Chó nghiệp vụ hỗ trợ hiệu quả công tác cứu trợ quân đội Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ

Đoàn công tác của Việt Nam gồm 76 sỹ quan và quân nhân chuyên nghiệp, trong đó, trọng tâm nhất là 6 chó nghiệp vụ, đây là lực lượng mũi nhọn rất hiệu quả giúp đoàn đạt được những kết quả cao trong chiến dịch cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Trở về nước sau 10 ngày (từ ngày 13 - 22/2) trực tiếp hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, đối với Đại úy Nguyễn Văn Nghĩa - Đội trưởng đội chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn (Trường trung cấp 24 Biên phòng, Bộ đội Biên phòng) lần đầu ra quân tham gia nhiệm vụ tại nước bạn đã đem đến cho anh nhiều cảm xúc khó quên.

Đặt chân tới tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ sau chuyến bay dài, trước mắt Đại úy Nguyễn Văn Nghĩa là khung cảnh quá đỗi đau thương, hoang tàn, toàn bộ ngôi nhà ở đây đổ sập, chỉ còn lại đống đổ nát, những ai còn sống đều đứng ra đường khóc cầu xin các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, đội cứu hộ của các nước đến hỗ trợ.

“Khung cảnh đó rất đau thương. Chứng kiến như vậy, lòng quyết tâm của chúng tôi càng được nâng lên”, đại úy Nghĩa kể lại.

Đại úy Nguyễn Văn Nghĩa (người cầm cờ) cùng các huấn luyện viên và chó nghiệp vụ xác định vị trí nạn nhân. (Ảnh: Báo Biên phòng)

Đại úy Nguyễn Văn Nghĩa (người cầm cờ) cùng các huấn luyện viên và chó nghiệp vụ xác định vị trí nạn nhân. (Ảnh: Báo Biên phòng)

Bằng mệnh lệnh từ trái tim, đoàn cứu hộ, cứu trợ nhân đạo của Quân đội nhân dân Việt Nam đã không quản ngại hiểm nguy, thận trọng chui sâu vào các hầm, khe kẽ trong các công trình bị tàn phá do động đất với quyết tâm sớm tìm được các nạn nhân vị vùi lấp.

Đại úy Nghĩa kể lại: “Khi thấy chúng tôi lao vào các hầm, lực lượng của nước bạn kêu gọi đừng vào, nhưng QĐND Việt Nam vẫn quyết tâm vào. Chứng kiến cảnh đó, người dân Thổ Nhĩ Kỳ rất biết ơn và cảm phục QĐND Việt Nam”.

Nhớ lại kỷ niệm không thể quên trong 10 ngày cứu hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ, anh Nguyễn Văn Nghĩa cho biết, ngôi nhà của cụ ông 78 tuổi bị đổ sập hoàn toàn, bên trong có vợ, con trai, con dâu và cháu không kịp chạy thoát ra ngoài. Do địa hình khó khăn, nguy hiểm, nên dù cụ đã cầu cứu nhưng chưa có lực lượng cứu hộ của nước nào vào tìm kiếm nạn nhân.

Khi nhìn thấy đoàn Việt Nam, ông đã khóc, quỳ xuống và xin được cứu giúp. Quá xúc động trước mất mát quá lớn của gia đình nạn nhân, ngay lập tức, anh Nghĩa cùng đồng đội xin ý kiến chỉ đạo của Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ - Đội trưởng, đến ngay hiện trường để tìm kiếm. Chiến thuật là dùng 6 chó nghiệp vụ đánh hơi tìm kiếm vị trí nạn nhân và kết quả, đoàn đã tìm thấy toàn bộ 6 thi thể. Cụ ông không ngừng nói lời cảm ơn trong nước mắt với lực lượng cứu hộ, cứu nạn QĐND Việt Nam.

Đoàn công tác của Việt Nam gồm 76 sỹ quan và quân nhân chuyên nghiệp, trong đó, trọng tâm nhất là 6 chó nghiệp vụ, đây là lực lượng mũi nhọn rất hiệu quả giúp đoàn đạt được những kết quả cao trong chiến dịch cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Đại úy Nguyễn Văn Nghĩa, nếu không có chó nghiệp vụ, đoàn sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác xác định vị trí người bị nạn, bởi có những thi thể bị vùi lấp dưới hàng nghìn mét khối bê tông đổ nát, con người không thể nhìn thấy bằng mắt thường, máy móc cũng không thể dò sâu.

Nhờ sự tinh nhạy trong quá trình được huấn luyện, các chú chó nghiệp vụ với khướu giác đặc biệt có khả năng phát hiện vị trí có hơi người trên một khoảng không gian rộng lớn hoặc địa hình phức tạp. Khi xác định đúng vị trí có nạn nhân, các cơ quan chức năng sử dụng máy móc chuyên dụng để đào bới đưa nạn nhân ra ngoài.

Lực lượng cứu hộ sử dụng các trang thiết bị dò tìm để tìm kiếm các nạn nhân bị mắc kẹt trong đống đổ nát.

Lực lượng cứu hộ sử dụng các trang thiết bị dò tìm để tìm kiếm các nạn nhân bị mắc kẹt trong đống đổ nát.

