Cho con ở Tịnh thất Bồng Lai, muốn xin lại phải làm sao?
Vì túng quẫn, người mẹ giao con cho người khác ở Tịnh thất Bồng Lai nuôi, nay bà có nguyện vọng xin lại...
Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, bà Trần Thị Mỹ Dung (ngụ thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết gần một năm nay bà gần như tuyệt vọng bởi không được gặp đứa con ruột mà trong lúc khó khăn bà đã cho bà Cao Thị Cúc ở Tịnh thất Bồng Lai (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) nuôi dưỡng.
Gian nan chuyện xin lại con đã cho
Theo bà Dung trình bày: Đầu năm 2017, bà Dung sinh được một bé trai, gia đình bà đã đăng ký giấy khai sinh cho bé ở thị trấn Long Hải và đặt tên là GB.
Năm 2019, lúc bé GB được hai tuổi thì gia đình bà xảy ra biến cố, cuộc sống rất khó khăn. Khi ấy, tình cờ bà xem một chương trình trên sóng truyền hình thấy những chú tiểu được giới thiệu là mồ côi đang sống tại Tịnh thất Bồng Lai. Vì muốn con mình sau này được sống tốt như thế nên bà Dung quyết định tìm đến gửi con.
Tìm đến nơi, bà Dung gặp bà Cao Thị Cúc với mong muốn gửi bé GB vào. Sau khi được bà Cúc nhận lời, bà đã làm thủ tục giao con.
“Lúc chuẩn bị làm thủ tục nhận con nuôi, bà Cúc bảo với tôi khi nào nhớ con thì cứ lên thăm thoải mái. Thế nhưng khi làm xong thủ tục, tôi chỉ đến thăm được vài lần và hiện nay thì không được vào thăm nữa.
Lúc túng quẫn, tôi đã suy nghĩ dại dột. Nay, bà Cúc đang bị tạm giam, tôi có nguyện vọng được nuôi dưỡng con nhưng không biết làm cách nào để đón con về…” - bà Dung chia sẻ.
Thủ tục nhận con nuôi đúng quy định
Ngày 27-9, chúng tôi đã tìm đến UBND xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, Long An để tìm hiểu câu chuyện cho con của bà Dung.
Tại đây, trao đổi với chúng tôi, bà Dương Thị Mon, cán bộ tư pháp xã Hòa Khánh Tây, cho biết vào năm 2019, bà Dung và bà Cúc có đến UBND xã để hỏi về thực hiện thủ tục cho nhận con nuôi. Qua nắm tình hình địa phương cùng với những thông tin xung quanh hoạt động ở Tịnh thất Bồng Lai nên cán bộ xã từ chối thực hiện thủ tục nhận con nuôi đối với bà Cúc.
Bà Dung cho biết gần một năm nay bà gần như tuyệt vọng bởi không được gặp đứa con ruột mà trong lúc khó khăn bà đã cho bà Cao Thị Cúc ở Tịnh thất Bồng Lai nuôi dưỡng.
Cùng ngày, chúng tôi đi cùng bà Dung đến Tịnh thất Bồng Lai để gặp và ghi nhận thêm thông tin từ phía người đang nuôi dưỡng bé GB. Tuy nhiên, bà Dung kêu cửa nhưng không ai ra mở cửa, dù có người bên trong.
Trao đổi với PV, một đại diện UBND thị trấn Long Hải thông tin: Ngày 4-6-2020, UBND thị trấn có tiếp nhận hồ sơ đăng ký nhận nuôi con nuôi của bà Cao Thị Cúc với hồ sơ đầy đủ theo quy định.
Ngày 15-7-2020, bà Cúc và bà Dung có mặt tại UBND thị trấn để được giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của bên cho và bên nhận con nuôi, hậu quả pháp lý của việc nhận nuôi con nuôi.
Bà Cúc và bà Dung ký tên vào sổ đăng ký nhận nuôi con nuôi và biên bản bàn giao nhận con nuôi.
Công chức tư pháp đã giao giấy chứng nhận và biên bản giao nhận con nuôi cho bà Cúc và bà Dung. Đồng thời, hướng dẫn bà Cúc thực hiện báo cáo tình hình phát triển của trẻ sáu tháng một lần cho UBND thị trấn và nơi UBND xã bà Cúc thường trú.
Tuy nhiên, đến nay UBND thị trấn chưa nhận được báo cáo nào về tình hình phát triển của trẻ từ bà Cúc, số điện thoại của bà Cúc thì không liên lạc được.
Tháng 9-2022 bà Dung có đến UBND thị trấn với ý muốn được xin lại trẻ.
Công chức tư pháp đã hướng dẫn bà Dung liên hệ tòa án đề nghị xin chấm dứt việc nuôi con nuôi nếu trường hợp bà Cúc vi phạm Điều 25 Luật Nuôi con nuôi 2010.•
Để đòi lại con: Phải khởi kiện ra tòa
Điều 25 Luật Nuôi con nuôi quy định về căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi như sau: Việc nuôi con nuôi có thể bị chấm dứt trong một số trường hợp.
Thứ nhất, con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi;
Thứ hai, con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi;
Thứ ba, cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi;
Thứ tư, vi phạm các hành vi bị cấm như lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em; giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi; phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi; lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số;…
Do vậy, nếu bà Cúc vi phạm một trong các điều nêu trên thì bà Dung có quyền yêu cầu cơ quan chức năng chấm dứt việc nuôi con nuôi đối với bà Cúc.
Tại Điều 10 Luật Nuôi con nuôi và một số điều khoản tại Bộ luật Tố tụng dân sự có quy định tòa án cấp huyện nơi cha, mẹ nuôi hoặc con nuôi cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi.
Được biết hiện nay bà Cúc đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn trong một vụ án hình sự nên trong quá trình giải quyết vụ án, việc triệu tập lấy lời khai của đương sự sẽ được tuân thủ theo quy định pháp luật.
Nguồn PLO: https://plo.vn/cho-con-o-tinh-that-bong-lai-muon-xin-lai-phai-lam-sao-post702545.html