Chờ cú hích mới giúp ngành sản xuất Việt nâng vị thế cạnh tranh

Để nâng vị thế cạnh tranh cho ngành sản xuất Việt Nam trên thị trường trường quốc tế, điều kỳ vọng là cần có những cú hích mới trong tiến trình 'chuyển đổi kép'. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất nội địa nên tập trung vào những giá trị cốt lõi để nâng tầm thương hiệu, cũng như được tạo thuận lợi để bước ra biển lớn.

Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp.HCM (IPTC), cho biết trong 6 tháng đầu năm 2024 kim ngạch xuất khẩu (XK) của các doanh nghiệp (DN) sản xuất ở Tp.HCM ước đạt 22,6 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023. Hầu hết kim ngạch XK theo mặt hàng và thị trường đều tăng so với cùng kỳ, là điểm sáng và mang đến kỳ vọng về sự tăng trưởng cho các quý tiếp theo.

Kỳ vọng tiến trình “chuyển đổi kép”

Nhân tuần lễ kết nối giao thương và giới thiệu sản phẩm ngành cơ khí, công nghệ số, điện và điện tử năm 2024 diễn ra ở Tp.HCM từ ngày 27/6 đến 3/7, ông Lữ cho rằng để nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của hàng hóa XK trên trường quốc tế thì Tp.HCM đã và đang chuyển đổi mô hình sản xuất, tăng cường ứng dụng công nghệ số gắn với định hướng sản xuất xanh, XK xanh.

Để nâng vị thế cạnh tranh cho ngành sản xuất Việt Nam thì điều kỳ vọng là các DN nội địa có được công nghệ bền vững cho tiến trình “chuyển đổi kép”.

Theo vị giám đốc này, việc nâng cao sức cạnh tranh cho ngành sản xuất Việt Nam thông qua “chuyển đổi kép” (tức chuyển đổi số để chuyển đổi xanh, ứng dụng công nghệ và dữ liệu giúp thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững) là cực kỳ quan trọng. Nhất là trong bối cảnh hiện nay xu hướng sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn, áp dụng chuyển đổi số đang được áp dụng rộng rãi tại các quốc gia trên thế giới.

Còn đứng ở góc độ DN trong lĩnh vực sản xuất cơ khí máy móc và thiết bị, ông Trần Hoài Nam, Phó chủ tịch Hội DN Cơ Khí – Điện Tp.HCM (Hamee), nhấn mạnh việc chuyển đổi mô hình sản xuất và tăng cường ứng dụng công nghệ số gắn với định hướng sản xuất xanh, XK xanh sẽ đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của hàng hóa XK Việt Nam.

Chính vì vậy, như chia sẻ của ông Nam, phía Hamee đang triển khai dự án “Made by Vietnam” nhằm đẩy mạnh quảng bá cho các DN nội địa với những sản phẩm công nghiệp Việt tại thị trường nội địa cũng như kết nối đến thị trường các nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại. Dự án này nhằm tạo hệ sinh thái hình thành chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị cho các DN Việt Nam, giúp nâng cao chất và lượng của sản phẩm Việt.

Với lĩnh vực sản xuất cơ khí, theo dữ liệu của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cả nước hiện có khoảng 25.000 DN cơ khí đang hoạt động, chiếm gần 30% tổng số DN công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam. Lĩnh vực này đã từng bước làm chủ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Điều đó góp phần giúp cho tăng trưởng XK trở nên tốt hơn. Như số liệu cập nhật mới đây của Tổng cục Hải quan cho thấy trị giá XK nhóm hàng máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt 18,78 tỷ USD, tăng 13,9% (tương ứng tăng 2,29 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Đáng kể là XK nhóm hàng này sang những thị trường chủ lực có sức tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2023, như Hoa Kỳ (tăng 10,9%), EU (tăng 23,2%), Hàn Quốc (tăng 20%).

