Chính trị - Xã hội Theo dòng thời sự Hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới

Sáng 29/11, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ đề: 'Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới'.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chủ trì tại điểm cầu Thừa Thiên Huế

Hội thảo được tổ chức theo hình thực trực tiếp và trực tuyến tại 3 điểm cầu: TP. Hà Nội, Thừa Thiên Huế và TP. Hồ Chí Minh. Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo chủ trì tại điểm cầu tại TP. Hà Nội.

UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chủ trì tại điểm cầu Thừa Thiên Huế.

Phát biểu khai mạc và định hướng Hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhấn mạnh, một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nền văn hóa và con người Việt Nam... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; tranh thủ ngoại lực, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất.

Để thực hiện quan điểm đó, Đại hội XIII đã xác định một trong các nhiệm vụ trọng yếu là, xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; trong đó, tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới có vai trò đặc biệt quan trọng.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận vào các nội dung lớn, như: Tính cấp thiết và những yêu cầu đặt ra đối với việc tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Trên cơ sở đó, trong thời gian 1 ngày, Ban tổ chức Hội thảo dành phần lớn thời gian để tập trung thảo luận, phân tích, làm rõ hơn những vấn đề của các hệ giá trị và mối quan hệ biện chứng.

Đó là, “Tính cấp thiết và những yêu cầu đặt ra đối với việc xây dựng, thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; “Xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”; “Xây dựng hệ chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay để đưa vào cuộc sống”; “Xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ trong giai đoạn mới: thực trạng và những vấn đề cần quan tâm”; “Xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới”;…

Thừa Thiên Huế luôn gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống

Thừa Thiên Huế luôn gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ có bài tham luận đóng góp tại Hội thảo với chủ đề: “Hệ giá trị gia đình Việt Nam - Những đóng góp từ truyền thống gia đình Huế”. Bên cạnh nêu bật giá trị của hệ gia đình truyền thống Huế, bài tham luận đã đặt ra các giải pháp nhằm thực hiện hệ giá trị gia đình ngày càng phát triển hơn.

Phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống, gắn liền với việc tiếp thu những giá trị văn hóa gia đình văn minh của xã hội hiện đại; nêu cao vai trò của dòng họ, làng xóm, tổ dân phố trong xây dựng gia đình văn hóa với mục tiêu chung là: ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh để mỗi gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội.

Tin, ảnh: ANH PHONG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/he-gia-tri-quoc-gia-van-hoa-gia-dinh-va-chuan-muc-con-nguoi-viet-nam-trong-thoi-ky-moi-a120816.html