Cho thuê, mượn tài khoản ngân hàng sẽ bị xử lý như thế nào?

Ông Nguyễn Tiến Anh (trú tại thị trấn Rừng Thông, Đông Sơn, Thanh Hóa) hỏi, con trai ông lập tài khoản ngân hàng nhưng chưa có nhu cầu sử dụng nên đã cho người khác thuê với mức giá 800 nghìn đồng/tháng để kiếm thêm thu nhập. Hiện nay, người thuê lại tài khoản này đã bị bắt vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vậy con trai ông có liên quan gì không và pháp luật quy định thế nào về việc cho thuê, mượn tài khoản ngân hàng?

Tội phạm lừa đảo trên không gian mạng có nhiều chiêu trò tinh vi

Tội phạm lừa đảo trên không gian mạng có nhiều chiêu trò tinh vi

Luật sư Nguyễn Anh Đức (Giám đốc Công ty Luật Năm Châu) cho biết: Pháp luật nghiêm cấm việc mở tài khoản ngân hàng sau đó cho người khác thuê, mượn.

Cụ thể, theo quy định tại điểm h, khoản 2, điều 5 Thông tư số 23 năm 2014 (được sửa đổi bổ sung năm 2029, 2020) của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về việc mở tài khoản thanh toán thì chủ tài khoản thanh toán sẽ không được cho thuê cho mượn tài khoản thanh toán của mình.

Trong trường hợp, kể cả người thuê, mượn tài khoản không sử dụng vào việc phạm pháp thì người cho thuê, cho mượn cũng vẫn có thể bị xử phạt theo quy định tại khoản 5, khoản 6, Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP năm 2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng (đã được sửa đổi, bổ sung).

Tại Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định: phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với hành vi: thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 1 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phạt tiền từ 50 - 100 triệu đồng đối với hành vi: thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chủ tài khoản phải chịu trách nhiệm trước các giao dịch dân sự mà mình xác lập và chịu trách nhiệm làm việc với cơ quan có thẩm quyền khi phát sinh hành vi vi phạm pháp luật hoặc khi cơ quan Nhà nước yêu cầu. Do đó, nếu chủ tài khoản cho người khác sử dụng tài khoản của mình để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Bộ Luật hình sự hiện hành quy định: Đồng phạm là có từ hai người trở lên cố ý thực hiện một hành vi phạm tội. Nếu người cho thuê, cho mượn biết được người thuê, mượn tài khoản sử dụng vào việc vi phạm pháp luật mà vẫn cố tình cho thuê, cho mượn thì sẽ là hành vi đồng phạm. Trong trường hợp thực sự không biết về mục đích thuê, mượn tài khoản của mình để thực hiện hành vi phạm tội thì không phải đồng phạm.

“Chiểu theo quy định của pháp luật và tình huống cụ thể ông Tiến Anh đang hỏi, thì phải chứng minh được rằng bản thân con ông không biết người thuê tài khoản để sử dụng vào mục đích phạm pháp và hoàn toàn không liên quan tới việc làm sai trái của người thuê tài khoản. Trường hợp cơ quan điều tra xác định con ông vô can trong vụ án thì sẽ bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo mức độ đã phân tích ở trên”, Luật sư Đức phân tích.

Thanh Phương

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/cho-thue-muon-tai-khoan-ngan-hang-se-bi-xu-ly-nhu-the-nao-419333.html