Chính trường Thái Lan sau Tổng tuyển cử 2023

Gần 1 tuần sau cuộc Tổng tuyển cử 2023 đã trôi qua. Không khí Tổng tuyển cử đã tạm lắng xuống, thay vào đó sự chú ý đang hướng về việc liệu Đảng Tiến bước, đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của hơn 14 triệu cử tri Thái Lan, có thể thành lập liên minh cầm quyền với thủ lĩnh đảng Pita Limjaroenrat trở thành Thủ tướng thứ 30 của Thái Lan hay không?

Với việc giành được nhiều ghế nhất trong cuộc Tổng tuyển cử, Đảng Tiến bước đã giành thế chủ động trong thúc đẩy thành lập liên minh cầm quyền. Nhìn vào cục diện kết quả bầu cử, không khó để cử tri Thái Lan cũng như các giới quan tâm tình hình chính trường Thái Lan nhận định Đảng Tiến bước sẽ cùng với các chính đảng vốn cùng “chiến tuyến” với họ trong suốt nhiệm kỳ Hạ viện vừa qua thành lập liên minh cầm quyền chiếm đa số tại Hạ viện.

Thực tế, đến ngày 18/5, Đảng Tiến bước cùng 7 chính đảng khác gồm: Đảng Vì nước Thái, Thai Sang Thai, Seri Ruam Thai, Prachachart, Pen Tham, Palang Sangkom Mai và Peu Thai Ruam Palang đã nhất trí thành lập liên minh với 313 ghế trong Hạ viện, thống nhất đề cử ông Pita làm ứng viên Thủ tướng. Theo kế hoạch, đại diện tám chính đảng sẽ ký Biên bản ghi nhớ (MOU) và công bố các chi tiết thỏa thuận vào ngày 22/5 tới đây.

Đại diện các chính đảng nhất trí thành lập liên minh do Đảng Tiến bước lãnh đạo 1 (Ảnh: Reuters).

Đại diện các chính đảng nhất trí thành lập liên minh do Đảng Tiến bước lãnh đạo 1 (Ảnh: Reuters).

Nhìn vào tổng thể, số ghế liên minh này giành được áp đảo so với số ghế của các chính đảng còn lại tại Hạ viện. Do đó, ông Pita tự tin khẳng định sẽ thành lập Chính phủ chiếm đa số ghế tại Hạ viện và ông sẽ trở thành Thủ tướng thứ 30 của Thái Lan.

Tuy nhiên, nói thì dễ hơn làm. Con đường chuyển thế đa số tại Hạ viện thành một Chính phủ do Đảng Tiến bước lãnh đạo không hề đơn giản. Những quy định phức tạp trong bầu chọn Thủ tướng Thái Lan và những toan tính chính trị của các chính đảng có thể đẩy chính trường Thái Lan theo những kịch bản khác nhau:

Chính phủ được thành lập trên cơ sở liên minh do Đảng Tiến bước lãnh đạo

Đây là kịch bản khả quan, đáp ứng nguyện vọng của phần lớn cử tri Thái Lan. Cùng với Đảng Tiến bước, sự tham gia của Đảng Vì nước Thái, Prachachart hay Thai Sang Thai đồng nghĩa với việc liên minh này sẽ đại diện cho tiếng nói của khoảng 30 triệu trong tổng số 52 triệu cử tri ở Thái Lan. Tuy nhiên, thách thức chính mà liên minh này phải đối mặt là liệu ứng cử viên Thủ tướng (ông Pita) có được bầu làm Thủ tướng để qua đó giành quyền thành lập Chính phủ hay không.

Một điều khoản tạm thời trong Hiến pháp năm 2017 trao quyền cho Thượng viện, gồm 250 thượng nghị sỹ, sẽ cùng với Hạ viện để bầu chọn Thủ tướng. Do đó, ứng cử viên Thủ tướng của liên minh này sẽ phải nhận được sự ủng hộ của tối thiếu 376/750 nghị sỹ của Quốc hội Thái Lan (gồm Thượng viện và Hạ viện).

Nếu Đảng Tiến bước huy động đủ sự ủng hộ của 376/750 hạ nghị sỹ, ông Pita sẽ trở thành Thủ tướng mà không cần tới sự ủng hộ của Thượng viện. Với 313 ghế hiện tại, ông Pita sẽ cần sự ủng hộ của ít nhất 63 hạ nghị sỹ khác. Con số có vẻ không quá lớn nhưng nhiệm vụ này thực sự rất khó khăn nếu không muốn nói là bất khả thi.

Chủ tịch Đảng Tiến bước Pita Limjaroenrat và các thành viên, người ủng hộ (Ảnh: Reuters).

Chủ tịch Đảng Tiến bước Pita Limjaroenrat và các thành viên, người ủng hộ (Ảnh: Reuters).

