Chính trị - Xã hội Xây dựng Đảng Mọi việc để dân bàn bạc, thống nhất

Dựa vào dân và mọi việc đều đưa ra bàn bạc, thống nhất là một trong những bài học kinh nghiệm được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương huyện Quảng Điền đúc rút trong quá trình thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở.

Tuyến đường văn minh ở Quảng Phước - một trong những mô hình được thực hiện từ phát huy dân chủ ở cơ sở

Tuyến đường văn minh ở Quảng Phước - một trong những mô hình được thực hiện từ phát huy dân chủ ở cơ sở

Tạo sự đồng thuận

Người dân thôn 4, xã Quảng Công chủ yếu làm nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày. Thôn có 25ha đất trồng trọt ở khu vực cao triều hiệu quả thấp nên cấp ủy, chính quyền thôn quyết tâm chuyển số diện tích đất này sang nuôi trồng thủy sản.

“Thôn mời người dân đến họp cùng với hệ thống chính trị trong thôn để bàn bạc, lấy ý kiến. Có ý kiến đồng tình, nhưng một số ý kiến trái chiều. Sau khi đi sâu phân tích kỹ thiệt hơn, những người dân có ý kiến trái chiều cũng đã đồng thuận, nhất trí”, ông Lê Thanh, Trưởng thôn 4, xã Quảng Công chia sẻ.

Hiện 25ha ở khu vực cao triều Quảng Công được người dân thôn 4 nuôi tôm xen ghép cua, cá nâu, cá chẽm… cho giá trị kinh tế cao. Mới đây, thôn tiếp tục chuyển đổi thêm 6ha và sẽ chuyển tiếp 5ha đất trồng trọt kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản.

Trước đây, thôn Tây Hoàng, xã Quảng Thái trồng cây mướp đắng theo hướng tự phát. Người dân chưa được hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật nên rất lạm dụng việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Hơn nữa, diện tích trồng cây mướp đắng dàn trải, nhỏ lẻ và rất manh mún, giá cả lại bấp bênh.

Ông Phạm Bá Nhật, Trưởng thôn Tây Hoàng cho biết: “Cấp ủy, Ban điều hành, Ban công tác Mặt trận thôn đã tổ chức họp các hộ trồng cây mướp đắng để cùng nhau bàn bạc. Lãnh đạo xã gợi ý cho Chi bộ, Ban điều hành thôn Tây Hoàng vận động người dân thành lập tổ hợp tác trồng và chế biến mướp đắng. Sáng kiến này được người dân đồng tình và thống nhất cử Trưởng thôn làm tổ trưởng, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn làm tổ phó tổ hợp tác. Đến nay, mô hình trồng mướp đắng trái vụ ở thôn Tây Hoàng cho giá trị kinh tế cao, người dân rất phấn khởi”.

“Không đơn giản mà người dân tự nguyện hiến hơn 18.600m2 đất, 14.000 cây tre, 1.197 cây tràm để làm đường. Người dân còn tham gia xây dựng các cổng chào, bê tông hóa nhà sinh hoạt cộng đồng, xây dựng các tuyến đường nội thôn… Cách làm của Đảng ủy xã là phân công từng cán bộ, đảng viên về trực tiếp phối hợp với Ban điều hành, Ban công tác Mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể ở các thôn tổ chức sinh hoạt cùng với người dân từng thôn, mục đích nhằm kịp thời theo dõi, giúp đỡ và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Từ đó, phản ánh, tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền để giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho người dân”, Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi Hồ Lành đúc rút.

Thống nhất hành động, giải quyết kịp thời

Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, tại nhiều xã, thị trấn của huyện Quảng Điền, từ việc xây dựng đề án quy hoạch nông thôn, quy hoạch sử dụng đất đai, dồn điền đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, phương án sản xuất, xây dựng nếp sống văn hóa, huy động đóng góp… được công khai để dân biết nên đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Mới đây, tại hội nghị chuyên đề “Kết quả và kinh nghiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở theo Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11, ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XI)” do Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở của tỉnh và Huyện ủy Quảng Điền tổ chức, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà ghi nhận những kết quả đã đạt được của huyện Quảng Điền trong thực hiện Pháp lệnh 34; đồng thời chỉ ra nhiều mô hình, việc làm cụ thể, thiết thực từ thực hiện QCDC ở Quảng Điền cần được nhân rộng ra cả tỉnh trong thời gian tới.

“Khi quyết định một vấn đề nào đó, trước hết phải nắm bắt xem nhu cầu của người dân có phù hợp không, rồi chọn thời điểm phù hợp để họp dân, đưa vấn đề ra cho dân thảo luận, bàn bạc và quyết định. Quá trình triển khai thực hiện cần đảm bảo nguyên tắc tuân thủ sự đồng thuận của người dân, gắn với thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch; phát huy sức mạnh đoàn kết trong cộng đồng dân cư thì việc khó mấy cũng thành công”, ông Trần Văn Nhuận, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Thọ trao đổi.

Tương tự, vấn đề mấu chốt để Quảng Phú thực hiện thành công xây dựng xã nông thôn mới theo ông Lê Quốc Khánh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Quảng Phú là luôn công khai các khoản đóng góp từ Nhân dân.

“Các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn tạo điều kiện để người dân cùng tham gia bàn bạc và quyết định những vấn đề liên quan đến lợi ích trực tiếp của Nhân dân mới tạo được động lực thúc đẩy trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; coi trọng vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở, những người trực tiếp tuyên truyền, phổ biến, vận động Nhân dân thực hiện tốt QCDC ở cơ sở… là những vấn đề sẽ được huyện tiếp tục thực hiện trong thời gian tới”, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quảng Điền Phan Cảnh Dư khẳng định.

Bài, ảnh: ANH PHONG

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/moi-viec-de-dan-ban-bac-thong-nhat-a75595.html