Chợ phiên hơn 200 năm tuổi, chỉ họp duy nhất vào mồng 1 Tết
Chợ Trường Úc (hay còn gọi là chợ Gò) thuộc thị trấn Tuy Phước (Bình Định) chỉ nhóm họp duy nhất vào ngày mồng 1 Tết âm lịch; được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xếp vào hạng '100 phiên chợ độc đáo nhất Việt Nam'.
Du khách đến chợ không bon chen lời lãi mà chỉ cầu được năm an bình, được dự không khí lễ hội đầy bản sắc.
Khởi nguồn từ binh lửa
Chợ được nhóm họp từ mờ sáng, đến gần trưa trên một gò đất cao dưới chân núi Hàm Long bên bờ sông Hà Thành đổ ra đầm Thị Nại, vì vậy mà gọi là chợ Gò. Nói đến chợ Gò, hầu như người dân Bình Định nào cũng biết nhưng khi hỏi về ngày lập chợ thì chẳng ai hay.
Các bậc cao niên truyền rằng năm 1799 dưới thời Cảnh Thịnh, Nguyễn Ánh đưa binh lính tấn công Quy Nhơn, đe dọa trực tiếp đến thành Hoàng Đế, nơi Nguyễn Nhạc lên ngôi xưng vương. Đầu năm 1800, hai dũng tướng của Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng được lệnh mang 3 vạn quân vào Quy Nhơn nghênh chiến. Sông Hà Thanh, đoạn gần Trường Úc dẫn ra đầm Thị Nại, được các tướng lĩnh Tây Sơn chọn đặt tổng hành dinh. Bên núi, bên sông, khúc giữa là một gò đất khá rộng và bằng phẳng.
Ngoài số ít binh lính là người địa phương, phần lớn quân của Tây Sơn là người Đàng Ngoài. Chính vì vậy, để binh lính khuây khỏa nỗi nhớ nhà trong dịp Tết và xoa dịu những mất mát khổ nhọc của dân bản địa, các tướng Tây Sơn tổ chức nhiều trò chơi dân gian cho binh lính giải trí ngay trên bãi thao trường trên gò đất Trường Úc vào sáng mồng 1 Tết. Người dân quanh vùng thấy thế cũng ồ ạt kéo đến góp vui với quân lính đủ các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Bình Định là cái nôi của đất võ, tuồng, bài chòi nên buổi "giao lưu" càng xôm tụ, đủ làm ấm lòng quân sĩ ngày Tết, quên đi nỗi nhớ nhà.
Sau trận thư hùng trên đầm Thị Nại vào đầu năm 1801, quân sĩ hai bên rút đi, nhưng chợ Gò vẫn tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay. Sự tồn tại của chợ Gò cũng như là cách người dân đất võ tưởng nhớ về nhà Tây Sơn.
Đến nơi cầu an may
Cứ tờ mờ sáng mồng 1 Tết, người từ khắp nơi lại kéo đến chợ Gò, dù chẳng có hàng hóa cao cấp, sản vật đắt tiền nhưng tiếng người mua, người bán vẫn râm ran phiên chợ. Hàng hóa ở đây chủ yếu là "cây nhà lá vườn" của cư dân quanh vùng. Tuy nhiên, một thứ không thể thiếu là thếp trầu xanh, những quả cau với bình vôi chờ sẵn. Những cô gái mua trầu cau về cúng ông bà cũng như là mua cái duyên lành đầu năm. Còn khi đã thắm duyên tình, trở thành chủ gia đình lại tiếp tục: “Đầu xuân đón lộc cầu duyên/ Trầu cau em gánh đi phiên chợ Gò”.
Cùng với trầu cau là những quả đu đủ, những chùm sung, những bó rau xanh… Nhưng điều đặc biệt ở phiên chợ này là người bán không hề nói thách và người mua cũng không hề mặc cả. Người bán nhỏ nhẹ, khoan thai, người mua từ tốn xởi lởi, cứ như cả hai đang trao và nhận những điều tốt đẹp nhất đầu năm, không một lời qua tiếng lại ì xèo như những phiên chợ khác.
Nhiều người dắt con trẻ để biết thêm về Tết truyền thống của quê hương, được thích thú trước gian hàng tò he sặc sỡ, những hàng hình thú xếp giấy, hàng trống rung, hàng đồ chơi các con vật đất nung… Những người đến chợ còn được thưởng thức những món quà vặt dân gian cho con trẻ như kẹo bột, kẹo cà, kẹo chỉ, kẹo đường bông xù…
Những khách trung niên đến với chợ Gò còn để gặp nhau, hỏi thăm sức khỏe, công việc làm ăn và lai rai với nhau các món ăn đặc sản địa phương, như nem Chợ Huyện, chim mía ở Lộc Lễ, rượu nếp Trường Úc...
Những năm gần đây, chợ Gò còn phục hồi hội đánh bài chòi, thu hút đông khách chơi, người xem hội nêm kín vòng trong vòng ngoài. Giữa các ván bài là những tiết mục “bài chòi kể”, “bài chòi chiếu” quyến rũ, mời gọi khách tụ về. Cùng với đó là các hội múa lân, biểu diễn võ thuật,… làm không khí chợ xuân thêm náo nức, mang tài lộc cho du khách với năm mới đầy tốt lành.
Cứ vậy, khởi nguồn từ binh lửa nhưng lại mang đến lộc tài, chợ Gò mang ý nghĩa nhân văn thật sâu sắc.