Chính trị - Xã hội Theo dòng thời sự Chính phủ đưa ra 16 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế, xã hội, môi trường

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc vào sáng 20/10. Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kỳ họp thứ 2 được tổ chức theo hình thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung, chia thành 2 đợt, dự kiến bế mạc vào ngày 13/11.

Tham dự tại điểm cầu Thừa Thiên Huế có: UVTW Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu cùng các vị ĐBQH tỉnh; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Quang Tuấn.

Là kỳ họp quan trọng diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngay phiên khai mạc của kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã dành thời gian mặc niệm đồng bào tử vong, cán bộ chiến sĩ hy sinh do dịch COVID-19.

Phát huy khí phách anh hùng, ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Thừa Thiên Huế

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Thừa Thiên Huế

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 2 diễn ra sau khi Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XIII thành công tốt đẹp; các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước đang nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết kỳ họp lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV trong bối cảnh đất nước gặp những khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, trước những thách thức và chồng chất khó khăn, phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, sự đồng lòng, vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở; dưới sự lãnh đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự đồng hành, chủ động, linh hoạt của Quốc hội; sự điều hành quyết liệt của Chính phủ; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, toàn quân, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự ủng hộ, tin tưởng của Nhân dân và sự hỗ trợ của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát trên phạm vi cả nước.

Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội tuy không đạt so với kế hoạch đề ra, nhưng kinh tế vĩ mô vẫn duy trì ổn định; nông nghiệp tăng trưởng khá và vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế và ổn định xã hội; xuất khẩu hàng hóa tăng cao so với cùng kỳ, lạm phát được kiểm soát, thu ngân sách và các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được đảm bảo; an sinh, phúc lợi xã hội được chú trọng; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Chúng ta dần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

“Quốc hội biểu dương, đánh giá cao sự cố gắng, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ; trân trọng, cảm ơn những nỗ lực, đóng góp to lớn, những nghĩa cử cao đẹp của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và cộng đồng doanh nghiệp; cảm ơn sự ủng hộ, giúp đỡ có hiệu quả của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế trong phòng, chống đại dịch COVID-19. Qua gian nan, thử thách, truyền thống đoàn kết, yêu nước, thương nòi, khí phách anh hùng, ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, đất nước ta lại càng phát huy cao độ hơn bao giờ hết”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Quốc hội chia sẻ sâu sắc với những tổn thất, mất mát nặng nề về người và của, những khó khăn mà Nhân dân ta đã phải gánh chịu; tri ân, tôn vinh những đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch, nhất là ngành y tế, các lực lượng vũ trang và cán bộ cơ sở đã bất chấp hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh sức khỏe và tính mạng của bản thân, cống hiến hết mình, xung kích vào cả những địa bàn là tâm dịch rất nguy hiểm vì mục tiêu cao nhất là bảo vệ sinh mệnh, sức khỏe, cuộc sống bình yên của Nhân dân và sự phát triển bền vững, trường tồn của đất nước.

Đáp ứng lòng mong đợi của Nhân dân và cử tri cả nước

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại kỳ họp thứ nhất, với tinh thần liên tục đổi mới, quyết tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và phương châm chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa trên cả ba phương diện: Lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các vị ĐBQH đã phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các cơ quan hữu quan; bám sát thực tiễn cuộc sống, thường xuyên lắng nghe ý kiến của cử tri và Nhân dân, các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước để tập trung chuẩn bị tốt nhất các nội dung cho kỳ họp thứ 2.

“Đề nghị các vị ĐBQH trên cơ sở thực tiễn sinh động, phong phú của ngành, lĩnh vực và địa phương mình, đồng thời xuất phát từ lợi ích cao nhất của đất nước, quốc gia và dân tộc, tham gia đầy đủ các phiên họp của Quốc hội, để nghiên cứu kỹ lưỡng, phản ánh khách quan, thảo luận sôi nổi, hiến kế và đóng góp thật nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng; chất vấn đúng và trúng các vấn đề trọng tâm, thời sự mà cử tri cả nước quan tâm và biểu quyết, quyết định các vấn đề rất quan trọng thuộc nội dung chương trình kỳ họp đã được Quốc hội thông qua, góp phần làm nên thành công của kỳ họp, đáp ứng lòng mong đợi của Nhân dân và cử tri cả nước”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Không đánh đổi môi trường, sức khỏe và tính mạng của người dân lấy tốc độ tăng trưởng kinh tế

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh,với chủ trương nhất quán không đánh đổi môi trường, sức khỏe và tính mạng của người dân lấy tốc độ tăng trưởng kinh tế, .

Sáng 20/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Theo báo cáo, với chủ trương nhất quán không đánh đổi môi trường, sức khỏe và tính mạng của người dân lấy tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhiều chính sách, giải pháp được ban hành cả trong ngắn hạn và dài hạn. Công tác phòng, chống dịch được thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kịp thời; xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật phục vụ cho phòng chống dịch được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đồng hành, xử lý quyết liệt, kịp thời.

Tuy vậy, trong báo cáo thẩm tra, các cơ quan của Quốc hội đề nghị bổ sung làm rõ về kết quả thực hiện các giải pháp cấp bách, đặc thù, đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, khôi phục kinh tế theo nghị quyết số 30.

Làm rõ hơn vai trò của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong phòng, chống dịch; báo cáo tổng thể về các nguồn lực đã chi cho công tác phòng, chống dịch; tiến độ thực hiện, khả năng hoàn thành kế hoạch, khả năng giải ngân đối với công trình quan trọng quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia; tình trạng thông tin không đúng sự thật, vi phạm các quy định của pháp luật trên mạng xã hội…

Về dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Chính phủ đưa ra 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, trong đó tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6-6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 4%...

Chính phủ cũng đề xuất 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện mục tiêu phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh COVID-19 hiệu quả để sớm mở cửa trở lại, tận dụng tốt các cơ hội thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế…

Tin, ảnh: Thái Bình

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-phu-dua-ra-16-chi-tieu-chu-yeu-ve-kinh-te-xa-hoi-moi-truong-a105854.html