Theo tương quan Hạ viện khóa mới, Đảng Tiến bước sẽ cần nhận được sự ủng hộ của gần như tất cả số hạ nghị sỹ của Đảng Tự hào Thái (đảng về thứ ba trong cuộc Tổng tuyển cử với 70 ghế) hoặc sự ủng hộ kết hợp từ 63 hạ nghị sỹ của các chính đảng có ghế tại Hạ viện. Đảng Tiến bước đã chính thức khước từ sự ủng hộ, hợp tác với Đảng Quốc gia Thái thống nhất (UTN) của Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha và Quyền lực Nhà nước nhân dân (PPRP) của Phó Thủ tướng Prawit.

Ở chiều ngược lại, 2 đảng này cùng với các đảng Tự hào Thái và Dân chủ đã khẳng định sẽ không bầu cho một Thủ tướng ủng hộ sửa đổi điều luật chống khi quân. Do đó, ông Pita nhiều khả năng sẽ không nhận được sự ủng hộ từ hạ nghị sỹ của các chính đảng trên trong cuộc bỏ phiếu bầu chọn Thủ tướng sắp tới nếu ông vẫn duy trì quan điểm cứng rắn liên quan sửa đổi điều luật chống khi quân.

Trong trường hợp như trên, tiếng nói của Thượng viện sẽ đóng vai trò quan trọng, thậm chí mang tính quyết định đối với nỗ lực của ông Pita và Đảng Tiến bước nhằm thành lập liên minh cầm quyền sau bầu cử.

Việc nhiều thượng nghị sỹ gần đây tuyên bố bỏ phiếu trắng là chưa đủ. Đảng Tiến bước vẫn cần vận động để giành sự ủng hộ của ít nhất 60 thượng nghị sỹ khác. Đây là một đòi hỏi cao, vì 249/250 thượng nghị sỹ đã bỏ phiếu ủng hộ Tướng Prayut trong năm 2019 (Theo quy định của Hiến pháp Thái Lan, Chủ tịch Thượng viện sẽ không được bỏ phiếu ủng hộ).

Chủ trương thúc đẩy sửa đổi điều luật liên quan thể chế của đất nước, vốn là yếu tố then chốt giúp Đảng Tiến bước giành được nhiều phiếu bầu nhất, lại đang trở thành rào cản cho tham vọng trở thành đảng lãnh đạo trong liên minh cầm quyền của Đảng Tiến bước. Nhiều thượng nghị sỹ cảm thấy “khó chịu” với chủ trương này, cảnh báo ông Pita đừng trông chờ vào sự ủng hộ từ Thượng viện. Số thượng nghị sỹ này khẳng định họ đã tuyên thệ bảo vệ chế độ quân chủ lập hiến, và do đó sẽ không bỏ phiếu bầu ông Pita làm Thủ tướng.

Tuy nhiên, Đảng Tiến bước vẫn có quyền hi vọng trong bối cảnh chính trường Thái Lan hiện nay đã thay đổi nhiều so với năm 2019. Bên cạnh đó, thành viên Parit Watcharasindhu của Đảng Tiến bước cho biết có tới 64 thượng nghị sỹ đã bỏ phiếu ủng hộ một dự luật thúc đẩy xóa bỏ điều luật trao quyền cho Thượng viện tham gia bỏ phiếu bầu chọn Thủ tướng. Ông Parit cho rằng nếu 64 thượng nghị sỹ tiếp tục duy trì quan điểm này, ông Pita sẽ tiến một bước rất dài hướng tới việc được bầu chọn làm Thủ tướng.

Liên minh giao thoa giữa các đảng ủng hộ dân chủ và các đảng bảo thủ

Trong những ngày qua, Lãnh đạo Đảng Vì nước Thái nhiều lần tuyên bố họ sẽ không cạnh tranh với Đảng Tiến bước trong việc thành lập một liên minh cầm quyền khác. Tuy nhiên, nếu Đảng Tiến bước không thể vận động, thuyết phục để tập hợp đủ 376 phiếu bầu chọn ông Pita làm Thủ tướng, qua đó giành quyền thành lập Chính phủ mới, Đảng Vì nước Thái sẽ không vi phạm quy ước trong việc tìm cách thành lập một chính phủ thay thế nhằm giải quyết tình trạng bế tắc trong Quốc hội.

Trong trường hợp này, Đảng Vì nước Thái có thể giữ nguyên liên minh mà Đảng Tiến bước đã tập hợp, song ông Pita sẽ không là ứng cử viên Thủ tướng hàng đầu của liên minh này. Tuy nhiên, sự tham gia của Đảng Tiến bước trong liên minh, ngay cả với tư cách không phải là đảng nòng cốt, có thể khiến Đảng Vì nước Thái gặp những vấn đề tương tự như việc thúc đẩy thành lập Chính phủ do Đảng Tiến bước lãnh đạo.