Ngày làm việc của những người lính kéo dài từ 8h sáng đến 19h tối, bữa trưa vội vàng với lương khô, mì tôm sống và chai nước lọc. Do một số lý do khách quan, phương tiện, quân trang, hậu cần được vận chuyển sang không đủ. Hai hôm đầu tiên, các chiến sĩ “màn trời, chiếu bêtông", tối đến, họ chuyền tay nhau chiếc xoong lớn với đầy mì tôm. Nước sạch khan hiếm, họ xin quân y dầu "tắm khô" xịt khắp người.

Mặc dù thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ ban đêm từ - 6 độ đến – 10 độ C, không có điện và nước ngọt, các dư chấn động đất vẫn mạnh, nhưng với lòng quyết tâm, đoàn công tác QĐND Việt Nam đã khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn.

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ đặt tay lên ngực trái như muốn nói lời cảm ơn

Thiếu tá Lê Đức Tài, Đội trưởng Đội công binh cứu sập không giấu được xúc động khi nhớ lại quãng thời gian làm nhiệm vụ ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Được tận mắt chứng kiến khung cảnh hoang tàn đổ nát, người dân đau khổ trước mất mát quá lớn cùng những ánh mắt không ngừng hy vọng đã thôi thúc toàn đội phải nhanh hơn, khẩn trương hơn trong triển khai nhiệm vụ.

"Mỗi chúng tôi sẽ không thể nào quên hình ảnh của người dân và lực lượng cứu hộ của Thổ Nhĩ kỳ đặt tay lên ngực trái mỗi khi đoàn chúng tôi và lực lượng cứu hộ quốc tế đi qua, như muốn nói lời cảm ơn bằng tất cả trái tim của mình", Thiếu tá Lê Đức Tài bày tỏ.

Thiếu tá Lê Đức Tài, Đội trưởng Đội công binh cứu sập.

Thiếu tá Lê Đức Tài, Đội trưởng Đội công binh cứu sập.

Trong bối cảnh thực địa đầy khó khăn, trở ngại, toàn đội đã phát huy hiệu quả việc sử dụng các trang thiết bị dò tìm, sử dụng chó nghiệp vụ để tìm kiếm các nạn nhân bị mắc kẹt trong đống đổ nát.

Theo đó, trong 10 ngày, đoàn công tác đã triển khai tổ chức tìm kiếm tại 31 điểm, phát hiện 15 điểm có nạn nhân trong đống đổ nát, trong đó có 2 vị trí dấu hiệu có sự sống, bàn giao cho lực lượng cứu hộ của phía Bạn theo hiệp đồng để đưa 28 thi thể nạn nhân ra ngoài; phối hợp với đội cứu hộ các nước Bahrain, Mexico tìm kiếm, xác định 3 vị trí có 10 nạn nhân thiệt mạng, bàn giao cho đơn vị cứu hộ địa phương.

Cùng với nỗ lực tìm kiếm sự sống trong các tòa nhà đổ sập, đoàn công tác đã hỗ trợ 25 hộ dân và một số người dân địa phương thoát nạn trước khi nhà bị đổ sập do dư chấn, giúp nhân dân thu dọn tài sản, chuyển đến nơi ở mới...

Người dân Hatay đặt tay lên ngực bày tỏ sự cảm ơn sự giúp đỡ của Đoàn cứu hộ cứu nạn Việt Nam.

Người dân Hatay đặt tay lên ngực bày tỏ sự cảm ơn sự giúp đỡ của Đoàn cứu hộ cứu nạn Việt Nam.

Tham gia đoàn công tác đặc biệt của QĐND Việt Nam lần này còn có các cán bộ, nhân viên quân y Bệnh viện Quân y 354. Theo Đại úy Nguyễn Duy Tân (bác sĩ điều trị, Bệnh viện Quân y 354), đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai cứu hộ, cứu nạn ở nước ngoài. Ngay khi có mặt tại Antakya, tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ, tổ quân y đã nhanh chóng bố trí, phối hợp cùng đội tìm kiếm nạn nhân và triển khai khám cho người dân vùng bị nạn. Dù thời tiết lạnh âm độ, các dư chấn vẫn mạnh, các chiến sỹ quân y vẫn không quản ngại hiểm nguy với hy vọng có thể kịp thời cứu chữa những nạn nhân gặp nạn, xem họ như chính người thân của mình.

Sau khi đoàn trở về nước, ngày 24/2, Bộ Quốc phòng đã tổ chức lễ tuyên dương lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Những chú chó nghiệp vụ cũng xuất hiện tại lễ tuyên dương

Những chú chó nghiệp vụ cũng xuất hiện tại lễ tuyên dương

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: Việc làm của đoàn công tác là rất đáng trân trọng, thể hiện trách nhiệm, năng lực, uy tín của quân đội ta trước các vấn đề an ninh phi truyền thống; được cộng đồng quốc tế, Chính phủ và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận, đánh giá cao; được cán bộ, chiến sĩ toàn quân và đông đảo nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài quan tâm, theo dõi, động viên./.

Trí Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/cho-nghiep-vu-ho-tro-hieu-qua-cong-tac-cuu-tro-quan-doi-viet-nam-tai-tho-nhi-ky-post1005080.vov