Chợ hoa Tết Mậu Tuất ở Sài Gòn: Vắng dần 'cụ' khế, 'cụ' mai tiền tỷ
Nếu mọi năm, các chợ hoa Tết ở TP.HCM thường ồn ào với nhiều loại kiểng vài tỷ đồng một cây thì năm nay, những cây kiểng có giá không ai với tới này dần vắng bóng tại chợ.
Nhiều người nói việc cây kiểng bạc tỷ ít xuất hiện tại chợ hoa tết TP.HCM năm nay là do người tiêu dùng tiết kiệm mua sắm Tết. Tuy nhiên, giới am hiểu lại cho rằng chủ nhân của các cây kiểng này đã tự đưa cây về với giá trị thật và không còn muốn tốn kém chi phí mỗi năm lại đưa cây ra chợ Tết rao giá bán cao ngất nhưng không ai mua.
Khế, mai chục tỷ Tết này bớt ra chợ nhà giàu Sài Gòn
Cây kiểng có giá cao nhất ghi nhận tại chợ hoa Tết Mậu Tuất TP.HCM đến 27 tháng Chạp là “cụ” me được cho là tuổi hơn 100 năm, với hình dáng “thác đổ, mây bay”. “Cụ” me được chủ nhân là một nhà vườn ở Thủ Đức, TP. HCM rao bán với giá 3,5 tỷ đồng.
Tết Nguyên đán 2017, “cụ” me này đã được rao mức giá 4,5 tỷ đồng.
Một “cụ” me khác được cho có tuổi đời lên đến 400 năm với tên gọi Trường Tồn của nghệ nhân Trần Hiếu Dân cũng có mặt tại Hội hoa xuân Tao Đàn (quận 1) nhưng là tác phẩm trưng bày, chưa được tiết lộ mức giá.
Tại Hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP HCM), hai cây sanh có bộ rễ hình kim quy cõng rồng mọc trên đá của nghệ nhân Huỳnh Văn Huy (Bến Tre) đang rao giá khoảng 4 tỷ đồng. Ngoài ra, nghệ nhân này còn giới thiệu cây khế dáng rồng bay giá khoảng 1,5 tỷ đồng.
Trong khi đó, cặp khế của nghệ nhân Ba Hùng ở Tây Ninh, vốn là cây “quen thuộc” được rao giá 15 tỷ ở chợ hoa 2017 và 7 tỷ tại chợ Tết năm 2015 không thấy có mặt tại chợ hoa Tết này.
Cùng với cặp khế từng vài lần ra chợ hoa Tết TP.HCM rồi lại mang về, năm ngoái ông Ba Hùng cũng chào bán cây lộc vừng được khẳng định có tuổi đến 200 năm, với giá 1,5 tỷ đồng, nhưng cuối chợ vẫn không có khách mua.
Một cây kiểng “quen mặt” khác cũng không có trong chợ hoa Tết này là cây mai thế dáng long của nghệ nhân Phan Văn Lớn (Đồng Tháp). Tết năm ngoái, cây mai này xuất hiện ở chợ hoa công viên 23/9 (quận 1) và được ông Lớn ra giá bán 2,7 tỷ đồng. Năm 2015, cây mai này tham gia Hội hoa xuân Tao Đàn và đạt được giải đồng.
Trong khi đó, các chợ Tết ở một số tỉnh thành năm nay lại khá rầm rộ hoa kiểng Tết có giá tiền tỷ. Ở chợ hoa Tết Đà Nẵng, một cây mai đang được chủ nhân rao bán với giá 2 tỷ đồng. Thực tế, đây là lần thứ 3 chủ nhân mang cây mai từ TP. Pleiku (Gia Lai) xuống bày bán tại chợ hoa Tết Đà Nẵng. Lần đầu cây mai này được bán là vào Tết năm 2016.
Ở Đồng Nai, một gốc cây sưa đỏ gỗ lũa cao hơn 1 m cũng được nhà vườn rao bán với giá lên tới 1,4 tỷ đồng. Chủ nhân cho hay vì sưa đỏ là giống quý hiếm nên chúng có giá bán đắt đỏ.
Cũng ở Đồng Nai, một cây mai có chiều cao 5 m, tán rộng 6 m được cho là có tuổi gần 100 năm của ông Nguyễn Hoàng Thụy, đang có người trả giá 1 tỷ đồng.
Còn ở chợ hoa Tết Cần Thơ, một "cụ" mai được cho là độc nhất miền Tây đang gây xôn xao với mức giá rao bán 1,6 tỷ đồng.
