Chính trường Hàn Quốc rơi vào 'hố đen khủng hoảng' mới

Hôm 27/12, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc đưa ra một kết luận gây tranh cãi về việc thông qua dự thảo nghị quyết luận tội quyền Tổng thống Han Duck Soo do phe đối lập đệ trình.

Tuyên bố này đã đẩy cơn khủng hoảng trên chính trường nước này lên một cao trào mới, đồng thời đánh dấu một mốc sa lầy sâu hơn của giới cả giới chính trị.

Giới quan sát chính trị quốc tế cho rằng đây mới chỉ là khởi điểm cho một “hố đen khủng hoảng” khác, nghiêm trọng hơn, khó lường hơn. Đồng thời cho rằng, những gì đang nhìn thấy mới chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi”.

Các nghị sỹ thuộc đảng cầm quyền tập trung trước bàn Chủ tịch Quốc hội để phản đối tuyên bố thông qua nghị quyết luận tội quyền Tổng thống. Ảnh: NHK

Các nghị sỹ thuộc đảng cầm quyền tập trung trước bàn Chủ tịch Quốc hội để phản đối tuyên bố thông qua nghị quyết luận tội quyền Tổng thống. Ảnh: NHK

Ranh giới đúng sai mỏng manh và thế cục không thể đảo ngược

Tuyên bố của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc về việc dự thảo nghị quyết luận tội quyền Tổng thống Han Duck Soo đã được thông qua không chỉ gây tranh cãi mà còn gây thêm xung đột giữa đảng cầm quyền và phe đối lập, thậm chí còn gây căng thẳng và tạo ra nhiều chỉ trích đối với cá nhân Chủ tịch Quốc hội từ phía các nghị sĩ của đảng Quyền lực nhân dân (PPP) cầm quyền. Trong trường hợp này, ranh giới giữa đúng và sai trong tuyên bố thông qua dự thảo nghị quyết nêu trên rất mỏng manh.

Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc không phải vô lý khi tuyên bố dự thảo đã được thông qua, vì có 192 phiếu thuận và không có phiếu chống. Chi tiết đáng chú ý và đầy tế nhị mang tính pháp lý ở đây là “không có phiếu chống”. Đây là cơ sở cho tuyên bố thông qua dự thảo. Từ phía bên kia, phía các nghị sỹ của PPP cũng có đủ căn cứ để cho rằng tuyên bố này là vi phạm pháp luật. Bởi vì theo quy định, để luận tội một quan chức cao cấp, nhất là Tổng thống hoặc quyền Tổng thống cần có ít nhất 2/3 số nghị sỹ Quốc hội thông qua. Cụ thể ở đây là cần 200 phiếu thuận trong tổng số 300 phiếu, tức là còn thiếu 8 phiếu từ phe cầm quyền. Một luận điểm nữa mà phía PPP đưa ra gần giống với lần bỏ phiếu đầu tiên cho dự thảo nghị quyết luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol đã không thành công vì không đủ số người bỏ phiếu theo quy định.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, PPP không thể đảo ngược tình hình, vì mọi diễn biến quá nhanh và hoàn cảnh trở nên “gạo đã nấu thành cơm”, khi bản thân ông Han đã tuyên bố “tôn trọng quyết định của Quốc hội” và “để không gây thêm hỗn loạn sẽ lập tức rời bỏ chức vụ”. Có ý kiến cho rằng, quyết định này là bước đi khôn ngoan của ông Han Duck Soo để rời bỏ “chiếc ghế lửa” hiện nay. Do đó, cho dù có muốn lật lại tình thế, PPP cũng phải chờ cho đến khi Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đưa ra phán quyết cuối cùng với thời hạn tối đa 180 ngày theo quy định của pháp luật.

Sự quyết liệt không đủ cơ sở lý giải

Mặc dù Hàn Quốc đã có 3 Tổng thống bị luận tội, nhưng đây là lần đầu tiên một quyền Tổng thống phải đối mặt với sức ép luận tội như vậy từ phía phe đối lập. Câu hỏi đặt ra ở đây là điều gì đã thúc giục phe đối lập quyết liệt đến vậy? Theo giới phân tích chính trị Hàn Quốc và quốc tế, xét về bề nổi, hành động quyết liệt của phe đối lập xuất phát từ động cơ và mục tiêu của sự tranh giành quyền lực chính trị. Đây là vấn đề mang tính “quy luật của muôn đời”. Ở đâu có phe cầm quyền và phe đối lập, ở đó chắc chắn sẽ tồn tại một cuộc chiến vừa ngấm ngầm vừa công khai, kéo dài dai dẳng giữa một bên muốn duy trì vững chắc vị thế cầm quyền, còn bên kia tìm mọi cách, mọi cơ hội để hạ bệ đối thủ. Với trường hợp cụ thể của Hàn Quốc hiện nay, tình hình đặc biệt nghiêm trọng và bất lợi cho đảng cầm quyền, vì phe đối lập đang nắm giữ đa số ghế trong Quốc hội. Không cần nhấn mạnh, ai ai cũng hiểu những khó khăn của một chính phủ thiểu số lớn như thế nào, khi mỗi một quyết sách đưa ra đều vấp phải sự phản đối đầy sức mạnh của phía bên kia.

