh đạo xã khi có công dân cần gặp để giải quyết công việc. Nhất là trong tình hình dịch COVID-19 hiện nay diễn biến phức tạp, họp trực tuyến sẽ hạn chế việc tiếp xúc đông người, đảm bảo tốt phòng, chống dịch.
Nằm vùng thấp trũng, hơn 2 năm nay, huyện Quảng Điền là địa phương đi đầu trong việc tổ chức họp trực tuyến kết nối từ tỉnh đến huyện, huyện đến xã, cụm xã, thị trấn. Quá trình tổ chức họp, địa phương này chú trọng việc đầu tư trang cấp hạ tầng, phương tiện, kỹ thuật cho các xã, thị trấn đảm bảo chất lượng tại điểm cầu cơ sở.
Ông Phạm Công Phước, Chủ tịch UBND xã Quảng Thái (Quảng Điền) thông tin, từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, việc hội họp quán triệt nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, tập huấn công tác bầu cử, phòng, chống dịch bệnh... phần lớn qua hình thức trực tuyến. Ban đầu vận hành hệ thống họp trực tuyến tại địa phương gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, khi được đầu tư màn hình, laptop, camera... và được phòng ban chức năng huyện hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ tại địa phương, đến nay việc sử dụng các trang thiết bị kết nối với điểm cầu huyện hoạt động thông suốt. Ông Phước khẳng định, việc thực hiện họp trực tuyến từ huyện với các xã, thị trấn thời gian qua đã giảm các chi phí đi lại tại cơ sở. Bên cạnh đó, hiệu quả công việc đạt kết quả cao hơn, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính ở địa phương.
Hiện nay, UBND huyện Phú Lộc và các xã, thị trấn trực thuộc đã đầu tư trang thiết bị, công nghệ để khắc phục những hạn chế về chất lượng trong họp trực tuyến. Việc chuyển sang hình thức họp trực tuyến không chỉ tiết kiệm kinh phí, thời gian, linh động và chia sẻ thông tin nhanh chóng mà còn nâng cao được chất lượng, hiệu quả cuộc họp, đáp ứng yêu cầu đề ra.
Theo lãnh đạo UBND huyện Phú Lộc, mô hình họp, điều hành trực tuyến không chỉ thực hiện trong thời điểm dịch bệnh mà còn triển khai xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo điều hành của địa phương thời gian tới. Huyện Phú Lộc tiếp tục, củng cố hoàn thiện, xây dựng một số trang chỉ đạo, điều hành trực tuyến đến các địa phương; qua đó, kịp thời tiếp nhận, cập nhật thông tin trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ từ địa phương để có những chỉ đạo điều hành phù hợp.
Mô hình họp trực tuyến đã, đang nhân rộng mọi ngành, mọi cấp địa phương ở Thừa Thiên Huế. Đây là một phần nền móng để Thừa Thiên Huế củng cố xây dựng chính quyền điện tử, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan, đơn vị; góp phần hướng tới nền hành chính hiện đại, minh bạch, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội của địa phương.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/hieu-qua-cua-hop-truc-tuyen-a103867.html