Chính trị - Xã hội Nhất nông nhì sĩ
“Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông nhất nông nhì sĩ” - thành ngữ có câu như vậy. Ý cốt yếu là nhấn mạnh tầm quan trọng của nông nghiệp đối với cuộc sống. Thời hiện đại, người ta không nói nôm na như vậy nữa mà nâng lên thành lý luận, thành mục tiêu, thành tầm chiến lược - tỷ như chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, chiến lược an ninh lương thực, chiến lược kinh tế biển…
Dù có nhiều sự quan tâm, có nhiều đầu tư, có nhiều mục tiêu, có nhiều giải pháp… song, nhìn chung “miếng bánh” nông nghiệp vẫn nhỏ nhất trong miếng bánh kinh tế. Ở Thừa Thiên Huế, “miếng bánh” này chiếm khoảng 11% -12% GRDP (tổng sản phẩm nội địa). Theo dõi nhiều năm gần đây, tỷ lệ này không “nhúc nhích” được bao nhiêu và có khi còn phải thu hẹp lại. Cứ nhìn vào định hướng phát triển kinh tế thì chúng ta sẽ rõ: du lịch dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Trong phát triển không gian đô thị, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa cũng là mục tiêu hướng đến (ở Thừa Thiên Huế là hơn 50%).
Mong muốn đô thị hóa, phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ không phải chỉ là mong muốn của lãnh đạo mà dường như là của xã hội nữa. Đơn giản là vì làm nông nghiệp khổ cực, sinh lãi ít, nhiều rủi ro. Ngay nhiều gia đình nhiều đời làm nông nhưng nay vẫn không muốn con theo nghiệp của mình. Có khó bao nhiêu cũng phải cho con ăn học với mong muốn tìm kiếm cơ hội thoát khỏi cuộc sống “chân lấm tay bùn”.
Thanh niên, phần nhiều nếu không học được đại học để có cơ hội “đổi đời” thì sẽ học nghề, làm công nhân ở các nhà máy, đến các đô thị lớn để kiếm sống với đủ thứ nghề. Cho nên, nông thôn ngày càng thưa vắng thanh niên là vậy. Ít có nguồn nhân lực chứ chưa nói gì đến nguồn vốn, khoa học công nghệ (đặc biệt là công nghệ cao), nguồn đất đai rộng lớn…cho nên chúng ta thấy nông nghiệp khó lớn được.
Nhìn quanh các lĩnh vực nông nghiệp ở Thừa Thiên Huế, những cải tiến, phát triển đều đặn qua hàng năm thì có, nhưng để có những bước đột phá thì chưa thấy. Đều đặn, chúng ta thấy trên truyền thông đưa tin mô hình này, mô hình kia làm ăn hiệu quả. Nhưng mô hình đó mãi chưa nhân rộng, chưa phải là một giải pháp phát triển kinh tế quy mô lớn.
Thế thì “nông” có tầm quan trọng gì? Nhu cầu của con người thì nhiều, nhưng chung quy là “ăn” và “chơi”. Ăn là để tồn tại và “chơi” là để thỏa mãn những đòi hỏi của đời sống tinh thần. Chơi thì có quá nhiều cách, nhiều kiểu, nhiều cấp độ.
Bình thường, thành thị “ăn sung mặc sướng” hơn nông thôn. Nhưng có vẻ như trong đại dịch diễn ra hiện tại, nông nghiệp, nông thôn và nông dân ít lo lắng hơn, đỡ chật vật hơn ở thành thị, đặc biệt là những người nghèo, những người làm việc tự do, những người mà thu nhập phụ thuộc vào một công việc nào đó mà người khác tạo ra. Dịch bệnh kéo dài gần 2 năm qua, nhiều đô thị lớn đã bộc lộ ra sự bất ổn về công ăn việc làm, thu nhập, đời sống. Ở Huế, vùng đô thị cũng bị ảnh hưởng nhiều, trong khi đó nhiều vùng nông thôn rất ít bị ảnh hưởng! Thế thì có phải “nông” đã thay thế vai trò của “sĩ”?
Đô thị Huế và các đô thị nhỏ hơn như là vùng lõi, được bao bọc chung quanh bởi một vùng đệm là nông thôn, nên tính tương hỗ của nông thôn đối với đô thị rất lớn. Gì thì gì nhưng không lo chuyện không có cái để ăn. Sản phẩm nông nghiệp từ lương thực đến thực phẩm bao quanh - thế thì việc gì người dân đô thị cứ “ùn ùn” đi mua lương thực, thực phẩm tích trữ khi có thông tin (dù chưa rõ nguồn) về việc giãn cách hay phong tỏa để phòng dịch?
Tương lai, khi đô thị phát triển đến một mức độ cực thịnh nào đó thì như thế nào chưa biết, nhưng hiện tại, nông thôn Thừa Thiên Huế như là một “vùng đệm” vững chắc cho đô thị. Giá cả ở đô thị vẫn ổn định ngay khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/nhat-nong-nhi-si-a104241.html