Chờ bước chân vui đến trường

Năm học 2024 - 2025 đã bắt đầu. Năm học đánh dấu kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) của tỉnh. Đây là năm học có ý nghĩa, vai trò quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông (GDPT) mà trọng tâm là Chương trình GDPT 2018.

Năm học mới đặt ra không chỉ với ngành GD&ĐT mà toàn xã hội lượng công việc nhiều và quan trọng. Trong bối cảnh năm đầu Chương trình GDPT 2018 được triển khai ở tất cả các khối lớp cùng kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình GDPT mới, Sở GD&ĐT tỉnh xác định triển khai hiệu quả chương trình GDPT với các lớp, đặc biệt lớp 5, 9, 12 và chuẩn bị các điều kiện để triển khai thí điểm Chương trình Giáo dục mầm non mới. Đối với GDPT là tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá tích cực theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Đồng thời phát huy được tính chủ động, linh hoạt trong thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường cùng năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên. Đối với cơ sở giáo dục thường xuyên, thực hiện đa dạng hóa các chương trình giáo dục, đẩy mạnh học tập thường xuyên, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Áp lực đối với ngành GD&ĐT tỉnh là phải tập trung chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đặt ra trong năm học, hoàn thành lộ trình đổi mới GDPT trong năm 2025.

Bước vào năm học 2024 - 2025, nhiều vấn đề ngành GD&ĐT tỉnh đang phải đối mặt giải quyết; dư luận xã hội, phụ huynh, học sinh, giáo viên quan tâm. Đó là vấn đề giải bài toán thiếu giáo viên khi kết thúc năm học 2023 - 2024, tính so với định mức toàn tỉnh còn thiếu 829 giáo viên mầm non; 405 giáo viên tiểu học; 295 giáo viên THCS và 43 giáo viên THPT. Việc tuyển dụng giáo viên ở một số môn chuyên biệt (Tiếng Anh, Thể dục, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật…) vẫn khó khăn do thiếu nguồn tuyển. Kết quả giáo dục phẩm chất, năng lực học sinh lớp 1, 2, 3, 4 ở một số cơ sở giáo dục chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu chuẩn đầu ra của các môn học trong Chương trình GDPT 2018. Kết quả kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Việt của học sinh người dân tộc thiểu số ở một số vùng đặc biệt khó khăn còn hạn chế. Quy mô, số trẻ mẫu giáo được làm quen với tiếng Anh chưa nhiều. Việc tổ chức dạy tăng cường có giáo viên người nước ngoài để xây dựng môi trường ngoại ngữ chưa phát triển mạnh. Đây sẽ là điểm trừ để học sinh Điện Biên hội nhập trong bối cảnh cả nước hướng đến đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai và đa dạng phương thức tuyển sinh vào các trường chuyên nghiệp và đại học. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Một số chính sách hỗ trợ học sinh nội trú, bán trú chưa đủ; chính sách hỗ trợ giáo viên, nhất là giáo viên vùng đặc biệt khó khăn, giáo viên kiêm nhiệm, giáo viên dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số… còn nhiều bất cập.

Dù còn nhiều khó khăn về điều kiện và trang thiết bị phục vụ giảng dạy, về chế độ đãi ngộ, nhiều vùng đang chịu ảnh hưởng bởi thiên tai... nhưng lực lượng nhà giáo trên địa bàn tỉnh đã vượt qua khó khăn huy động học sinh ra lớp và triển khai học tập theo chương trình đổi mới ngay những ngày đầu năm học. Ngành GD&ĐT xác định chủ đề năm học là: Kỷ cương, trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng. Thực hiện đổi mới toàn diện đi đôi với thách thức càng lớn. Do đó, cùng với nỗ lực của ngành, chính quyền các cấp, rất cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội trong việc thấu hiểu, tin tưởng và đồng hành cùng thực hiện các mục tiêu của năm học. Để nhận được sự đồng hành, chia sẻ tích cực của xã hội, ngành GD&ĐT ngoài nỗ lực đổi mới cần khắc phục được những vấn đề còn tồn tại về chuyên môn, điều kiện vật chất… để mỗi ngày đến trường của học sinh đều là những ngày vui. Xã hội, phụ huynh, học sinh và đội ngũ cán bộ, giáo viên mong chờ nhiều vào sự đổi mới ở năm học này.

Bảo Thương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/giao-duc/217858/cho-buoc-chan-vui-den-truong