'Chợ' nấm tràm trên đàn Nam Giao
Mùa nấm tràm nở rộ. Các chị, các o, mệ ở TP. Huế ngày nào cũng lượn vài vòng lên khu vực đàn Nam Giao để lựa chọn, mua cho bằng được những rổ nấm tràm căng mọng, óng mượt.
Có chị, có o, có mệ mua liền mấy giỏ nấm lên đến vài chục kg. Người ít 2 đến 3kg, người nhiều lên đến 20 đến 30kg nấm.
Trong câu chuyện, các chị, các o, các mệ rôm rả: “Mua nấm về làm sạch, luộc sơ qua, để nguội, phân ra từng bì để ngăn đông trong tủ lạnh ăn dần. Mùa nấm tràm chỉ có trong thời gian ngắn, nên tranh thủ mua nhiều về phục vụ cho cả gia đình”.
Rứa mới biết, nấm tràm giờ trở thành món ăn khoái khẩu, không phải lúc nào cũng có và không thể thiếu của không ít gia đình ở Huế hiện nay.
Sau những ngày ẩm ương mưa nắng, nấm tràm mọc lên trong những cánh rừng tràm ở Bình Điền, Bình Thành… Người người vào rừng tràm hái nấm. Nhà nhà rủ nhau tranh thủ hái ít nấm về ăn. Bên cạnh những “đội quân” chuyên hái nấm tràm, còn có những lái buôn, mua nấm bán lại kiếm lời.
Do nhu cầu tiêu thụ cao, nấm tràm giờ không chỉ của Huế, mà từ Quảng Trị được các lái buôn đưa vào bán. Và rồi, “chợ” nấm mọc lên ngay trước khu vực đàn Nam Giao (đoạn khu vườn hoa, mảng xanh kết hợp bãi đỗ xe tham quan đàn Nam Giao, phường Trường An, TP. Huế).
Do “chợ” nấm tràm ở đàn Nam Giao người bán, người mua quá đông, nên một lượng lớn rác cũng được thải ra hàng ngày. Đây cũng là khu vực ưu tiên cho các hoạt động vui chơi, giải trí; có thảm cỏ, đường đi dạo.
“7 đến 8 giờ sáng “chợ” nấm tràm bắt đầu hoạt động, đến 19 đến 20 giờ mỗi ngày mới kết thúc. Nấm nhiều mấy cũng được bán hết. Rác thải được các chị lao công quét dọn hàng ngày”, một o bán nấm chia sẻ.
Vẫn biết, “chợ” nấm tràm ở trước mặt khu vực đàn Nam Giao chỉ hoạt động và tồn tại trong một thời gian ngắn, nhưng điều cần đặc biệt lưu ý là vấn đề rác thải. Bên cạnh đó là việc để xe các loại của người bán, người mua gây ra tình trạng nhếch nhác, mất mỹ quan, trật tự đô thị tại khu vực này.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/cho-nam-tram-tren-dan-nam-giao-132240.html