Chính trường Ba Lan và sự trở lại của cựu Thủ tướng Donald Tusk
Diễn biến cựu Thủ tướng Donald Tusk trở lại chính trường Ba Lan trong bối cảnh nước này chuẩn bị bầu cử đang rất được chú ý.
Ngày 1-10 tại thủ đô Warsaw diễn ra cuộc biểu tình có tên gọi “Cuộc tuần hành của một triệu trái tim” do đảng Cương lĩnh dân sự (PO) đối lập của cựu Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk khởi xướng. Người biểu tình phản đối đảng cầm quyền Luật pháp và Công lý (PiS) - lãnh đạo Ba Lan từ năm 2015 - trong bối cảnh nước này chuẩn bị tổng tuyển cử, hãng Bloomberg đưa tin.
Ba Lan sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 15-10. Cuộc biểu tình trên nhận được sự quan tâm lớn, không chỉ vì thời điểm mà còn vì sự xuất hiện đáng chú ý của ông Tusk.
Ông Donald Tusk là ai?
Ông Donald Tusk, 66 tuổi, là thủ tướng Ba Lan từ năm 2007 đến năm 2014 trước khi rời khỏi chính trường Ba Lan để giữ chức chủ tịch Hội đồng châu Âu từ năm 2014 đến năm 2019.
Ông Tusk trở lại chính trường Ba Lan vào năm 2021 để lãnh đạo chiến dịch của phe đối lập mà ông tuyên bố là cơ hội cuối cùng để cứu vãn nền dân chủ Ba Lan. Ông Tusk hiện đang làm lãnh đạo đảng Cương lĩnh dân sự - do ông thành lập vào khoảng 22 năm trước.
Vào thời điểm trở lại Ba Lan, cựu Thủ tướng Tusk từng nói rõ về mục tiêu, là đánh bại đảng cầm quyền PiS trong cuộc bầu cử kế tiếp, theo đài DW.
Theo ông Tusk, Ba Lan hiện đang bị cô lập hơn so với nhiều thập niên trước và điều này cần phải thay đổi.
Ông Tusk nói rằng cuộc bầu cử vào ngày 15-10 tới có thể báo trước một nỗ lực đưa Ba Lan rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), theo tờ Financial Times. Tuy nhiên, đảng PiS phủ nhận điều này.
Đáp lại, lãnh đạo PiS - ông Jarosław Kaczyński cảnh báo rằng ông Tusk sẽ tư nhân hóa các công ty đại chúng của Ba Lan và tăng tuổi nghỉ hưu nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, như lần trước khi ông giữ chức thủ tướng từ năm 2007 đến năm 2014, theo tờ Politico.
Sự trở lại của ông Donald Tusk
Sự trở lại của ông Tusk được cho sẽ thổi luồng sinh khí mới vào đảng PO đang suy yếu để giúp đảng này giành quyền lực, đồng thời đảo ngược điều mà nhiều người cho là sự suy thoái các quyền cơ bản và mối quan hệ với các đối tác châu Âu dưới sự cầm quyền của đảng PiS, theo hãng tin AP.
Ông Tusk hy vọng cuộc biểu tình quy mô hôm 1-10 mà ông này cho là “dấu hiệu cho sự hồi sinh vĩ đại của Ba Lan” sẽ tiếp thêm năng lượng cho những người ủng hộ ông.
Biểu tượng tranh cử của ông Tusk là một trái tim mang màu sắc quốc gia trắng và đỏ (màu quốc kỳ Ba Lan - NV) để thể hiện rằng “tất cả chúng ta đều có Ba Lan trong trái tim mình”.
Cuộc biểu tình ngày 1-10 được lấy cảm hứng từ một cuộc biểu tình nổ ra trước đó vào ngày 4-6. Cuộc biểu tình hồi tháng 6 thu hút hàng trăm nghìn người ủng hộ phe đối lập từ khắp Ba Lan sau khi chính phủ nước này thông qua đạo luật gây tranh cãi về việc thành lập một ủy ban nhà nước để điều tra ảnh hưởng của Nga ở Ba Lan.
Luật này được coi là cách đảng cầm quyền nhắm vào ông Tusk nhằm tìm cách loại ông ra khỏi đời sống chính trị Ba Lan, theo AP.
Trong khi đó, những người ủng hộ chính phủ Ba Lan coi ủy ban này là một công cụ khẩn cấp và cần thiết để bảo vệ nền dân chủ bằng cách điều tra và loại bỏ tận gốc mọi ảnh hưởng tiềm ẩn của Nga đối với đời sống công chúng Ba Lan, theo GS Aleks Szczerbiak của ĐH Sussex (Anh).
Tờ The Guardian nhận định bất chấp những bài phát biểu mạnh mẽ tại các cuộc biểu tình, ông Tusk vẫn phải đối mặt với những trở ngại lớn trong nỗ lực trở thành thủ tướng kế tiếp của Ba Lan, bao gồm sự mất đoàn kết trong hàng ngũ phe đối lập và một chiến dịch vô cùng dữ dội của đảng cầm quyền nhắm vào đảng của ông.