Theo đó, Đảng Vì nước Thái sẽ phải tính toán khả năng loại bỏ hoàn toàn Đảng Tiến bước để tìm kiếm một liên minh thay thế. Đảng Tự hào Thái, Đảng Chart Thai Pattana gần như chắc chắn sẽ hợp tác với một Thủ tướng là người của Đảng Vì nước Thái. Điểm mấu chốt sẽ là việc mời Đảng Quyền lực Nhà nước nhân dân tham gia liên minh. Việc hình thành liên minh với sự tham gia của cả đảng ủng hộ dân chủ và các đảng bảo thủ là điều khó tưởng, song sẽ giúp liên minh này chiếm đa số ở hạ viện. Quan trọng hơn, Chủ tịch Đảng Quyền lực Nhà nước nhân dân, Tướng Prawit có khả năng gây ảnh hưởng đến một số thượng nghị sĩ, những người mà ông có thể đã hỗ trợ để họ được bổ nhiệm làm thượng nghị sỹ, bỏ phiếu ủng hộ ứng cử viên Thủ tướng mà ông Prawit ủng hộ.

Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc Đảng Vì nước Thái sẽ đi ngược lại với cam kết muộn màng trước cử tri rằng đảng này sẽ không hợp tác với Phó Thủ tướng Prawit cũng như những cam kết mới đây rằng sẽ không tìm cách thành lập một liên minh cạnh tranh với Đảng Tiến bước.

Câu hỏi đặt ra là liệu Đảng Vì nước Thái sẽ đi theo con đường này, nếu Đảng Tiến bước không thành lập chính phủ? Sau “thất bại” trong việc giành chiến thắng áp đảo trong cuộc Tổng tuyển cử, việc thúc đẩy xây dựng một liên minh cầm quyền đặt Đảng Tiến bước trở thành phe đối lập sẽ chỉ khiến Đảng Vì nước Thái mất uy tín hơn trong lòng xã hội Thái. Mặc dù vậy, sẽ không có gì sai khi đảng lớn thứ hai trong Hạ viện thúc đẩy việc thành lập Chính phủ nếu đảng lớn nhất thất bại.

Chính phủ thiểu số được thành lập

Dù rất khó xảy ra, nhưng không thể loại trừ kịch bản này. Điều này sẽ chứng kiến tất cả các chính đảng trong liên minh cầm quyền hiện tại (Đảng Quyền lực Nhà nước nhân dân, Tự hào Thái, Dân chủ, Chart Thai Pattana) cùng Đảng Quốc gia Thái thống nhất chung tay thành lập chính phủ, với Thủ tướng được chọn từ các ứng cử viên như đương kim Thủ tướng Prayuth, Phó Thủ tướng Prawit và Chủ tịch Đảng Tự hào Thái Anutin. Sự ủng hộ của Thượng viện sẽ giúp ứng cử viên Thủ tướng của liên minh nàyđược bầu chọn trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội.

Tuy nhiên, phương án này cực kỳ khó thành công vì một số lý do. Thứ nhất, một số đảng đã cam kết sẽ không ủng hộ một chính phủ thiểu số. Thứ hai, Thượng viện sẽ không tham gia bỏ phiếu bất tín nhiệm. Do đó, bất kỳ chính phủ thiểu số nào cũng sẽ sụp đổ nhanh chóng, vì phe đối lập sẽ kích hoạt một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm mà một liên minh thiểu số sẽ cầm chắc phần thua.

Theo kịch bản này, Thái Lan sẽ tổ chức một cuộc bầu cử sớm trong tương lai không xa.

Ngoài ra, cần lưu ý rằng chưa có kịch bản nào trong số ba kịch bản trên tính đến khả năng can thiệp tư pháp. Ứng cử viên Pita đang phải đối mặt với một số vụ kiện pháp lý, nhất là liên quan cáo buộc ông vẫn nắm giữ cổ phần của một công ty truyền thông khi đang hoạt động chính trị. Nếu bị Tòa án Hiến pháp tuyên án có tội, Đảng Tiến bước có thể bị tuyên giải thể và ông Pita cùng nhiều thành viên lãnh đạo của đảng này sẽ bị cấm hoạt động chính trị.

Trong thời gian 2 tháng chờ Ủy ban Bầu cử Thái Lan công bố kết quả chính thức, các chính đảng vẫn còn nhiều thời gian để thương lượng, thỏa thuận thành lập liên minh cầm quyền. Trong bối cảnh đó, vì lợi ích, toan tính chính trị khác nhau, không thể loại trừ có các thỏa thuận ngầm giữa các chính đảng, đẩy chính trường Thái Lan theo các ngã rẽ khác nhau./.

PV/VOV-Bangkok

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/chinh-truong-thai-lan-sau-tong-tuyen-cu-2023-post1021368.vov