Chính trường Mỹ rúng động sau vụ ông Donald Trump bị ám sát hụt

Vụ ám sát xảy ra ngay tại sự kiện vận động tranh cử Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump ở thành phố Butler, bang Pennsylvania sáng 14-7 (giờ Hà Nội). Vụ việc tuy chỉ khiến ứng viên Đảng Cộng hòa bị thương nhẹ nhưng ngay lập tức khiến chính trường Mỹ chao đảo.

Theo CNN, một số tiếng súng vang lên trong lúc cựu Tổng thống Mỹ đang phát biểu trước đông đảo người ủng hộ. Đây là cuộc vận động tranh cử cuối cùng của ông Donald Trump trước đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa sẽ khai mạc sau đây ít ngày tại thành phố Milwaukee, bang Wisconsin, khi gần như chắc chắn ông nhận được đề cử ứng viên tổng thống của đảng này cho cuộc đua tới Nhà Trắng vào cuối năm nay.

Cơ quan Mật vụ Mỹ xác định nghi phạm là Thomas Matthew Crooks, 20 tuổi, đến từ quận Bethel Park thuộc Pennsylvania, bắn nhiều phát súng về phía sân khấu. Nghi phạm sau đó bị tiêu diệt ngay tại chỗ. Hồ sơ cử tri bang Pennsylvania cho thấy Crooks đăng ký là thành viên Đảng Cộng hòa. Bố của nghi phạm cho hay ông vẫn đang cố tìm hiểu “điều gì đang diễn ra”, nhưng sẽ đợi đến lúc trao đổi với lực lượng hành pháp khi nói về con trai. Nghi phạm không có tiền án và từng có thành tích học tập tốt. Vụ nổ súng cũng khiến 1 khán giả thiệt mạng và 2 người bị thương nặng.

Lực lượng an ninh đưa ông Trump ra khỏi hiện trường sau vụ nổ súng. Ảnh: AP

Lực lượng an ninh đưa ông Trump ra khỏi hiện trường sau vụ nổ súng. Ảnh: AP

Trong tuyên bố đầu tiên sau vụ việc, ông Donald Trump cho biết bị một viên đạn xuyên qua phần trên tai phải. “Thật không thể tin được hành động như vậy lại có thể xảy ra ở đất nước chúng ta”, CNN dẫn lời cựu Tổng thống Mỹ đăng trên mạng xã hội Truth Social, đồng thời ông gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân và lời cảm ơn tới Cơ quan Mật vụ Mỹ cũng như các lực lượng thực thi pháp luật vì phản ứng nhanh chóng đối với vụ nổ súng. Sau khi được điều trị vết thương và xuất viện, ông Donald Trump còn gửi một email ngắn tới người ủng hộ: “Đây là thông điệp từ Donald Trump. Tôi sẽ không bao giờ đầu hàng”, có gắn kèm chữ ký và chân dung của mình.

Tuy nhiên, lực lượng mật vụ Mỹ được cho là chưa ngăn chặn kịp thời vụ ám sát hụt ông Donald Trump. CNN dẫn lời một nhân chứng kể rằng đã phát hiện nghi phạm mang súng bò trên mái nhà, ngay trước khi cựu Tổng thống Mỹ bị bắn. Người này và những người đi cùng đã chỉ vào vị trí của đối tượng và cố gắng cảnh báo lực lượng an ninh, song mật vụ không phản ứng ngay, cũng như không kéo cựu Tổng thống Mỹ ra khỏi sân khấu. Phân tích của CNN cho thấy tay súng trên nóc nhà cách sân khấu nơi ông Donald Trump diễn thuyết khoảng 120-150m. Một lính bắn tỉa của mật vụ Mỹ được bố trí trên nóc nhà kho gần đó, nhưng cũng không phát hiện được nghi phạm. Chủ tịch Ủy ban Giám sát của Hạ viện Mỹ James Comer kêu gọi người đứng đầu Cơ quan Mật vụ Mỹ ra điều trần về sự việc.

Vụ nổ súng nhằm vào cựu Tổng thống Donald Trump làm dấy lên làn sóng lên án từ khắp chính trường Mỹ và trên thế giới. Theo Reuters, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi điện cho ông Donald Trump sau khi cựu tổng thống bị bắn và phát biểu nhấn mạnh rằng nước Mỹ không có chỗ cho loại bạo lực này cũng như kêu gọi sự đoàn kết từ toàn thể người dân. Ông chủ Nhà Trắng thậm chí còn rút ngắn chuyến nghỉ dưỡng tại Delaware để lên đường trở về thủ đô Washington.

Trong khi đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cùng nhiều nhà lãnh đạo các nước, tổ chức cũng đưa ra những tuyên bố phản đối mạnh mẽ hành động bạo lực trên. Về phần mình, đại diện Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) xác nhận vụ nổ súng là một âm mưu ám sát bất thành.

Vụ ám sát này nhiều khả năng sẽ gây ra những tác động khó lường với chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024 vốn đã rất hỗn loạn của Mỹ, trong bối cảnh đối đầu giữa cựu Tổng thống Trump và Tổng thống Biden ngày một nóng lên. Theo CNN, Đảng Cộng hòa vẫn giữ kế hoạch tổ chức đại hội toàn quốc, nhưng vụ nổ súng chắc chắn làm thay đổi thông điệp và giọng điệu, cũng như vấn đề an ninh của sự kiện. Thêm vào đó, hình ảnh ông Donald Trump với tai phải bị thương do đạn bắn, nắm chặt tay và giơ cao đang lan truyền trên khắp các mạng xã hội cùng sóng truyền hình được người ủng hộ coi là minh chứng cho sự kiên cường, tinh thần không chịu khuất phục của vị tỷ phú.

Trong một bình luận, Bloomberg cho biết tỷ lệ đặt cược cho chiến thắng của ông Donald Trump tại cuộc bầu cử vào tháng 11 tới có thể sẽ tăng cao hơn sau vụ việc này. Ngược lại, chính quyền đương nhiệm của Mỹ có thể đối mặt với nhiều thách thức sau vụ ám sát hụt ông Donald Trump. Bởi, dù giới chức chưa công bố động cơ nổ súng của nghi phạm, song nhiều thành viên Đảng Cộng hòa nhanh chóng đổ lỗi cho Đảng Dân chủ và Tổng thống Biden. Họ cho rằng việc phe Dân chủ liên tục gọi ông Donald Trump là “mối đe dọa với nền dân chủ” có thể thúc đẩy những cuộc tấn công nhắm vào vị tỷ phú này.

Sau nhiều thập kỷ, một tổng thống đương nhiệm hoặc cựu tổng thống lại trở thành nạn nhân của một vụ ám sát. Lịch sử nước Mỹ đã chứng kiến nhiều vụ bạo lực chính trị, do đó các tổng thống, cựu tổng thống và ứng viên tổng thống luôn được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Đơn cử, cựu Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát năm 1963, cựu Tổng thống Gerald Ford đối mặt với hai vụ ám sát liên tiếp trong năm 1975, hay cựu Tổng thống Ronald Reagan may mắn sống sót sau vụ ám sát năm 1981. Cuộc thăm dò được hãng khảo sát Morning Consult thực hiện vào tháng 5 vừa qua cho thấy một nửa số cử tri Mỹ ở nhiều bang lo ngại về tình trạng bạo lực xung quanh tiến trình bầu cử tổng thống năm 2024.

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chinh-truong-my-rung-dong-sau-vu-ong-donald-trump-bi-am-sat-hut-5014800.html