Bên cạnh đó, có một nhận định khác mang màu sắc của “thuyết âm mưu”, nhưng không phải là không có lý. Đó là, ngoài “cuộc chiến quyền lực”, còn có khả năng tồn tại một mâu thuẫn sâu sắc của một cá nhân nào đó trong phe đối lập đối với cá nhân Tổng thống Yoon Suk Yeol, và còn có khả năng có một thế lực nào đó đứng đằng sau giật dây. Trên thực tế, tại chính trường Hàn Quốc từ trước đến nay vẫn tồn tại một cuộc chiến dai dẳng giữa phe cầm quyền và phe đối lập. Thế nhưng, chưa bao giờ cuộc chiến lại khốc liệt và sức công phá lớn như lần này.

Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần phe đối lập kiến nghị luận tội 2 lãnh đạo cao nhất của đất nước, và cũng trong ngần ấy thời gian, Hàn Quốc phải thay tới 2 tổng thống tạm quyền. Tất cả những diễn biến này làm tê liệt mọi hoạt động chính trị của Hàn Quốc, kéo theo là hàng loạt các hệ lụy về ngoại giao, an ninh, kinh tế, xã hội… Các thành viên của phe đối lập cũng đều là các nghị sỹ đại diện cho các tầng lớp nhân dân, chắc chắn đều biết rõ ảnh hưởng từ hành động quyết liệt của mình. Biết rõ, tại sao vẫn làm? Câu trả lời vẫn phải bỏ ngỏ vì không thể võ đoán, nhận định chủ quan khi chưa có đủ thông tin xác thực.

Diễn biến không thể dự đoán

Sau khi ông Han Duck Soo cũng bị luận tội, giới quan sát đặt một câu hỏi lớn về tương lai gần của chính trường Hàn Quốc. Đây là một câu hỏi khó trả lời. Nếu nhận định một cách thông thường thì có thể trả lời ngay là tình hình sẽ rối ren hơn. Nhưng nếu chỉ dừng ở đó thì chưa đúng tầm của vấn đề. Còn quá nhiều suy diễn chưa có đủ thông tin để đưa ra đáp án. Câu hỏi đầu tiên là, bước tiếp theo phe đối lập sẽ làm gì? Thứ hai là, đằng sau còn thế lực nào giật dây không? Tiếp nữa là, động thái tới đây của Tổng thống Yoon Suk Yeol như thế nào? Tòa án Hiến pháp sẽ đưa ra phán quyết vào thời điểm nào và theo hướng nào? Còn một yếu tố chưa biết nữa liên quan đến việc người thay thế ông Han sẽ trụ được bao lâu và có bị luận tội hay không. Trong khi đó, người đang giữ “chìa khóa” của mọi vấn đề là Tổng thống Yoon Suk Yeol lại đang có cách hành xử một cách khó lý giải.

Cho đến nay, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã nhiều lần không chấp hành lệnh yêu cầu trình diện do Cơ quan điều tra của Hàn Quốc đưa ra, cũng như không chấp nhận các văn bản do tòa án Hiến pháp tống đạt liên quan đến yêu cầu trình diện và trình tòa các văn bản biện giải. Thậm chí, ông Yoon còn không xuất hiện tại Tòa án Hiến pháp vào hôm 27/12, cho dù đã thông qua luật sư đại diện thông báo là sẽ tham dự. Trong khi đó, tại phiên thẩm lý đầu tiên của Tòa án Hiến pháp, màn “kịch chiến bất phân thắng bại” giữa đại diện Quốc hội Hàn Quốc và các luật sư đại diện cho Tổng thống đã khiến giới quan sát chính trị bắt đầu hoài nghi về khả năng Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc có thể giải quyết triệt để vấn đề.

Giới quan sát cũng nhấn mạnh, không nên bỏ qua một nhân vật nữa là cựu Bộ trưởng Quốc phòng vừa bị khởi tố hôm 27/12 Kim Yong Hyun. Ông Kim đã tìm cách tự sát nhưng không thành sau khi tuyên bố nhận mọi trách nhiệm về cá nhân liên quan đến việc ban bố lệnh thiết quân luật đêm 03/12 vừa qua. Do đó, lời chứng của ông Kim trước tòa được coi là sẽ có lợi cho Tổng thống Yoon Suk Yeol. Nhìn từ các góc độ nêu trên. Câu trả lời duy nhất cho diễn biến tới đây của chính trường Hàn Quốc là “đầy rẫy nguy cơ khó lường” và nước này bắt đầu rơi vào một hố đen khủng hoảng mới.

Tuấn Nhật/VOV-Tokyo

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/chinh-truong-han-quoc-roi-vao-ho-den-khung-hoang-moi-post1145360.vov