Chỗ đứng nào cho châu Âu trong quan hệ Mỹ-Trung?
Liên minh châu Âu có thể theo đuổi một chính sách độc lập, đồng thời đóng vai trò trung gian, hòa giải trong căng thẳng Mỹ-Trung hiện nay.
Sự chia rẽ của các nước Liên minh châu Âu (EU) trước lời kêu gọi của Mỹ về tẩy chay ngoại giao Olympic mùa Đông tại Bắc Kinh cho thấy trong vấn đề Trung Quốc, quan điểm của hai bên thực sự “cách nhau một đại dương”. Tại sao lại có câu chuyện này?
Ít triển vọng, nhiều thách thức
Nhìn bên ngoài, không chỉ chia sẻ lập trường về các vấn đề cơ bản trong chính trị quốc tế, Mỹ và châu Âu cũng thường xuyên đề cập thách thức Trung Quốc đặt ra cho trật tự toàn cầu hiện nay.
Dư địa để hai bên bờ Đại Tây Dương tăng cường hợp tác về Trung Quốc là rõ ràng, thể hiện ở một số nỗ lực đã và đang được hai bên triển khai như sáng kiến Đối thoại Mỹ-EU về Trung Quốc hay Hội đồng Thương mại và Công nghệ Mỹ-EU.
Hai bên đã phối hợp, đối phó các hành vi cạnh tranh thương mại không lành mạnh của Bắc Kinh, sử dụng các hạn chế về xuất khẩu và đầu tư để gây sức ép, buộc Trung Quốc từ bỏ các chính sách Mỹ và EU cho là “vi phạm nhân quyền”.
Tuy nhiên, châu Âu lại không thể dung hòa lợi ích của mình với tầm nhìn về liên minh các nền dân chủ do Mỹ dẫn dắt để đối phó Trung Quốc. EU đã nhiều lần chỉ trích các chính sách kiềm chế núp bóng chiến lược cạnh tranh ảnh hưởng.
Một mặt, EU muốn làm sâu sắc hơn hợp tác xuyên Đại Tây Dương. Mặt khác, các thành viên của khối lại không thể nhất trí về cách thức triển khai, bởi họ không muốn cô lập Trung Quốc hoặc tác động tiêu cực tới trật tự quốc tế khối hằng bảo vệ.
Đó là chưa kể tới chuyện nhiều nước châu Âu không còn cho rằng Mỹ là đối tác đáng tin cậy. Ông Joe Biden có thể coi trọng mối quan hệ này, nhưng chẳng ai biết được liệu người kế nhiệm ông sẽ nghĩ gì? Đây là động lực then chốt để EU nỗ lực triển khai tầm nhìn riêng về “tự chủ chiến lược”.
Một mặt, EU muốn làm sâu sắc hơn hợp tác xuyên Đại Tây Dương. Mặt khác, các thành viên của khối lại không thể nhất trí về cách thức triển khai, bởi họ không muốn cô lập Trung Quốc hoặc tác động tiêu cực tới trật tự quốc tế khối hằng bảo vệ.
Ngoài ra, nghị trình Mỹ-EU hiện nay về Trung Quốc đang đặt ra nhiều mục tiêu quá sức. Các bên cần ưu tiên rõ ràng hơn để tối đa hóa lợi ích trong phối hợp hành động.
Ngoài ra, sự khác biệt trong hệ thống pháp luật, cũng như cách nhìn nhận nguy cơ, thách thức khác nhau tại Mỹ và châu Âu sẽ khiến quá trình tìm kiếm đồng thuận trong các lĩnh vực then chốt như khí thải carbon, chống độc quyền, hay đối phó các chiến dịch gây nhiễu loạn thông tin của Trung Quốc gặp khó khăn hơn.
Đặc biệt, triển vọng hợp tác an ninh - quốc phòng, đối trọng với Trung Quốc tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương còn nhiều hạn chế. Châu Âu đã có hành động biểu tượng như điều tàu chiến thực hiện quyền tự do hàng hải trên Biển Đông. Tuy nhiên, hầu hết các nước, dù là Đức hay Pháp, đều thận trọng và không muốn đi xa hơn.
