Cho đi là còn mãi
Tốt nghiệp dược sĩ đại học năm 1990, được phân công về khoa huyết học Bệnh viện Chợ Rẫy, tôi được chứng kiến nhiều mẩu chuyện xúc động về tình người đã trao tặng điều quý giá nhất của sự sống đó là giọt máu.
Tốt nghiệp dược sĩ đại học năm 1990, được phân công về khoa huyết học Bệnh viện Chợ Rẫy, tôi được chứng kiến nhiều mẩu chuyện xúc động về tình người đã trao tặng điều quý giá nhất của sự sống đó là giọt máu. Cao cả hơn, có người mẹ dũng cảm nén nỗi đau, trao tặng mô, tạng của con để sự sống hồi sinh trên cơ thể người khác.
Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính từng phát biểu: "Biết bao nhiêu con người, bao nhiêu số phận đã, đang và sẽ được cứu sống bằng chính hành động hiến máu của chúng ta. Chúng ta hãy tích cực làm điều đó để thắp sáng, tiếp nối sự sống của những người cần máu bằng lòng nhân ái, tình yêu thương, sự che chở, đùm bọc".
Sáng ngày 19/5/2024, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính đã dự và phát động chương trình “Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi”. Tại lễ phát động, Thủ tướng đã đăng ký hiến tặng mô, tạng và kêu gọi mọi người dân Việt Nam trưởng thành, không phân biệt giới tính, dân tộc, tôn giáo, lứa tuổi, vùng miền hãy tình nguyện đăng ký hiến tặng mô, tạng.
Giọt máu trao đi - Cuộc đời ở lại
Về mặt sinh học, máu là chất lỏng màu đỏ đậm có độ nhớt cao được tim bơm đến mô và các cơ quan của cơ thể rồi quay trở lại tim tạo nên một vòng tuần hoàn. Máu đóng vai trò quan trọng để duy trì sự sống bằng cách mang chất dinh dưỡng, chất điện giải, nội tiết tố, vitamin, kháng thể đến các mô của cơ thể, máu điều hòa thân nhiệt và cung cấp oxy cho phổi đồng thời mang chất thải và khí cacbonic ra khỏi các mô của cơ thể. Máu được truyền cho bệnh nhân cấp cứu trong các trường hợp đa chấn thương mất máu nghiêm trọng, thai phụ sinh sản bị băng huyết hoặc bệnh nhân trong các cuộc phẫu thuật và một số trường hợp mắc bệnh thiếu máu, chảy máu hay rối loạn đông máu theo y lệnh của bác sĩ.
Để được đưa máu vào ngân hàng máu, người cho (doner) phải đáp ứng các tiêu chuẩn về tuổi, cân nặng, huyết sắc tố và không mắc các bệnh truyền nhiễm như viêm gan siêu vi B, C, giang mai, HIV,… và khoảng cách giữa các lần hiến là trên 12 tuần. Việc sàng lọc này giúp bảo đảm chất lượng máu cho người nhận đồng thời duy trì sức khỏe của người cho. Trước khi rút máu, người cho máu được uống nước trà đường, sau khi rút cần bồi dưỡng thức ăn thịt, cá, trứng, sữa giúp cơ thể tái tạo máu.
Thời gian công tác bệnh viện, tôi từng gặp một sinh viên bán máu để trang trải học phí vì phương tiện duy nhất đi lại của em là chiếc xe đã bị kẻ gian cướp mất. Thương quá, nhân viên y tế chúng tôi cùng góp tiền tặng em đỡ phần nào khó khăn dù lúc đó ai cũng nghèo. Tôi cũng từng chứng kiến những người mẹ, người cha yêu con hơn mạng sống của mình, sẵn sàng bán nhà, bán máu để cứu con. Khoảng năm 1992, kỹ thuật ghép thận triển khai ở Bệnh viện Chợ Rẫy, có một người cha nông dân ngoài 70 tuổi chạy xe máy từ Long An lên TP.HCM, rút máu thử HLA (kỹ thuật Human Leucocyte Antigen đánh giá phù hợp kháng nguyên bạch cầu giữa người hiến và người nhận trong ghép tạng) sàng lọc để cho con quả thận, ông tâm sự với nhân viên xét nghiệm: “Cô lấy máu tôi thử sao cho hòa hợp để ghép cho con tôi, tôi già rồi chết cũng không sao, nó còn trẻ phải sống để nuôi con của nó”. Rơi nước mắt trước tấm lòng vĩ đại của người cha yêu con hơn mạng sống của mình và ca ghép thận đã thành công.
Hiến mô, tạng cứu người - Cho đi là còn mãi
Lòng yêu Tổ Quốc, yêu đồng bào được hình thành từ những điều giản dị. Người ruột thịt hiến máu, hiến tạng cho người nhà đã quý, nhưng những tình nguyện viên trao đi một phần sự sống cho người không cùng huyết thống lại càng quý hơn. Có lẽ được cha mẹ nuôi dưỡng lòng nhân ái từ những câu chuyện kể về gieo yêu thương sẽ gặt hạnh phúc, ngay khi còn là sinh viên, hai con tôi vẫn thường tham gia hiến máu nhân đạo, hiến tóc cho bệnh nhân ung thư. Xung quanh tôi còn có biết bao người tốt như thầy giáo Q.M dạy toán ở trường phổ thông đã hiến xác cho khoa học, bạn gái là dược sĩ M.L đến Bệnh viện Chợ Rẫy làm thủ tục hiến tạng.
Lĩnh vực ghép tạng ở Việt Nam thành công chính là nhờ đường lối, chính sách khuyến khích của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế, đặc biệt là sự hy sinh cao cả của bản thân và gia đình người hiến tạng.
Tháng 7/2020, chị M.C (25 tuổi, quê ở Đồng Tháp) là thông dịch viên tiếng Anh tại TP.HCM đã đăng ký hiến tạng tại Trung tâm Điều phối quốc gia với di nguyện cuối cùng là được mang lại sự sống cho mọi người. Từ tâm nguyện của con gái, khi chị M.C bị tai nạn giao thông chết não, người mẹ đã nén nỗi đau, chia sẻ những phần cơ thể con để cứu 6 người: 2 người được ghép thận, 1 người ghép tim, 1 người ghép gan và 2 người ghép giác mạc.
Tôi xin phép dẫn lời phát biểu của Chủ tịch Hội Vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam - PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến thay lời kết: “Gia đình của người hiến tạng vẫn nghe thấy tiếng tim đập đầy yêu thương, lan tỏa năng lượng từ bi của người thân đã qua đời trên cơ thể và sự sống hồi sinh của người được ghép tạng. Người hiến tạng đã làm được việc có ích nhất sau khi từ giã cõi đời là cứu sống người khác, chắc họ cũng hài lòng và sẽ được tái sinh ở cõi giới phúc lạc hơn trong vòng sinh tử luân hồi như quan niệm của Phật giáo”./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/cho-di-la-con-mai-a176736.html