Chính trị - Xã hội Theo dòng thời sự Cần phương án phục hồi hiệu quả

Làm gì và làm như thế nào để các chính sách tín dụng ưu đãi được triển khai kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, góp phần phục hồi phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ là vấn đề được đặt ra tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 18/5 vừa qua, do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tổ chức.

Đại dịch COVID-19 kéo dài hơn 2 năm qua đã tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của nước ta. Năm 2021, ước tính GDP cả nước chỉ tăng 2,58%, thấp hơn rất nhiều so với trước khi xảy ra đại dịch COVID-19 (năm 2019 đạt 7,02%). Với Thừa Thiên Huế, tuy tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cao hơn bình quân của cả nước, nhưng năm 2021 cũng chỉ đạt 4,36% và quý 1/2022 đạt 5,56% (GDP cả nước ước đạt 5,03%).

Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine khiến nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, tác động trực tiếp đến Việt Nam. Tác động rõ nhất là giá các mặt hàng tăng mạnh, nhất là xăng, dầu, lạm phát tăng cao ở hầu hết các quốc gia, với nhiều mức độ khác nhau. Điều này khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi sản xuất, đời sống của người lao động, nhất là người nghèo, các đối tượng chính sách tiếp tục gặp khó khăn.

Để giúp nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng trở lại, ngày 30/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Chương trình đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp, phương án huy động và bố trí nguồn lực thực hiện từng nhiệm vụ hỗ trợ cụ thể; trên tinh thần đó, nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp đã được ban hành, trong đó có các chính sách tín dụng ưu đãi cho đối tượng vay vốn tại NHCSXH.

Theo báo cáo tại hội nghị, đến nay, NHCSXH đã thực hiện giải ngân các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11 hơn 2.335 tỷ đồng. Với Thừa Thiên Huế, theo Giám đốc NHCSXH tỉnh Trương Công Lân, khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, NHCSXH đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân, DN trong khôi phục phát triển kinh tế từ việc gia hạn nợ, tăng nguồn vốn vay, giảm 10% lãi suất vay đến triển khai nhiều chương trình vay vốn mới cho DN trả lương ngừng việc, khôi phục sản xuất…

Tuy nhiên, một thực tế được nhiều doanh nghiệp, đối tượng nằm trong diện được hưởng chính sách ưu đãi theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ phản ánh là khó tiếp cận các gói ưu đãi trên. Tại hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp hồi đầu năm, có doanh nghiệp kiến nghị mong được hỗ trợ “tiền tươi, thóc thật”. Đó là mong muốn chính đáng, khi mà doanh nghiệp bị khó khăn bủa vây bốn bề và không phải đối tượng nào cũng đủ các điều kiện để tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi.

Tuy nhiên, các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước là một khoản đầu tư vừa để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn trước mắt, vừa nuôi dưỡng nguồn lực xã hội lâu dài. Một yêu cầu đặt ra trong thực hiện chính sách là phải hỗ trợ đúng đối tượng, nhưng đồng thời phải kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, sử dụng đồng tiền đúng mục đích. Như vậy, bản thân các doanh nghiệp, các đối tượng được thụ hưởng chính sách cũng phải có sự chuẩn bị tốt phương án sản xuất, kinh doanh, đủ khả năng hấp thụ nguồn vốn hiệu quả. Nếu không, mục đích hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội không những không đạt được như kỳ vọng của Chính phủ, Quốc hội, mà còn để lại những hệ lụy tiêu cực cho chính bản thân doanh nghiệp, đối tượng thụ hưởng và cả nền kinh tế.

Hoàng Minh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/can-phuong-an-phuc-hoi-hieu-qua-a113318.html