Cho phép nhập khẩu vàng: Không nên quá lo lắng về vàng hóa nền kinh tế
Ông Shaokai Fan là Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới trao đổi với Báo Đầu tư về quản lý thị trường vàng tại Việt Nam.
Cầu vàng của các ngân hàng trung ương sẽ thúc đẩy giá vàng năm 2024
Vàng thế giới đã tăng giá mạnh mẽ năm 2023 và tiếp tục đứng vững ở mốc trên 2.030 USD/ounce trong 2 tháng đầu năm nay. Mới đây nhất, các nhà phân tích tại Citibank cho rằng, giá vàng có thể tăng lên mức 3.000 USD/ounce trong 12-18 tháng. Theo ông, đâu là những yếu tố thúc đẩy giá vàng năm 2024?
Hội đồng Vàng thế giới mới đây cũng đã cập nhật nhu cầu vàng hàng năm, cho thấy cầu mua vàng vẫn rất tốt. Tổng nhu cầu về vàng trong năm 2023 (tính cả thị trường OTC và các nguồn dự trữ vàng) đã tăng lên mức kỷ lục cao nhất là 4.899 tấn.
Khối ngân hàng trung ương duy trì mua vàng với tốc độ chóng mặt. Lượng giao dịch mua vàng thuần của khối này năm 2023 đạt 1.037 tấn, gần đạt mức kỷ lục năm 2022, chỉ ít hơn 45 tấn. Năm 2024, chúng tôi cho rằng, khối ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng do chính sách tiền tệ có xu hướng nới lỏng ở các quốc gia. Đây là yếu tố thúc đẩy giá vàng thời gian tới.
Lực mua ròng mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương đang là động lực tăng giá của vàng năm nay. Theo ông, có yếu tố nào khiến xu hướng này bị đảo ngược?
Các ngân hàng trung ương đã mua ròng vàng 14 năm liên tiếp, đặc biệt mua cao kỷ lục 2 năm qua. Dự trữ vàng của khối ngân hàng trung ương tăng thêm 1.000 tấn trong năm thứ 2 liên tiếp. Năm 2023 là năm ghi nhận cao nhất thứ 2 về nhu cầu vàng của của khối ngân hàng trung ương với 1.037 tấn, chỉ giảm 45 tấn so với năm 2022. Dự báo, năm 2024, ngân hàng trung ương các quốc gia tiếp tục tăng mua vàng để đa dạng hóa dự trữ. Đây sẽ tiếp tục là yếu tố tích cực hỗ trợ thị trường vàng.
Theo tôi, xu hướng mua ròng này chỉ đảo ngược khi xảy ra khủng hoảng tài chính quy mô lớn, buộc ngân hàng trung ương các nước buộc phải bán vàng dự trữ. Tuy nhiên, khả năng này khó xảy ra.
Việt Nam nên tự do thị trường vàng, không cần lo lắng về vàng hóa nền kinh tế
Giá vàng miếng tại Việt Nam đang có sự chênh lệch lớn với giá vàng thế giới. Theo ông, chính sách quản lý vàng (Nghị định 24/2012/NĐ-CP) nên sửa đổi theo hướng nào?
Chính sách hạn chế nhập khẩu vàng là nguyên nhân chính khiến giá vàng trong nước chênh lệch lớn với giá vàng thế giới. Tôi biết Thủ tướng Việt Nam đã có chỉ đạo về vấn đề này.
Chắc chắn, NHNN sẽ cân nhắc nhiều phương án khác nhau trong sửa đổi nội dung Nghị định 24. Các sửa đổi sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở không làm gián đoạn thị trường vàng. Hiện nhiều chuyên gia, doanh nghiệp hy vọng thị trường vàng tới đây sẽ được tự do hóa hơn. Bất kỳ quy định mới nào cho phép nhập khẩu vàng cũng sẽ giúp kéo giảm khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay khoảng 100 tỷ USD, tuy đã cải thiện nhiều so với giai đoạn trước song cũng không phải là quá dồi dào. Việc “hi sinh” ngoại tệ để nhập khẩu vàng trong bối cảnh chính sách tiền tệ luôn phải dè chừng với tỷ giá có hợp lý không, theo ông?
