Chính trị - Xã hội Theo dòng thời sự Những điều tiên báo về tầm vóc Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh
Vũ trụ xoay vần, trời đất năm nào cũng Xuân-Hạ-Thu-Đông, nhưng năm có đến 3 con số trùng nhau tương tự như năm 2022 thì trên ngàn năm mới có 1 lần. Chẳng phải từ năm 1011 đến 2022 là 1011 năm đó sao?
Trùng 3 số 2 lại càng đặc biệt vì trên đời, biết bao nhiêu sự vận động, mối liên hệ đều phải xem xét “cặp đôi”, như âm-dương, vợ-chồng, ngày-đêm, nóng-lạnh, thắng-bại, sống-chết…
Một ngày nắng đẹp đầu Xuân 2022, chợt “ngộ” ra con số 2 “hệ trọng” như thế, bỗng nghĩ rằng: Tìm hiểu những năm có “số 2” của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh có thể sẽ gặp nhiều điều thú vị…
Mời bạn, chúng ta bắt đầu từ năm 1912. Tình cờ, năm này, thanh niên Nguyễn Tất Thành vừa lên tuổi 22. Tháng 6/1911, “anh Ba” xuất dương từ Bến Nhà Rồng-khởi đầu một chuyến đi dài, thật dài… Cho đến nay, hơn một thế kỷ sau, mấy ai đã có dịp đi như thế! Mặc dù, trong vị thế làm thuê cho hãng Sácgiơ Rêuyni, anh Nguyễn đã “đi vòng quanh châu Phi, đã có dịp dừng lại ở những bến cảng của một số nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Angiêri, Tuynidi, Cônggô, Đahômây, Xênêgan, Rêuyniông… Đến đâu anh cũng thấy cảnh khổ cực của người lao động dưới sự áp bức bóc lột dã man, vô nhân đạo của bọn thống trị…” (*)
Chuyến đi đã giúp anh nhận ra đường cách mạng tiếp theo. Một chi tiết cũng khá đặc biệt: Tháng 12/1912, anh đến Mỹ. “Năm 1966, trong một lần tiếp nhà báo Mỹ David Delingher, Bác Hồ nói: “Khi trở về Mỹ ông có thể nói rằng tôi đã đi ở cho người ta ở Brooklin với lương tháng 40 đôla, còn bây giờ làm Chủ tịch nước Việt Nam tôi được lĩnh 44 đôla”...
Chỉ với một năm “số 2” đã thấy những điều tiên báo sẽ xuất hiện một nhân vật có tầm quốc tế.
Chúng ta cùng bước qua một thập kỷ, sang năm 1922.
Tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp họp tại Tour từ 25 đến 30/12/1920, Nguyễn Ái Quốc ủng hộ thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Do đó, từ năm 1922, mặc dù phải tự kiếm sống (làm thợ ảnh cho ông Lainé ở ngõ Côngpoanh), Người dấn thân vào nhiều lĩnh vực, liên tục viết báo và sáng tác văn nghệ. Nhờ đó, tên tuổi Nguyễn Ái Quốc được nhiều người biết đến.
“Tháng 2, ngày 1
Để chuẩn bị tài chính cho việc xuất bản báo Le Paria, cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp Thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc - Ủy viên Thường trực Ban Chấp hành Hội, cùng với Xtêphani, hội viên của Hội, đã viết Lời kêu gọi hô hào mọi người hãy gia nhập Hội, gửi mua dài hạn báo Le Paria…”.
Một sự kiện rất đáng chú ý là sự giao lưu giữa Người và cụ Phan.
“Tháng 2, sau ngày 18
Nguyễn Ái Quốc nhận thư của cụ Phan Châu Trinh đề ngày 18/2/1922 gửi từ Mácxây. Mở đầu, bức thư nói lên nỗi đau của những người Việt Nam xa Tổ quốc. “Tôi với anh mấy năm ròng cùng sống nơi đất khách quê người, nhưng mà lòng bọn mình chẳng khi nào quên cái cảnh tượng bên nhà […]. Bức thư cũng nói rõ sự bất đồng ý kiến trong phương pháp hoạt động: “Bấy lâu nay tôi cùng anh và anh Phan (tức Phan Bội Châu – NKP chú) đàm đạo nhiều việc, mãi tới bây giờ anh cũng không ưa cái phương pháp khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh của tôi. Còn tôi thời lại không thích cái phương pháp ngọa ngoại chiêu hiền, đãi thời đột nội của anh, và cả cái phương pháp dụng lý thuyết thâu nhân tâm của anh Phan”.
