Chờ phiên đáo hạn phái sinh, 'gió đông' vẫn chưa về với thị trường Việt Nam
'Gió đông' đã về với những thị trường chứng khoán châu Á điển hình như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Tuy nhiên, VN-Index tiếp tục là ngoại lệ do phải chịu những vận động co giật trước ngày đáo hạn phái sinh tháng 12.
Định vị thị trường
Kỳ vọng Mỹ sẽ hạ lãi suất và những tín hiệu hỗ trợ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản giúp cho các chỉ số chứng khoán châu Á nối lại đà tăng trước đó.
Chỉ số NIKKEI 225 tăng 1,8% lên mức đỉnh của 33 năm, chỉ số KOSPI tăng 1,78% lên vùng đỉnh 4 tháng còn TWSE (+0,33%) cũng tăng điểm dù đang ở vùng đỉnh 8 tháng.
"Gió đông" rõ ràng đã về với các thị trường kể trên nhưng thị trường Việt Nam vẫn bị dồn nén cảm xúc với những diễn biến co giật.
Chỉ số thêm một lần nữa chịu rung lắc trong phiên và đảo chiều về cuối phiên, chỉ tăng 0,41%.
Chất xúc tác
Khối lượng mở của hợp đồng tương lai VN30F2312 trước phiên giao dịch đã được thu hẹp xuống còn 44.737 đơn vị trong khi VN30F2401 đã lên 19.399 đơn vị. Điều này cho thấy, nhà đầu tư trên phái sinh đã dịch chuyển bớt vị thế sang kỳ hạn tháng 1/2024.
Tuy nhiên, vẫn chưa thể loại trừ hết các nhiễu có thể xuất hiện cho đến hết phiên ngày mai.
Hệ quả là số phiên khớp lệnh dưới mức bình quân 20 phiên đã kéo dài lên con số 5.
Cùng với đó, các hành động của khối ngoại cũng chưa ghi nhận chuyển biến đáng kể.
Chuỗi phiên bán ròng của khối ngoại đã lên tới con số 16. Họ vẫn bán ròng hơn 400 tỷ đồng trên HOSE với các mã HPG (-108,9 tỷ đồng), FUEVVND (-84,8 tỷ đồng), HCM (-54 tỷ đồng), VCB (-35,6 tỷ đồng) chịu áp lực nhất.
Vận động thị trường
Dù tỷ trọng giao dịch của khối ngoại nhảy vọt lên gần 25% trên quy mô mua/bán 2 chiều, nhưng các mã bị bán ra nhiều nhất của HOSE lại không còn những áp lực giảm nào.
Thậm chí HCM (+3,65%) còn tăng khá mạnh với cầu nội đối ứng xuất hiện trong phiên chiều. Các mã HPG (0%), VCB (-0,12%) dao động trong biên độ hẹp còn FUEVFVND (+1,65%) lại tăng giá khá tốt.
Chiều ngược lại, MWG (+4,31%) lại nhận được tiền ngoại nhiều nhất và trở thành cổ phiếu tăng tốt nhất trong rổ VN30.
Mã này đã kết hợp cùng một số Bluechips như MSN (+2,7%), VNM (+1,6%), PLX (+1,3%), STB (+1,3%), VRE (+1,3%), VHM (+1,1%) tạo ra sự đảo chiều cho VN30 và VN-Index trong phiên chiều nay.
Vận động của các Bluechips, đặc biệt là MWG chưa thể xác nhận xu hướng thị trường và có phần chịu ảnh hưởng của dòng tiền lớn.
Tuy nhiên, với độ rộng 54% mã tăng giá trên toàn HOSE, các cổ phiếu vẫn cho thấy sự sẵn sàng cho kịch bản tích cực.
Các mã TCH (+2,33%), HAH (+3,62%), PVT (+2,72%), BMP (+4,64%) tạo ra sự chú ý khá lớn bởi trước đó trạng thái kỹ thuật của nhóm này vẫn duy trì sự tích lũy tích cực.
Nếu thị trường có thể bắt đầu một nhịp tăng sau kỳ đáo hạn phái sinh, đây hoàn toàn có thể là những tín hiệu sớm được thị trường phát đi.
Chốt phiên, VN-Index tăng 4,46 điểm lên 1.100,76 điểm (+0,41%). Tổng giá trị giao dịch của HOSE đạt 13.276 tỷ đồng, tương đương 598 triệu đơn vị.
2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index tăng lần lượt 0,39% và 0,46%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt chỉ hơn 1.600 tỷ đồng.
Theo Mai Hương/thitruongtaichinhtiente.vn