Không chỉ với lĩnh vực nêu trên, để tạo sức mạnh cho ngành sản xuất Việt Nam nói chung trên thị trường XK, điều kỳ vọng là cần có thêm những cú hích mới, nhân tố mới để đưa thương hiệu hàng Việt vươn xa.

Muốn làm được điều này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng lưu ý cần làm sao để đưa những DN sản xuất nội địa đang thực sự đóng góp vào GDP của cả nước có thể vươn lên thành “đầu tàu”, trở thành thương hiệu quốc gia và thương hiệu quốc tế.

Theo ông Dũng, hiện nay số DN Việt vừa mang thương hiệu quốc gia và vừa có thương hiệu quốc tế vẫn còn rất khiêm tốn. Một khi bàn nhiều thương hiệu mạnh cho ngành sản xuất thì phải tạo “quyền lực mềm” cho các nhà sản xuất nội địa, từ việc phát triển thương hiệu, đội ngũ nguồn nhân lực, cho tới việc chính quyền phải xử lý triệt để những trường hợp “đội lốt” hàng Việt.

Tạo thuận lợi để bước ra biển lớn

Ngoài ra, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cũng đề cao tầm quan trọng của nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho ngành sản xuất nội địa. Theo đó, ở mỗi DN sản xuất phải có đội ngũ tập trung cho R&D, có quy chế rõ ràng về R&D để hiện thực hóa vấn đề phát triển sản phẩm mới, và có nguồn quỹ đầu tư một cách đồng bộ.

Thực tế cho thấy ngày càng có nhiều DN sản xuất của Việt Nam ý thức được thị trường của họ không chỉ gói gọn ở 100 triệu người trên đất nước này mà là vài tỷ người ngoài biên giới Việt Nam. Nhất là ngành sản xuất Việt đang có những mặt hàng mà người tiêu dùng quốc tế đang cần, đang muốn.

Đơn cử như với thị trường các sản phẩm Halal (dành cho người Hồi giáo) thì các nhà sản xuất của Việt Nam cũng hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường này. Ông Mirash Basheer, Giám đốc Công ty May Exports Việt Nam, Lulu Group International, đánh giá từ ẩm thực hấp dẫn cho đến hàng dệt may và mỹ phẩm cao cấp thì các nhà sản xuất của Việt Nam có thể cung cấp nhiều loại hàng hóa Halal đa dạng, chất lượng, sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng và bền vững.

Ông Mirash Basheer khẳng định Việt Nam nổi lên là một đối tác quan trọng của các tập đoàn phân phối lớn nhằm mang đến cho người tiêu dùng quốc tế những sản phẩm hàng đầu thế giới. Các sản phẩm của Việt Nam đã dần được đưa lên kệ hàng của đại siêu thị Lulu, chinh phục trái tim, khẩu vị của khách hàng trong khu vực vùng Vịnh và Ấn Độ.

Cũng theo vị giám đốc này, các nhà sản xuất của Việt Nam có nhiều cơ hội nâng cao mức độ hiện diện trên thị trường quốc tế. Hơn nữa, do Lulu tập trung vào đảm bảo chất lượng và sự hài lòng của khách hàng, các sản phẩm Việt Nam được quảng bá trong môi trường bán lẻ cao cấp, nhờ đó dễ thu hút tệp khách hàng trong phân khúc này.

Có thể nói tương lai của ngành sản xuất Việt có nâng cao được vị thế cạnh tranh hay không đang kỳ vọng rất nhiều vào những cú hích mới của các DN nội địa. Điều này đòi hỏi họ phải có được công nghệ bền vững cho tiến trình “chuyển đổi kép”, cũng như tập trung vào những giá trị cốt lõi để nâng tầm thương hiệu và được tạo các điều kiện thuận lợi để bước ra biển lớn.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/cho-cu-hich-moi-giup-nganh-san-xuat-viet-nang-vi-the-canh-tranh-1100673.html