Chợ Đồn: Bứt phá từ OCOP và phát triển du lịch
Huyện Chợ Đồn – vùng đất giàu truyền thống cách mạng và mang đậm bản sắc văn hóa – đang từng bước khẳng định vị thế là một trong những địa phương có tiềm năng phát triển mạnh mẽ của tỉnh Bắc Kạn. Những năm gần đây, huyện tập trung khai thác hiệu quả thế mạnh về nông nghiệp và du lịch, qua đó tạo sinh kế ổn định, bền vững cho người dân.
Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP
Thực hiện Quyết định số 851/QĐ-UBND ngày 24/5/2018 của UBND tỉnh, huyện Chợ Đồn đã xây dựng và triển khai Kế hoạch số 786/KH-UBND nhằm thực hiện Đề án Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Sau 07 năm triển khai, huyện đã có 38 sản phẩm OCOP, trong đó 04 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 04 sao và 34 sản phẩm đạt 03 sao. Toàn huyện có 30 chủ thể tham gia, gồm 14 hợp tác xã, 01 tổ hợp tác, 01 công ty và 14 hộ kinh doanh cá thể. Hiện nay, Chợ Đồn xếp thứ hai toàn tỉnh về số lượng sản phẩm OCOP, chỉ sau thành phố Bắc Kạn.

Trải nghiệm bản sắc văn hóa của bà con thôn Cọn Poỏng, xã Nam Cường.
Nhiều dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP đã được triển khai thành công như: Chè Shan tuyết của Công ty TNHH Ngọc Thắng; hồng không hạt của HTX Tân Phong; gạo Nhật Japonica của HTX Sơn Lâm; trà hoa vàng của các HTX Hòa Thịnh và Nghĩa Tá; thịt lợn rừng lai của HTX Quỳnh Trang; dâu tây của HTX Toàn Dân; phở khô và bún khô của HTX Hồng Luân... Các dự án này đã góp phần hình thành vùng nguyên liệu tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường.
Bà Giá Thị Luân, Giám đốc HTX Hồng Luân, xã Tân Lập chia sẻ: “Nhờ được hỗ trợ từ các dự án liên kết, hợp tác xã đã đầu tư thêm máy móc, xây dựng nhà xưởng và cải tiến quy trình chế biến phở, bún từ giống gạo bao thai (gạo đặc sản của địa phương). Sau khi đạt chuẩn OCOP 03 sao, sản phẩm không chỉ tiêu thụ ổn định trong tỉnh mà còn mở rộng ra các tỉnh lân cận”.
Cùng với đó, huyện cũng chú trọng công tác quảng bá, xúc tiến thương mại. Một điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đã được đầu tư xây dựng với kinh phí 200 triệu đồng. Mô hình chợ đêm với không gian trưng bày của các xã, thị trấn đang từng bước hình thành, tạo điểm nhấn văn hóa – thương mại, lan tỏa giá trị sản phẩm địa phương.

Hát then, đàn tính phục vụ du khách trải nghiệm các không gian văn hóa tại Hội xuân ATK Chợ Đồn.
Gắn sản phẩm OCOP với phát triển du lịch trải nghiệm
Trong những năm gần đây, các mô hình du lịch trải nghiệm tại Chợ Đồn ngày càng thu hút du khách. Chị Triệu Thị Lệ, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: Sau khi tham quan hồ Ba Bể, tôi được giới thiệu sang trải nghiệm vườn dâu tây tại Nam Cường, điều này thật sự rất thú vị, trong không khí trong lành, tôi và các bạn vừa được check in nhiều cảnh đẹp vừa có thể tự tay hái những quả dâu tây chín mọng và thưởng thức…
Huyện Chợ Đồn sở hữu nhiều tiềm năng du lịch, từ vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên, đến những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số. Các địa danh như Khu di tích lịch sử ATK Chợ Đồn, đền Phja Khao, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Xuân Lạc, các bản du lịch cộng đồng như Bản Cuôn, Cọn Poỏng (xã Nam Cường)..., đều có giá trị du lịch lớn, phù hợp phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng.
Ông Triệu Huy Chung, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn cho biết: “Chương trình OCOP đang được huyện tích hợp với định hướng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, tạo chuỗi giá trị gắn kết giữa sản phẩm nông nghiệp và du lịch. Các sản phẩm như trà hoa vàng, chè Shan tuyết, dâu tây, gạo đặc sản..., không chỉ là hàng hóa mà còn là “đại sứ văn hóa” giúp quảng bá hình ảnh địa phương”.

Check in vườn dâu tây tại thôn Cọn Poỏng, xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn.
Để phát triển bền vững OCOP gắn với du lịch, huyện Chợ Đồn đề ra nhiều giải pháp trọng tâm như: Chuyển từ tư duy sản lượng sang chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng các tour du lịch nông thôn kết hợp trải nghiệm nông sản. Đồng thời, huyện tăng cường truyền thông, tổ chức hội chợ, lễ hội ẩm thực, kết nối sản phẩm với du lịch. Tiêu biểu là mô hình Chợ đêm ATK, Chợ đêm Cốc Lùng, Nam Cường và Hội xuân ATK Chợ Đồn – nơi giới thiệu sản phẩm OCOP, nông sản và ẩm thực truyền thống. Những không gian này không chỉ là điểm mua sắm mà còn là nơi trải nghiệm văn hóa, giúp du khách hiểu sâu hơn về đời sống, phong tục của người dân địa phương.
Huyện Chợ Đồn xác định: Phát triển chương trình OCOP không chỉ nhằm mục tiêu kinh tế mà còn góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng thương hiệu địa phương. Với quyết tâm và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, Chợ Đồn đang từng bước khơi dậy nội lực, vươn lên phát triển toàn diện, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/cho-don-but-pha-tu-ocop-va-phat-trien-du-lich-post70070.html