'Chợ đen' thuốc lá điện tử trên mạng xã hội: Rủi ro pháp lý không thể xem nhẹ
Đằng sau những dòng quảng cáo hấp dẫn về 'vape xịn', 'tinh dầu Mỹ', hay 'pod không hôi miệng' là hàng loạt hệ lụy pháp lý, sức khỏe – đặc biệt khi người dùng và người bán chưa hiểu rõ ranh giới giữa hợp pháp và bất hợp pháp.
Hiện tượng rao bán tinh dầu, thuốc lá điện tử (TLĐT) không rõ nguồn gốc trên các nền tảng mạng xã hội đang trở nên phổ biến, bất chấp việc pháp luật Việt Nam chưa cho phép lưu hành mặt hàng này.

Luật sư Hoàng Văn Hà – Giám đốc Công ty Luật ARC Hà Nội (HNLAW) có những phân tích pháp lý đáng chú ý xung quanh thực trạng đáng báo động này.
Thuốc lá điện tử – bị cấm nhưng vẫn bày bán công khai?
Theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012, chỉ những sản phẩm thuốc lá được phép lưu hành tại Việt Nam mới được sản xuất, mua bán, nhập khẩu. Do đó, thuốc lá điện tử và tinh dầu – mặt hàng này chưa được cấp phép – hiện nằm ngoài danh mục hàng hóa hợp pháp.
Tuy nhiên, theo Luật sư Hà, nhiều cá nhân, tổ chức vẫn cố tình rao bán các loại TLĐT thông qua mạng xã hội, livestream, thậm chí chạy quảng cáo. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP):
Phạt từ 1 đến 3 triệu đồng nếu quảng cáo sản phẩm thuốc lá điện tử.
Phạt từ 10 đến 20 triệu đồng nếu cá nhân kinh doanh thuốc lá không có giấy phép.
Nguy hiểm hơn, nếu sản phẩm là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, người bán không chỉ bị xử phạt hành chính mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, Cụ thể:
Theo Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm), người vi phạm có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 15 năm tùy theo tính chất và mức độ vi phạm. Mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có tổ chức, có thể bị phạt tù từ 15 năm và phạt tiền đến 6 tỷ đồng.
Theo Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thuốc, nguyên liệu làm thuốc...), người phạm tội có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Mức hình phạt nhẹ nhất là phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 18 tỷ đồng.
Người dùng bị ngộ độc, ai chịu trách nhiệm?
Trong trường hợp người tiêu dùng sử dụng TLĐT không rõ nguồn gốc mà bị ngộ độc, tổn hại sức khỏe, người bán có thể phải bồi thường thiệt hại theo Điều 608 Bộ luật Dân sự. Đồng thời, nếu chứng minh được hành vi gian dối hoặc có tổ chức, người bán còn có thể bị truy tố hình sự.
Luật sư Hoàng Văn Hà nhấn mạnh: "Ngay cả nền tảng mạng xã hội hoặc sàn thương mại điện tử cũng có thể bị xem xét trách nhiệm liên đới nếu không kiểm soát được nội dung vi phạm, theo quy định của Luật An toàn thực phẩm và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng."
Thực tế cho thấy pháp luật hiện hành đang thiếu quy định rõ ràng về việc cấm hoàn toàn hay cho phép có điều kiện với thuốc lá điện tử. Điều này tạo điều kiện cho việc “lách luật” và phát tán sản phẩm trên không gian mạng. Để kiểm soát hiệu quả hơn, cần:
Ban hành thông tư liên ngành hoặc văn bản hướng dẫn dưới luật nhằm xác định rõ chế tài áp dụng đối với TLĐT.
Tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo, mua bán hàng hóa qua mạng xã hội, nhất là các sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá để phù hợp hơn với thực tiễn và xu hướng tiêu dùng hiện nay.
Luật sư Hà cho biết thêm việc rao bán, sử dụng thuốc lá điện tử hiện nay tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý và sức khỏe. Người tiêu dùng cần thận trọng khi tiếp cận những sản phẩm không rõ nguồn gốc. Đồng thời, cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để kiểm soát hiệu quả loại hình sản phẩm mới này.