Cho thuê vỉa hè vẫn cần không gian cho người đi bộ

Theo các chuyên gia, khi triển khai việc cho thuê và thu phí vỉa hè cần minh bạch, đồng thời đảm bảo không gian cần thiết cho người đi bộ.

Phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm có vỉa hè đảm bảo bề rộng tối thiểu khoảng 1,5m dành cho người đi bộ.

Phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm có vỉa hè đảm bảo bề rộng tối thiểu khoảng 1,5m dành cho người đi bộ.

Người dân mong chờ triển khai

Mới đây, Sở Xây dựng TP Hà Nội cho biết, đang phối hợp với 16 quận, huyện khảo sát, nghiên cứu để cho thuê vỉa hè ở 123 tuyến phố với mức giá từ 20 – 40.000 đồng/m2/tháng. Biết được thông tin này, bà Phạm Thị Mơ, buôn bán tại vỉa hè ở hàng Trống, quận Hoàn Kiếm cảm thấy phấn khởi và bày tỏ ủng hộ. “Nếu thành phố cho thuê, tôi nghĩ mọi người đều ủng hộ. Việc kinh doanh hợp pháp sẽ giúp người dân yên tâm buôn bán hơn so với việc tự phát. Tôi sẵn sàng đóng tiền để có vị trí buôn bán đàng hoàng, không còn phải nơm nớp lo bị lực lượng trật tự phường đuổi nữa”, bà Mơ cho biết.

Ghi nhận tại quận Hoàn Kiếm, mới có 4 vị trí được cho thuê thí điểm gồm: 94 Lý Thường Kiệt, 30 Lý Thường Kiệt, 11 Lê Phụng Hiểu và 15 Ngô Quyền. Tại những vỉa hè cho thuê chủ yếu bán cà phê, giải khát, đồ ăn nhanh... và ngay sát khách sạn lớn. Tại khu vực 94 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, vỉa hè ngăn nắp, sạch đẹp, đảm bảo mỹ quan đô thị. Một người quản lý tại đây cho biết, do vỉa hè rộng rãi nên đặt bàn ghế cho khách ngồi uống cà phê không ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

Ông Vũ Hoài Nam, Phó trưởng phòng Quản lý Đô thị quận Hoàn Kiếm cho biết, Sở Xây dựng Hà Nội đã khảo sát khoảng 40 tuyến phố trên địa bàn quận. Đây là những tuyến bước đầu đáp ứng được các tiêu chí mà Sở Xây dựng đưa ra tại đề án, trong đó tiêu chí diện tích là tiên quyết. Theo đó, cần dành tối thiểu 1,5m cho người đi bộ và người khuyết tật ở các tuyến phố dùng vỉa hè để cho thuê kinh doanh.

Theo ông Vũ Hoài Nam, từ việc thí điểm cho thuê vỉa hè ở 4 điểm đã đem lại một số bài học kinh nghiệm. Cụ thể, phải đảm bảo chiều rộng của hè phố nhằm đáp ứng nhu cầu đi bộ của người dân; chọn vị trí phù hợp với cảnh quan, không phải vị trí nào đủ điều kiện về diện tích cũng cho thuê. Đồng thời, cần có quy chuẩn, như được phép kê bàn ghế thế nào, dựng ô che, mái che ra sao; ưu tiên cho chính những cá nhân, tổ chức có nhà ở sau vỉa hè thuê… Ngoài 4 địa điểm trên, 4 quận nội thành là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng được UBND TP Hà Nội giao rà soát, đề xuất các tuyến phố có đủ điều kiện để thí điểm cho thuê vỉa hè. Các quận sau đó đã lên kế hoạch triển khai hàng trăm vị trí cho thuê từ cuối năm 2023.

Tại phố Bát Đàn, quận Hoàn Kiếm, lòng đường nhỏ hẹp, vỉa hè dành cho hàng quán, người đi bộ thì phải xuống lòng đường.

Tại phố Bát Đàn, quận Hoàn Kiếm, lòng đường nhỏ hẹp, vỉa hè dành cho hàng quán, người đi bộ thì phải xuống lòng đường.

