Chờ đợi đã lâu - Một 'kỷ nguyên vươn mình'
Khi phân chia thời gian dựa trên một sự kiện nào đó, người ta gọi đó là một 'thời kỳ'. Nếu sự kiện đó là một sự kiện trọng đại, có ý nghĩa quyết định chiều hướng phát triển của xã hội, người ta có thể gọi đó là sự khởi đầu của một 'kỷ nguyên'.
Nhưng các “kỷ nguyên” không phải luôn luôn tốt. Việt Nam ta, không may, đã từng trải qua những “kỷ nguyên” xấu kéo dài. Đó là những “kỷ nguyên” đau thương vẫn còn để lại những vết hằn trong ký ức của các thế hệ người cao tuổi: thuộc địa (1883-1945) - chiến tranh (1945-1975) - hậu chiến (1975-1985). Hậu quả là sự lạc hậu toàn diện, và tình trạng “nhược tiểu” không chỉ so với các cường quốc mà cả với một số quốc gia cũng từng là thuộc địa trước đây.
Tại sao lại cho là Việt Nam ta “không may” khi phải trải qua những “kỷ nguyên” xấu ấy? Vì dân tộc ta chỉ là một thành viên của cộng đồng thế giới, và những lựa chọn, mong mỏi của ta không phải luôn luôn gặp đủ thiên thời - địa lợi - nhân hòa để thành hiện thực.
Nhưng nay, chúng ta đang đứng trước một thời cơ lớn, có thể mở ra một “kỷ nguyên” tốt đẹp, đáp ứng lòng mong mỏi của toàn dân tộc. Kỷ nguyên này đã bắt đầu từ thời kỳ “đổi mới” (1986-1996), với sự kiện Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI chính thức thông qua đường lối đổi mới, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, giải phóng năng lực sản xuất của xã hội để mở đường cho phát triển sản xuất. Tiếp đó, trong thời kỳ “hội nhập” (từ 1996), trên toàn đất nước đã diễn ra quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, và hội nhập ngày càng sâu vào thị trường thế giới. Các định hướng ấy đã làm cho cơ cấu kinh tế của Việt Nam biến đổi và định hình theo trật tự: thương nghiệp và dịch vụ - công nghiệp và xây dựng - nông lâm ngư nghiệp.
Trong thời hội nhập, bối cảnh toàn cầu không phải luôn thuận lợi. Biến đổi khí hậu vẫn đang tiếp diễn. Đại dịch Covid-19 vẫn còn dư âm. Siêu bão Yagi vẫn còn dư chấn. Xung đột địa-chính trị quốc tế đang tác động… Nhưng vượt lên tất cả thách thức ấy, năm 2023 có 159.294 doanh nghiệp được thành lập mới và 58.412 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam lên 921.372 đơn vị. Tổng vốn đầu tư phát triển là 3.423.500 tỷ đồng, và tổng đầu tư nước ngoài là 36,6 tỷ USD. Doanh nghiệp và doanh nhân đã góp phần đáng kể đưa GDP của Việt Nam đạt đến một cột mốc trong mơ: 430 tỷ USD; GDP bình quân đầu người nâng lên 4.282,5 USD; năng suất lao động đạt 8.380 USD/lao động; kim ngạch xuất khẩu 354,7 tỷ USD. Cũng trong năm 2023, tỷ lệ khu vực dịch vụ trong nền kinh tế đã lên tới 42,54%, khu vực công nghiệp - xây dựng là 37,12%, khu vực nông lâm thủy sản còn 11,96% (theo Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2024).
Năm 2024, các thành tựu càng ấn tượng hơn, dù chỉ là những con số sơ bộ. Dự kiến, tăng trưởng GDP năm 2024 đạt trên 7%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra, và lạm phát dưới 4%, trong ngưỡng Quốc hội cho phép. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong năm 2024 đạt hơn 31 tỷ USD; kiều hối khoảng 16 tỷ USD. Xuất khẩu đạt kỷ lục khi vượt 400 tỷ USD, kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới gần 800 tỷ USD. Giá trị thương hiệu quốc gia tăng đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32/193 quốc gia…
Bệ phóng cho các tăng trưởng đó là nội lực, chính sách, sự đồng thuận và sự hợp lực của toàn xã hội. Trong đó, đặc biệt quan trọng là các chính sách hỗ trợ và quyết tâm khai mở một “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” mà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đã phát biều gần đây. Theo đó, thời kỳ sắp tới sẽ là một kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, hướng tới xây dựng thành công một đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa ấm no, hạnh phúc và đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, phát triển toàn cầu.
