Chờ đợi 'ngôi sao kỳ vọng' của thị trường bất động sản

'Ngôi sao kỳ vọng' của thị trường bất động sản là Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Đất đai 2024 có hiệu lực vào ngày 1/8 tới đây, tức là chưa đầy 1 tháng nữa.

Kể từ giữa năm 2022 tới nay, thị trường bất động sản luôn duy trì tình trạng trầm lắng. Mặc dù qua các tháng, các quý, thị trường đã có sự cải thiện về khối lượng giao dịch, song chưa thể gọi bứt phá.

Trong bối đó, nhiều chuyên gia và các tổ chức nghiên cứu thị trường bất động sản đã ra các dự báo về thời điểm thị trường hồi phục.

 Ảnh minh họa. (Nguồn: TVPL)

Ảnh minh họa. (Nguồn: TVPL)

Một số nhận định lạc quan nhất đưa ra niềm tin thị trường sẽ hồi phục vào giữa và cuối năm 2023, hoặc đầu năm 2024. Tuy nhiên, diễn biến thực tế cho thấy thị trường vẫn “bất động”.

Cho tới thời điểm hiện tại, nhiều ý kiến kỳ vọng vào những quy định mới sẽ tạo ra xung lực cho thị trường hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ. Trong đó, “ngôi sao kỳ vọng” đó là Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Đất đai 2024 có hiệu lực vào ngày 1/8 tới đây, tức là chưa đầy 1 tháng nữa.

PGS.TS Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định: Việc 3 luật liên quan đến thị trường bất động có hiệu lực sớm hơn 5 tháng được kỳ vọng giúp thị trường chuyển khỏi trạng thái chờ được nửa năm. Bên cạnh đó, nền kinh tế tiếp tục phát triển ổn định, đầu tư công được đẩy nhanh, một lượng vốn lớn sẽ được giải ngân. Thị trường bất động sản nhờ đó sẽ được thụ hưởng.

PGS.TS Trần Kim Chung đưa ra 3 kịch bản cho thị trường từ nay đến cuối năm.

Ở kịch bản thứ nhất, thị trường đi ngang, ngoại suy, tiệm tiến. Đây là phương án chủ đạo do thị trường bất động sản chuyển từ chế độ chờ sang chế độ thực thi.

“Việc 3 luật liên quan đến thị trường bất động sản đã được dự kiến có hiệu lực nên nhiều doanh nghiệp đã định hướng vận hành năm 2024 là chế độ chờ vì việc điều chỉnh sản xuất kinh doanh cần có thời gian. Vì vậy, thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm sẽ không có nhiều biến động lớn mà chủ yếu vận hành như dự kiến nhưng có chiều hướng tích cực hơn”, ông Chung nói.

Kịch bản thứ hai, thị trường tăng trưởng nhưng không bùng nổ. Kịch bản này xảy ra nếu hội tụ những yếu tố bổ sung như tình hình kinh tế và bối cảnh thế giới diễn biến tích cực, kinh tế vĩ mô tiếp tục có kết quả tốt, lạm phát được kiềm chế, việc tăng lương 30% cho lương cơ bản của người lao động và 15% đối với những người hưởng lương hưu được quản lý tốt, đầu tư nước ngoài thu hút được một hoặc một vài các nhà đầu tư chiến lược.

Kịch bản thứ ba, thị trường bùng nổ. Kịch bản này sẽ xảy ra nếu hội tụ được một số điều kiện đặc biệt tích cực như các nhà đầu tư chiến lược đồng loạt đến đầu tư và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam như giai đoạn 2004 - 2007; du lịch phát triển mạnh trở lại, kinh tế vĩ mô bùng nổ, các công cụ tài chính phái sinh như quỹ tín thác đầu tư bất động sản, quỹ tiết kiệm tương hỗ; hệ thống tái thế chấp được hình thành; vấn đề condotel-officetel được ban hành văn bản xử lý, cơ chế thu hồi đất phụ cận công trình hạ tầng được vận hành đồng bộ và đầy đủ; cơ chế thí điểm công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại khi nhà đầu tư đã có đất nhưng không chưa phải là đất ở được vận hành…

"Kịch bản trên được đánh giá có quá nhiều yếu tố kỳ vọng, vẫn có thể thể xảy ra nhưng khả năng không cao", ông Chung nêu quan điểm cá nhân.

Trong khi đó, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, các luật về bất động sản có hiệu lực sớm từ 1/8 với nhiều điểm mới, điểm ưu việt, được kỳ vọng sẽ tạo nên nguồn "trợ lực" cho nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cho-doi-ngoi-sao-ky-vong-cua-thi-truong-bat-dong-san-post302982.html