Chính trị - Xã hội Nhà báo Huế

TTH - Cuối năm 2021, khi dịch bệnh COVID-19 vẫn đang hoành hành, tôi nhận được điện thoại của anh Dương Phước Thu, mời viết tham luận cho một hội thảo về tuần báo Nhành Lúa và Kinh tế Tân văn, dự định được tổ chức vào đầu năm 2022.

Nhành Lúa và Kinh tế Tân văn là 2 trong số 6 tờ báo của Xứ ủy Trung kỳ và Tỉnh ủy Thừa Thiên trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936 - 1939). Các tờ báo khác là Sông Hương tục bản, rồi đến Dân, Dân Muốn và Dân Tiến. Cách đây 5 năm, cũng với anh Thu, một hội thảo về báo Dân được tổ chức nhân kỷ niệm 80 năm ra đời. Để chuẩn bị cho hội thảo báo Dân trước đó cũng như báo Nhành Lúa và Kinh tế Tân văn, anh Thu đã in toàn bộ các nội dung các tờ báo thành những tập sách sang trọng và được sắp xếp, bố cục lại khoa học và hợp lý.

Cũng nhớ hơn 10 năm trước, tôi có dịp đi cùng anh Thu ra Hà Nội sưu tầm tư liệu để viết lịch sử báo Thừa Thiên Huế. Lần ấy và cả nhiều lần nữa về sau, anh Thu đã âm thầm tiếp xúc, liên lạc với nhiều cơ quan văn hóa, bạn bè và đã sưu tập được rất nhiều tờ báo được xem là tiền thân của báo Thừa Thiên Huế. Như báo Dân, Nhành Lúa hay Kinh tế Tân văn, anh có toàn bộ các số. Điều mà anh Thu trăn trở là làm thế nào để lưu lại, lan tỏa, chia sẻ và truyền bá những số báo này. Cũng từ đó mà các tập sách in lại nội dung các số báo Dân, Nhành Lúa, Kinh tế Tân văn… ra đời.

Tôi đã đọc nguyên bản các tờ báo này. Dấu ấn thời gian in đậm cả trên nét chữ còn lại được mất và nhạt nhòe, ngôn ngữ, văn phong, cách trình bày và cả những vấn đề luận bàn đôi khi khó hiểu, phải đoán định. Anh Thu như con ong cần cù, tỉ mẩn đọc dò, đoán dịch và sắp xếp thành một văn bản rõ ràng, y chang bản chính để người đọc có thể dễ dàng với những tin tức, bài viết, thông tin, cập nhật trên các số báo. Lần đầu tiên, tôi được biết đến cách lưu giữ báo chí kỳ công, xứng đáng được ngợi khen và trân trọng của Thu.

Giai đoạn 1936 - 1939 thật đặc biệt trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Khi mà người Pháp nới rộng quyền tự do báo chí bởi những tác động sâu sắc của phong trào đấu tranh dân chủ thì cũng là lúc báo chí cách mạng có điều kiện phát triển. Khôn ngoan của người làm báo cách mạng là đã biết “tùy cơ ứng biến” và Huế đã trở thành trung tâm của báo chí cách mạng thời kỳ này. Người Huế nổi tiếng trầm tĩnh, sâu lắng nhưng cũng rất quật cường và mạnh mẽ. Những người làm báo nơi đây đã biết cách chọn những hình thức báo chí phù hợp để chuyển tải thông điệp cách mạng và bày tỏ những tâm tư và tình cảm của mình.

Trong lịch sử phát triển của báo chí cách mạng, sau này còn có những thời kỳ đáng nhớ như những năm tháng đấu tranh thống nhất nước nhà (1954 - 1975) hay giai đoạn đầu của đổi mới “nói và làm” cuối những thập niên 80 của thế kỷ 20. Đó cũng những lúc mà Huế nổi lên là trung tâm cả báo chí cách mạng. Báo chí ở Huế “xuống đường” và có “những đêm không ngủ” khi lính Mỹ ngập tràn miền Nam. Cũng ở Huế, còn lại trong tâm thức bao người là những bài báo đấu tranh chống tiêu cực nổi tiếng trên báo Đảng bộ tỉnh hay Tạp chí Sông Hương.

Và rồi, khi thời gian đã đi qua, Huế lại có những nhà báo như Dương Phước Thu bỏ công miệt mài và bằng cách làm khoa học lưu giữ, không để mất đi dấu tích của một thời và tìm cách lan tỏa những giá trị báo chí cách mạng.

ĐAN DUY

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/nha-bao-hue-a114385.html