Việt Nam ta vốn có câu chuyện về Thánh Gióng: Một cậu bé lên ba vươn mình thành người khổng lồ, trở thành anh hùng cứu nước và hiển thánh. Từ một chuyện cổ tích giải thích địa hình địa vật, câu chuyện ấy đã thành truyền thuyết, thành tôn giáo, và thành lễ hội. Từ KHÔNG thành CÓ. Tại sao? Vì “cậu bé” ấy vốn có tố chất: lòng yêu nước bẩm sinh, thể chất kiên cường, chí khí dũng mãnh. Cậu lại có các “bệ phóng” vật chất: cơm, cà, ngựa sắt, giáp sắt, roi sắt, và tre. Và các “bệ phóng” tinh thần: sự đoàn kết, đồng tâm, hợp lực vun góp của cả dân tộc (chiếu vua cầu hiền), của nhân dân (dân chúng góp gạo cà, củi lửa, đúc ngựa, rèn giáp, rèn roi). Cho nên, dù nhân vật rất ẢO, sự vươn mình của Thánh Gióng vẫn là rất THỰC.
Từ câu chuyện xưa, và từ hiện thực hôm nay, chúng ta có quyền tin tưởng và cùng hướng tới một kỷ nguyên vươn mình mà dân tộc Việt Nam hằng chờ đợi. Tại sao không?
Sau ngày thống nhất, nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức nhưng cũng có những chính sách quan trọng để xây dựng và củng cố kinh tế đất nước:
- Quốc hữu hóa tư liệu sản xuất ở miền Nam và áp dụng mô hình kinh tế tập trung, kế hoạch hóa.
- Cải tạo công thương nghiệp tư nhân.
- Quốc hữu hóa và chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành doanh nghiệp quốc doanh.
- Xây dựng nhiều công trình trọng điểm như hồ Dầu Tiếng, hồ Kẻ Gỗ và hệ thống đường giao thông chiến lược để tăng cường kết nối vùng miền.
Kỷ nguyên thứ nhất (1930-1975):
Kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội, khởi đầu từ năm 1930 khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dẫn đến thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và những chiến công vĩ đại trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược 1946-1975 cùng những thành tựu quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc những năm 1954-1975.
Kỷ nguyên thứ hai (1975-2025):
Kỷ nguyên thống nhất đất nước, đổi mới, phát triển, mở đầu bằng thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, thu non sông về một mối, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội năm 1975, tạo tiền đề vững chắc để đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiến hành công cuộc Đổi mới bắt đầu từ Đại hội lần thứ VI của Đảng năm 1986, tạo bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên các lĩnh vực.
Chính sách Đổi mới khởi xướng từ Đại hội VI (1986) là bước ngoặt lịch sử đưa nền kinh tế Việt Nam chuyển từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Chính sách nổi bật: Tự do hóa sản xuất, kinh doanh và khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất.
- Xóa bỏ cơ chế bao cấp, áp dụng cơ chế giá cả thị trường.
- Khoán 10 trong nông nghiệp (1988).
- Giao quyền sử dụng đất lâu dài cho hộ nông dân, khuyến khích họ tự do sản xuất.
- Đưa Việt Nam từ một nước thiếu lương thực trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới.
- Luật Đầu tư nước ngoài (1987) mở cửa thu hút các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, tạo điều kiện phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất.
- Phát triển thương mại quốc tế: Tham gia ASEAN (1995); Gia nhập WTO (2007); Ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA); Đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như nông sản, dệt may, điện tử; Chính sách tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, và công nghệ cao; Xây dựng các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội thành trung tâm kinh tế khu vực.
Kỷ nguyên thứ ba - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc:
Thời điểm mở đầu là Đại hội lần thứ XIV của Đảng, ghi dấu ấn 40 năm đổi mới (1986-2026). Đây “là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao”.
Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/cho-doi-da-lau-mot-ky-nguyen-vuon-minh-315858.html