Đương nhiên nhập khẩu vàng sẽ có tác động nhất định tới kinh tế vĩ mô, song vị thế dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tốt hơn nhiều so với trước đây.
Điều quan trọng nhất, như chúng ta thấy, ngay cả khi Việt Nam đang quản lý nhập khẩu vàng chính ngạch rất chặt chẽ thì nhu cầu vàng trong nước vẫn rất mạnh mẽ và vẫn đang được đáp ứng bởi nguồn vàng đến từ đâu đó, nếu không phải từ nguồn chính thức thì sẽ là nguồn phi chính thức. Vì vậy, sửa đổi Nghị định 24 một cách phù hợp sẽ giúp Chính phủ quản lý được nguồn vàng chính thức.
Nếu Việt Nam cho phép tự do nhập khẩu vàng, liệu vàng hóa nền kinh tế có quay lại như giai đoạn trước?
Tôi nghĩ vàng hóa không còn là mối lo ngại của Việt Nam do vị thế kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện nay đã khác rất nhiều 15 năm trước. Điều quan trọng là Việt Nam cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì lòng tin vào đồng nội tệ. Chừng nào nền kinh tế vẫn tăng trưởng, đồng nội tệ vẫn ổn định thì sẽ không có nguy cơ vàng hóa.
Theo ông, nên quản lý thị trường vàng theo hướng nào để vừa không phải nhập khẩu quá nhiều vàng vật chất mà vẫn đảm bảo ổn định thị trường vàng?
Nhìn ra thế giới, chúng ta thấy, nhiều quốc gia quản lý thị trường vàng rất tốt bằng cách biến vàng là sản phẩm tài chính chứ không phải chỉ trao đổi vàng vật chất.
Việt Nam cũng có thể học hỏi mô hình quản lý thị trường vàng của một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ… Đây là các nước chủ yếu nhập khẩu vàng (không sản xuất vàng) song vẫn đáp ứng tốt nhu cầu vàng nội địa.
Đầu tư vàng như một sản phẩm tài chính đã phổ biến ở nhiều quốc gia, đặc biệt là mô hình sàn vàng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hệ lụy của mô hình sàn vàng giai đoạn trước đây có lẽ đã khiến các cơ quan quản lý lo ngại. Theo ông, mô hình sàn vàng có rủi ro với nền kinh tế Việt Nam, nhất là khi tâm lý đầu cơ rất mạnh mẽ?
Đúng là trước khi Nghị định 24 ra đời, hoạt động của một số sàn vàng chui đã gây ra hệ lụy lớn cho nền kinh tế, hoạt động đầu cơ vàng qua các sàn này khiến các cơ quan quản lý lo ngại.
Tuy nhiên, một khi coi vàng là sản phẩm tài chính thì sẽ có nhiều cách khác nhau để quản lý. Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các nước phát triển về việc coi vàng như sản phẩm tài chính có thể dẫn tới hành vi đầu cơ nào để từ đó nhận diện, đưa ra các giải pháp để ngăn chặn, phòng ngừa rủi ro, vận hành thị trường vàng hiệu quả.
Ông đánh giá thế nào về tiềm năng tăng trưởng thị trường vàng Việt Nam năm 2024?
Năm 2023, nhu cầu tiêu dùng vàng tại Việt Nam nói chung giảm nhẹ, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước từ 59,1 tấn năm 2022 xuống còn 55,5 tấn. Trong đó, cầu vàng miếng và vàng xu giảm nhẹ 2%, cầu vàng trang sức giảm 16%. Đầu tư vàng của Việt Nam có sự cải thiện trong quý 4/2023 khi các nhà đầu tư hưởng ứng sự điều chỉnh giá. Tuy nhiên, nhu cầu tăng và các sự lựa chọn đầu tư vàng bị hạn chế đã dẫn đến mức chênh lệch đáng kể đối với vàng miếng SJC.
Tôi cho rằng, thời gian tới, tiềm năng tăng trưởng của thị trường vàng Việt Nam vẫn còn rất lớn nhờ mức độ giàu có của người dân tăng theo, cộng thêm yếu tố thuận lợi về nhân khẩu học.