Chính trị - Xã hội Theo dòng thời sự Từ du lịch cộng đồng
Tại kỳ họp HĐND tỉnh khai mạc sáng nay (8/7), một trong những nội dung được đặt lên bàn nghị sự là xem xét, thông qua đề án hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2025.
Đây là loại hình du lịch đã được hình thành gần 20 năm, gắn với những địa danh như Thôn Dỗi (Nam Đông), làng cổ Phước Tích (Phong Điền), cầu ngói Thanh Toàn (Hương Thủy), Thủy Biều (TP. Huế), Ngư Mỹ Thạnh (Quảng Điền), Gành Lăng (Phú Lộc)... Chặng đường đi đã dài nhưng số liệu thống kê cho thấy, năm 2018, các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh chỉ đón được 300.000 khách du lịch, nghĩa là hiệu quả còn thấp.
Theo lãnh đạo ngành du lịch, do một số hạn chế như hạ tầng kém, cơ sở vật chất tạm bợ, sản phẩm manh mún, trình độ phục vụ thiếu chuyên nghiệp, chưa kết nối được với các doanh nghiệp du lịch... nên tiềm năng du lịch cộng đồng chưa được khai thác tốt.
Huế là địa phương có tiềm năng lớn về du lịch. Nhưng tại nhiều hội nghị du lịch, các chuyên gia cho rằng, nhiều tiềm năng là một lợi thế nhưng có quá nhiều tiềm năng cũng là một bất lợi. Nếu không xác định được đâu là sản phẩm trung tâm, chủ lực, sẽ dẫn đến đầu tư dàn trải, manh mún.
Thực tế cho thấy, sau hàng chục năm phát triển, du lịch Huế đã hình thành nhiều loại hình du lịch, từ du lịch văn hóa di sản gắn với Quần thể di tích Cố đô Huế; du lịch biển gắn với vịnh đẹp Lăng Cô, Cảnh Dương, Thuận An; du lịch lễ hội gắn với các kỳ festival vào các năm chẵn là lẻ; du lịch sức khỏe gắn với suối nước nóng Mỹ An, Thanh Tân; du lịch sinh thái gắn với phá Tam Giang, đầm Cầu Hai, rừng Quốc gia Bạch Mã; du lịch làng nghề gắn với nghề đúc đồng, hoa giấy Thanh Tiên, tranh làng Sình...
Cũng như du lịch cộng đồng, bức tranh du lịch Huế đang trong tình trạng nhiều nhưng chưa sâu. Điển hình là du lịch biển. Với 129km bờ biển, sở hữu nhiều bãi biển đẹp nhưng du lịch biển của Huế chưa có tính đột phá, còn nghèo dịch vụ nên vẫn đang ở dạng tiềm năng. Với du lịch di sản, dù đón lượng khách chủ yếu đến Huế nhưng các dịch vụ bổ trợ như mua sắm, vui chơi giải trí vẫn còn nghèo...
So sánh mức tăng trưởng du lịch của các địa phương cho thấy, năm 2018, Huế đón 4,3 triệu lượt khách, Hội An (gần 5 triệu), Quảng Bình (4,3 triệu), Đà Nẵng (7, 6 triệu); Ninh Bình (7,3 triệu), Quảnh Ninh (trên 12 triệu)...Về doanh thu, năm 2018, ngành du lịch Huế thu được trên 4.000 tỷ đồng, trong khi Đà Nẵng 24.060 tỷ đồng và Quảng Ninh cũng xấp xỉ con số ấy (24.000 tỷ đồng).
Cách đây hơn chục năm, câu chuyện du lịch Huế sẽ tụt hậu so với các địa phương mới nổi đã được đánh động, nếu không tận dụng, khai thác tốt tiềm năng, không có sự đột phá. Hiện, rõ ràng, về lượng khách, du lịch Huế đang có dấu hiệu giảm sút so với các địa phương mới như Ninh Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng...
Làm gì để tạo sự bứt phá? Nên đầu tư trọng tâm cho loại hình du lịch nào để có sức cạnh tranh?Nên đi theo hướng du lịch trải nghiệm, sống chậm hay vui chơi giải trí, mua sắm? Nên thu hút loại hình du khách cao cấp hay du dịch số đông? Có vẻ như du lịch Huế đang đứng trước ngã ba tiềm năng.
Trong bức tranh chung ấy, việc chọn nơi nào để tập trung phát triển du lịch cộng đồng cũng là vấn đề. Theo đề án hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2025, sẽ có 14 điểm du lịch thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố được hỗ trợ kinh phí xây dựng hạ tầng, sản phẩm du lịch, đào tạo nhân lực… Liệu có ôm đồm khi có quá nhiều địa điểm được đầu tư, sẽ khó tránh được sự dàn trải, manh mún, trong điều kiện nguồn lực đầu tư có hạn. Chưa kể sự trùng lắp, dẫm đạp về sản phẩm, thị phần...
Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/tu-du-lich-cong-dong-a74394.html