Điều này đúng với cả Pháp, nước châu Âu hiếm hoi với hiện diện quân sự đáng kể tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian từng giải thích: “Chúng tôi không đánh giá thấp mức độ cạnh tranh với Trung Quốc, song chúng tôi cũng tránh quân sự hóa chiến lược của mình để có thể mở rộng hợp tác với tất cả các quốc gia mong muốn, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền của họ.”
Sự chần chừ này sẽ không sớm biến mất. Dù chính phủ mới tại Đức được cho là sẽ có giọng điệu cứng rắn hơn với Trung Quốc, song Thủ tướng Olaf Scholz vẫn duy trì thái độ thận trọng, cho rằng mọi hành động “cần được cân nhắc kỹ lưỡng”, nhấn mạnh cần có cách tiếp cận mang tính hợp tác.
Do đó, Mỹ không nên kỳ vọng Đức sẽ nhìn nhận quan hệ với Trung Quốc chỉ dưới lăng kính hệ giá trị. Thất bại trong giao tiếp giữa Washington và EU, nhất là với Pháp, về sự ra đời của AUKUS, càng cho thấy hạn chế trong hợp tác quân sự Mỹ-châu Âu tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Kinh nghiệm cũ trên cương vị mới
Tuy nhiên, hợp tác xuyên Đại Tây Dương không phải là cách duy nhất châu Âu có thể tác động, giảm thiểu rủi ro từ căng thẳng Mỹ-Trung. Các nhà hoạch định chiến lược đang cố gắng rút ra những bài học từ lịch sử để xây dựng một cách tiếp cận cho phép Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh lành mạnh, tránh dẫn đến đối đầu, thậm chí xung đột vũ trang. Đây là lúc châu Âu có thể lên tiếng.
EU nên cân nhắc triển khai sáng kiến ngoại giao tương tự Tiến trình Helsinki, vốn đã góp phần làm giảm căng thẳng giữa phương Tây và Liên Xô những năm của thập niên 1970. Châu Âu có thể làm trung gian cho các thỏa thuận hạ nhiệt, giảm rủi ro, tăng cường kiểm soát khủng hoảng, tránh đối đầu.
Thú vị hơn, sự hạn chế về năng lực quân sự tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể trở thành lợi thế của EU, khiến khối này trở thành trung gian hòa giải đáng tin cậy hơn, đặc biệt là về các vấn đề nhạy cảm như Đài Loan (Trung Quốc) hay Biển Đông.
Thậm chí, EU có thể thúc đẩy ngoại giao hợp tác trên không gian mạng và thám hiểm vũ trụ. Đây đều là những lĩnh vực cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc và sự hiện diện mang tính hòa giải của EU là đáng hoan nghênh.
Ngoài ra, EU có bề dày kinh nghiệm về xây dựng đạo luật, quy định để ngăn ngừa xung đột. Ủy ban châu Âu và các nước châu Âu từng đóng góp đáng kể trong xây dựng cơ chế kiểm soát vũ khí và vũ khí hạt nhân, cụ thể như Nhóm các nước cung cấp hạt nhân (NSG), Thỏa thuận Wassenaar hay thỏa thuận hạt nhân Iran.
Hạn chế về triển khai năng lực quân sự tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể trở thành lợi thế của EU, khiến khối này trở thành trung gian, hòa giải đáng tin cậy hơn, đặc biệt là về các vấn đề nhạy cảm như Đài Loan (Trung Quốc) hay Biển Đông.
Rõ ràng, chẳng có gì chắc chắn rằng sáng kiến giảm căng thẳng của EU tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ thành công, nhất là khi quan hệ EU-Trung Quốc còn nóng. Tuy nhiên, sáng kiến này cũng có phần phù hợp với mục tiêu của EU về tìm kiếm cách tiếp cận khu vực toàn diện hơn, củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Quan trọng hơn, đây có thể là cách tốt nhất để ngăn ngừa xung đột giữa các cường quốc. Chẳng phải đó là lý tưởng ban đầu cho sự ra đời của EU hay sao?
(theo The Japan Times)
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cho-dung-nao-cho-chau-au-trong-quan-he-my-trung-170013.html