Bức thư có đoạn kết luận: “… Bây giờ thân tôi tợ chim lồng cá chậu. Vả lại cây già thì gió dễ lay, người già thì trí lẫn, cảnh tôi như hoa sắp tàn […]. Còn anh như cây đương lộc, nghị lực có thừa, dày công học hỏi, lý thuyết tinh thông…”. Tiếp đó, cụ Phan khuyên Nguyễn Ái Quốc phải về hoạt động trong nước...
Cũng tại Paris, trong năm 1922, Nguyễn Ái Quốc còn có cuộc gặp khá đặc biệt. “Tháng 6, trước ngày 22, đến gặp Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp Anbe Xarô theo thư mời của ông ta. Trong cuộc đối mặt này, trước thái độ và lời lẽ lúc thì đe dọa, lúc thì dụ dỗ của “con cáo già thuộc địa” […], trước khi ra về, Nguyễn Ái Quốc đã nói với Anbe Xarô: Cảm ơn Ngài! Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập...”.
Xin kết thúc bài viết bằng một số hoạt động văn nghệ, báo chí của Người trong năm 1922. Từ tháng 3, sau khi viết truyện “Người phu kéo xe” đăng trên báo L’Humanité, Người viết liên tục các tác phẩm: Kịch “Con rồng tre” (Tháng 5); truyện “Lời than vãn của bà Trưng Trắc” trong khi Khải Định sang dự Hội chợ thuộc địa tổ chức tại Mácxây năm 1922 để “vạch trần bộ mặt bán nước hại dân của bọn vua quan phong kiến phản động làm tay sai cho đế quốc Pháp”…
Cũng có thể gọi là may mắn khi Nguyễn Ái Quốc bước vào hoạt động cách mạng tại một trung tâm văn hóa thế giới. “Khoảng tháng 5, Nguyễn Ái Quốc đem số báo Le Paria mới phát hành ở Pari đến biếu nhà văn Henri Barbusse. Cũng đúng lúc ấy, danh họa Picátxô đến rủ Nguyễn Ái Quốc và Henri Barbusse đi xem bộ phim Tư bản và tôn giáo của đạo diễn Joris Ivens, người Hà Lan...” Xem xong bộ phim, Nguyễn Ái Quốc đã viết ngay một bài ca ngợi bản lĩnh nghệ sĩ Joris Ivens đăng trên báo L’Humanité tháng 6/1922.
Cuộc gặp gỡ với các tên tuổi về sau trở thành những nghệ sĩ nổi tiếng thế giới là cái “duyên” và nhờ cái “duyên” đó, giữa thời kỳ chiến tranh ác liệt, nhà đạo diễn nổi tiếng Joris Ivens đã sang Việt Nam năm 1967 và trước khi vào quay bộ phim Vĩnh Linh làm cả thế giới xúc động, Bác Hồ đã gọi cô y tá giỏi tiếng Pháp, quê Nham Biều giao nhiệm vụ đi chăm sóc chu đáo “người bạn” của Bác. Chuyện này, nữ sĩ Xuân Phượng đã kể trong tự truyện “Gánh gánh… gồng gồng” được Hội Nhà văn Việt Nam tặng giải nhất năm 2020.
Thế là ngẫu nhiên chúng ta lại gặp mấy con số 2. Cũng không quên quay lại năm 1932, rồi 1942-quãng thời gian Người vất vả tìm cách về nước và hoàn thành tập “Nhật ký trong tù”. Nhưng bàn luận về con “số 2” sau khi “trích yếu” các hoạt động của Người, chỉ trong hai năm 1912 và 1922 cũng đã đủ cho chúng ta hiểu thêm những gian nan, trăn trở trên lộ trình tìm đường cứu nước và tầm vóc của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Trung Sơn