Chớ kiêu ngạo. Phải khiêm tốn (*)
Bệnh cá nhân chủ nghĩa đẻ ra bệnh kiêu ngạo.
Đinh ninh lời Bác dạy
Kiêu ngạo là: Khi công tác có ít nhiều thành tích, ít nhiều thắng lợi, thì lên mặt anh chị, lên mặt công thần. Rồi đối với việc học tập thì lười biếng, không ra sức nâng cao trình độ của mình. Trong công tác thì xem thường nhân dân, xa rời quần chúng. Ở trong Ðảng thì không thực hiện chế độ dân chủ tập trung, không tuân theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo. Phớt kỷ luật và chính sách của Ðảng và của Chính phủ. Khinh rẻ ý kiến của cấp dưới. Xem thường chỉ thị của cấp trên. Không muốn chịu kiểm tra, không muốn nghe phê bình. Thân với những kẻ xu nịnh tâng bốc mình. Xa tránh những người tính trực nói thẳng…
Kết quả của bệnh kiêu ngạo là: thoái bộ, xuống dốc, rồi đi đến bất mãn, hủ hóa.
Sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của toàn Ðảng, của nhân dân lao động, chứ không phải của anh hùng cá nhân. Công việc kháng chiến kiến quốc ngày càng nhiều, càng to, càng mới. Ðại đa số chúng ta thì trình độ còn thấp, kinh nghiệm còn ít.
Chúng ta phải cố gắng làm, cố gắng học, cố gắng tiến bộ mãi. Có như thế mới làm trọn nhiệm vụ mà nhân dân giao phó cho chúng ta.
Chúng ta phải tuyệt đối chống bệnh kiêu ngạo, phải luôn luôn khiêm tốn. Mọi công tác phải dựa hẳn vào quần chúng, hoan nghênh quần chúng đôn đốc và kiểm tra. Trong đoàn thể thì phải giữ vững dân chủ tập trung, tập thể lãnh đạo, phải mở rộng tự phê bình và phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên trên. Có như vậy mới tiến bộ chung, tiến bộ mãi.
Thế là khiêm tốn. Khiêm tốn là một đạo đức mà mọi người cách mạng phải luôn luôn trau dồi.
----------------------------
(*) Bài đã đăng trên Báo Nhân Dân, số 194, từ ngày 13 đến ngày 15-6-1954.