Đảm bảo không gian cho người đi bộ

Phó giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội Nguyễn Thế Công cho biết, mục đích của đề án lần này nhằm quản lý lòng đường, vỉa hè có trật tự, không đơn thuần chỉ là quản lý để kinh doanh. “Hiện nay, nhiều vỉa hè trên các tuyến phố người dân đã lấn chiếm, kinh doanh tự do rồi, nhưng không được quản lý. Bây giờ lập đề án để quản lý bài bản, trật tự hơn, nếu thu phí được thì càng tốt. Chỗ nào được để xe, chỗ nào được kinh doanh. Nơi kinh doanh này phải đảm bảo tuân thủ mô hình được duyệt, các vị trí vỉa hè đều được đấu thầu, sắp tới tại quận Hoàn Kiếm sẽ có đơn vị hỗ trợ lắp camera để quản lý, nếu cá nhân, tổ chức thuê ra khỏi phạm vi vỉa hè được kinh doanh là sẽ bị "tuýt còi" nga ” - ông Nguyễn Thế Công cho biết.

Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công cũng cho hay, sắp tới sẽ tổ chức hội thảo để lắng nghe những ý kiến của chuyên gia và tham luận của quận Hoàn Kiếm (nơi đã tổ chức thí điểm cho thuê vỉa hè) về nội dung này. Trong tham luận của quận Hoàn Kiếm sẽ có báo cáo tổng kết, bài học kinh nghiệm về quá trình thực hiện cho thuê một số vỉa hè trong thời gian qua.

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật), đặc thù vỉa hè tại những đô thị lớn, nhất là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từ trước đến nay là nơi kinh doanh, mưu sinh của nhiều người dân. Chính vì thế, phương án cho phép sử dụng vỉa hè để kinh doanh theo hình thức thu phí cần được nghiên cứu để sớm triển khai.

Một cửa hàng kinh doanh đồ chơi trên phố Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm bày sản phẩm kín vỉa hè. Ảnh: Thanh Tuấn

Một cửa hàng kinh doanh đồ chơi trên phố Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm bày sản phẩm kín vỉa hè. Ảnh: Thanh Tuấn

TS - KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, câu chuyện này đã được cơ quan chức năng bàn luận từ lâu nhưng gặp khó khăn trong việc phân loại. Bởi lẽ, vỉa hè ở Hà Nội, đặc biệt là khu vực nội đô được xây dựng khác nhau về thời điểm và quy mô. Do đó, việc phân loại vỉa hè không nên chỉ bám vào tiêu chí bề rộng mà còn tính toán đến yếu tố truyền thống của từng tuyến phố, từng kiến trúc công trình nhà ở liền kề.

Theo PGS.TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, việc cho thuê vỉa hè là cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch của Thủ đô. Tuy nhiên, để tránh những xung đột, hệ lụy đáng tiếc có thể xảy ra, các đơn vị chức năng cần phân cấp cho chính quyền cấp phường, xã tiến hành xác định đối tượng được phép thuê vỉa hè. Bởi, hơn ai hết, những cán bộ cơ sở mới là người nắm được địa bàn, hoàn cảnh của từng cá nhân… PGS.TS Bùi Thị An cũng cho rằng, để đề án đem lại hiệu quả bền vững, các đơn vị chức năng cần thường xuyên đánh giá theo những mốc thời gian nhất định để người dân, các tổ chức nắm được và có biện pháp xử lý kịp thời đối với những trường hợp cố tình vi phạm. “Các đơn vị chức năng cần xây dựng quy chế, biện pháp xử lý đối với những trường hợp tái vi vi phạm” - PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.

Sở Xây dựng Hà Nội vừa hoàn thành dự thảo lần 3 đối với đề án quản lý, khai thác, sử dụng lòng đường, hè phố trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, Sở Xây dựng phối hợp với các địa phương tiến hành khảo sát, điều tra xã hội học, đánh giá thực trạng quản lý, sử dụng vỉa hè tại 123 tuyến đường, phố do UBND 16 quận, huyện đề xuất. Các tuyến phố dự kiến cho thuê vỉa hè thuộc 11 quận (Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Long Biên) và 5 huyện (Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng).

Triệu Tâm

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/cho-thue-via-he-van-can-khong-gian-cho-nguoi-di-bo-404303.html