Ông Tạ Trần Hoàng Phương ở TP Cần Thơ cho biết 6 tháng trước ông mua lại "cụ" mai từ một nhà vườn kiểng ở Vĩnh Long. Cây mai vàng cao khoảng cao 6 m, bán kính hơn 3 m. Theo lời ông Phương, cây mai này có tuổi thọ gần 100 năm. Có người đã trả 1,25 tỷ đồng nhưng ông chỉ bán với giá 1,6 tỷ đồng.
Hét giá bạc tỷ để làm gì?
Năm nào vào dịp Hội hoa xuân cũng xuất hiện những cây kiểng khủng, rao giá bán cao ngất nhưng cuối cùng đến chiều 30, khi chợ Tết đóng cửa thì hầu hết cây cảnh bạc tỷ này vẫn không tìm được chủ mới.
Chiều 30 Tết 2017, khi các gian hàng hoa tại Công viên 23/9 tiến hành dọn dẹp để trả lại mặt bằng cho công nhân đô thị dọn vệ sinh, nhiều người đã ào vào cưa cành một cây mai nở rực rỡ, được rao giá 900 triệu đồng nhưng không ai mua. Chủ nhân cây mai này đã đồng ý cho một số người đi chợ muộn lấy cành mang về chơi Tết.
Cũng tại chợ Tết 2017, nghệ nhân Ba Hùng thừa nhận mức giá 15 tỷ đồng mình đưa ra với cặp khế là là khá cao. Tuy nhiên ông lại nói giá hợp lý vì chi phí đầu tư cho cây quá lớn và và mất quá nhiều công sức.
"Cặp khế đã trải qua 25 năm chăm sóc, chỉnh sửa, chi phí mỗi năm bỏ ra không dưới 200 triệu đồng", ông Hùng nói.
Ông Ba Hùng là chủ nhân một vườn kiểng có tiếng ở Tây Ninh. Chủ nhân vườn kiểng này từng rao bán toàn bộ vườn kiểng của mình với mức giá 170 tỷ gây xôn xao giới kinh doanh, người chơi kiểng cả nước. Tuy nhiên sau 3 tháng rao bán, chỉ có vài cây kiểng nhỏ, giá trị thấp tìm được chủ nhân mới.
Nhiều nghệ nhân cây kiểng tại TP HCM cho rằng một số loại kiểng, bonsai, cổ thụ đang được hét giá hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng mà không có cơ sở.
Ông Lâm Ngọc Vinh, một nghệ nhân chuyên thi công hòn non bộ ở Hóc Môn, TP.HCM, cho rằng rất hiếm dòng kiểng ăn trái nào có tuổi hàng trăm năm. Việc xác định tuổi đơn thuần bằng thông tin nhà vườn đưa ra là chưa chính xác. Công nghệ hiện nay có thể xác định tuổi cây bằng mấy đo phóng xạ, nhưng chi phí khá cao.
Ông Nguyễn Văn Giá, chủ vườn kiểng ở Phước Kiểng, huyện Nhà Bè, TP.HCM cho biết từ trước đến nay, việc định giá kiểng chỉ diễn ra trong chợ Tết. Đáng chú ý là có tình trạng thương lái tìm đến một số vườn lớn trả giá cao, tạo nên tin đồn về những cây kiểng quý có giá cả tỷ đồng.
“Về mặt thương mại, hiếm có người chịu bỏ tiền tỷ ra mua cây kiểng về chơi, nhất là thời buổi kiếm tiền khó khăn như hiện nay”, ông Giá nói.
Nghệ nhân Lâm Ngọc Vinh cho biết thêm nhiều vườn "hét giá" cây kiểng hàng trăm triệu, thậm chí lên đến hàng tỷ đồng. Sau đó, chính những người này phải nhờ các mối lái quen biết đi “rỉ tai” các chủ vườn khác bán với giá vài chục triệu đồng. Chính nhờ các mối này, anh Vinh từng thu về nhiều cây có giá trị.
Sau khi sửa dáng, cơ sở này quyết định bán ra với mức giá thấp hơn 10 lần so với mức được rao ban đầu.
"Nếu cứ tiếp tục sống với giá ảo, thị trường cây kiểng TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ bị tuột dốc. Người chơi kiểng sẽ thờ ơ, không có sức mua, nhà vườn chính là người bị thiệt hại lớn nhất", ông Vinh chia sẻ.