Cho phép trồng dược liệu trong rừng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 183/2025/NĐ-CP, sửa đổi Nghị định 156/2018/NĐ-CP, bổ sung chương quy định riêng về hoạt động nuôi, trồng, thu hoạch cây dược liệu trong rừng.
Cơ hội sinh kế bền vững cho địa phương
Ngày 1/7/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 183/2025/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP, văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp. Điểm nhấn quan trọng trong lần sửa đổi này là việc bổ sung Chương 4a, quy định chi tiết về việc nuôi, trồng và thu hoạch cây dược liệu trong các loại rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất.
Đây được xem là bước tiến quan trọng nhằm thể chế hóa chủ trương phát triển ngành dược liệu thành ngành kinh tế sinh học mũi nhọn, đồng thời mở ra cơ hội sinh kế bền vững dưới tán rừng cho cộng đồng địa phương.

Trồng dược liệu dưới tán rừng mở cơ hội sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương.
Khác với trước đây, lần đầu tiên thuật ngữ "cây dược liệu trong rừng" và "thu hoạch cây dược liệu" được xác định rõ trong văn bản dưới luật. Theo đó, cây dược liệu được hiểu là những loài thực vật, nấm có tác dụng chăm sóc sức khỏe, được nuôi trồng trong rừng một cách hợp pháp, có kiểm soát, không bao gồm các loài mọc tự nhiên. Thu hoạch cây dược liệu được định nghĩa là quá trình khai thác toàn bộ hoặc một phần bộ phận cây đã được nuôi trồng.
Quy định này giúp phân biệt rạch ròi giữa thu hái tài nguyên rừng tự nhiên với khai thác sản phẩm từ sản xuất hợp pháp, tránh hiện tượng hợp thức hóa việc khai thác dược liệu tự nhiên trong danh nghĩa nuôi trồng.
Nghị định nhấn mạnh nguyên tắc xuyên suốt là mọi hoạt động nuôi trồng dược liệu trong rừng phải đảm bảo duy trì diện tích, chất lượng và chức năng sinh thái của rừng; không làm mất quyền sở hữu của Nhà nước về tài nguyên rừng. Đáng chú ý, các loài cây dược liệu được phép nuôi trồng phải nằm trong danh mục do Bộ Y tế ban hành, hoặc do UBND cấp tỉnh quyết định bổ sung dựa trên điều kiện địa phương. Đây là cơ chế hai cấp, giúp vừa bảo đảm tính khoa học, vừa linh hoạt trong tổ chức thực hiện.
Không chế biến dược liệu trong rừng
Về mặt quản lý, nghị định quy định cụ thể trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định và phê duyệt phương án nuôi trồng, thu hoạch cây dược liệu trong rừng đối với từng nhóm đối tượng chủ rừng, từ tổ chức nhà nước đến cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân. Mọi phương án phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở đánh giá chi tiết về hiện trạng rừng, điều kiện sinh thái, loài cây trồng, hình thức tổ chức thực hiện, giải pháp bảo vệ và phục hồi rừng.
Nghị định cũng mở rộng quyền tự chủ cho chủ rừng, cho phép tự tổ chức hoặc hợp tác, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân khác để nuôi trồng dược liệu. Trong trường hợp cho thuê môi trường rừng, chủ rừng phải thực hiện thông báo công khai trong ít nhất 30 ngày và tổ chức lựa chọn bên thuê theo bộ tiêu chí chặt chẽ, bao gồm năng lực chuyên môn, phương án tài chính, kinh nghiệm bảo vệ rừng và phương án đầu tư. Giá thuê môi trường rừng được tính bằng ít nhất 5% doanh thu hàng năm từ phần diện tích thuê và phải được quy đổi ra giá trị tuyệt đối trong hợp đồng.
Đặc biệt, nghị định quy định rõ việc không được tổ chức thu hái, chế biến dược liệu trong rừng. Sản phẩm sau thu hoạch phải được vận chuyển ra khỏi rừng. Các hoạt động ngâm, ủ, sấy hay bảo quản chỉ được phép thực hiện ngoài khu vực rừng nhằm giảm thiểu rủi ro ô nhiễm, cháy rừng và đảm bảo chức năng sinh thái nguyên vẹn. Với các loài dược liệu quý hiếm nằm trong danh mục thực vật rừng nguy cấp, việc nuôi trồng phải tuân thủ thêm quy định của Công ước CITES và pháp luật chuyên ngành.
Người dân phải tuân thủ đúng hướng dẫn kỹ thuật
Ở chiều ngược lại, nghị định cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, đặc biệt là các cộng đồng sống gần rừng. Cộng đồng dân cư, hộ gia đình được quyền tự tổ chức hoặc liên kết thành nhóm hộ để xây dựng phương án và trực tiếp thực hiện, miễn là tuân thủ đúng hướng dẫn kỹ thuật, không gây tác động tiêu cực đến tái sinh rừng. Cơ quan thẩm quyền cấp xã được phân quyền rõ ràng để tiếp nhận và phê duyệt phương án, rút ngắn thời gian xét duyệt, tăng tính chủ động tại địa phương.
Bên cạnh phân công rõ trách nhiệm giữa các cấp chính quyền, Nghị định 183 còn chỉ rõ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong việc phổ biến kỹ thuật nuôi trồng, phòng trừ sinh vật gây hại và phát triển vùng nguyên liệu. UBND cấp tỉnh được quyền ban hành danh mục cây dược liệu phù hợp địa phương, tổ chức chỉ dẫn địa lý và huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển dược liệu dưới tán rừng.
Nghị định cũng quy định thời gian thuê môi trường rừng tối đa là 10 năm theo chu kỳ cây trồng. Nếu bên thuê thực hiện tốt và có nhu cầu gia hạn, chủ rừng có thể xem xét kéo dài không quá 2/3 thời gian ban đầu. Tiền thuê môi trường rừng là nguồn thu hợp pháp của chủ rừng, được sử dụng cho hoạt động quản lý, bảo vệ và nâng cao đời sống người dân.
Việc ban hành Nghị định 183 là bước đi quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế sinh học đến năm 2030, trong đó cây dược liệu được xác định là một trong những ngành hàng tiềm năng. Khi các địa phương miền núi có thể khai thác lợi thế thổ nhưỡng và khí hậu để phát triển dược liệu bản địa, thì người dân sẽ có thêm thu nhập bền vững, rừng được bảo vệ tốt hơn và nguồn dược liệu trong nước được nâng cao về chất lượng lẫn giá trị kinh tế.
Trước đó, Báo Xây dựng cũng đã có nhiều bài viết phản ánh về khó khăn của đồng bào dân tộc khi tiếp cận thuốc dưới tán rừng, cũng như vai trò của rừng trong phát triển, bảo tồn những cây thuốc quý tại Việt Nam.
Tham khảo thêm
Người Dao Ba Vì kiếm tiền tỷ nhờ cây thuốc Nam

Tham khảo thêm
Gỡ khó cho dân trồng dược liệu dưới tán rừng

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/cho-phep-trong-duoc-lieu-trong-rung-192250702163653057.htm