Cho trẻ có thời gian vui chơi

Là nhân viên bán hàng văn phòng phẩm gần trường, nên hàng ngày tôi thường bắt gặp nhiều hình ảnh đáng thương của học sinh. Một cậu bé ngồi trên xe ba, vì còn buồn ngủ nên mắt vẫn nhắm nghiền, miệng thì ngáp vắn ngáp dài. Một cô bé ngồi sau xe mẹ, miệng gặm ổ bánh mì khô khốc trông rất uể oải. Lại có nhiều trường hợp học sinh một tay vịn yên xe, một tay cầm vở ôn bài, đọc sách báo. Đó là chưa nói các em đến trường với cái bụng đói meo vì không kịp ăn sáng (sợ đến muộn là trễ học) nên chỉ uống nước cầm hơi cho đến giờ ra chơi... Nhiều lần tôi tự hỏi, trẻ con hay là cỗ máy dồi dào năng lượng mà bắt chúng phải hoạt động không ngơi nghỉ như thế?

Cần cho trẻ có thời gian thư giãn sau những giờ học căng thẳng. Ảnh minh họa: HUỲNH NHƯ

Cần cho trẻ có thời gian thư giãn sau những giờ học căng thẳng. Ảnh minh họa: HUỲNH NHƯ

Sự học bây giờ quá nhiều, hầu như chiếm hết thời gian vui chơi của con trẻ. Nếu như ngày trước đa phần chỉ học một buổi thì bây giờ, chỉ cấp I thôi đã học cả ngày. Những buổi tối quây quần bên gia đình ấm cúng, thay vì được trò chuyện cùng ba mẹ, ông bà thì trẻ buộc phải chuẩn bị bài cho buổi học ngày mai (hoặc học thêm đến khuya mới về nhà). Ngày cuối tuần, trẻ còn phải đi học ngoại khóa, học thêm ngoại ngữ, học năng khiếu... Cái vòng tuần hoàn lẩn quẩn ấy khiến trẻ không còn những giây phút thư giãn cho riêng mình - trong khi đó là điều hiển nhiên đối với trẻ thơ.

Chương trình học quá nặng là một phần, phần còn lại là do ở phụ huynh. Con cái đã học cả tuần rồi, rất đuối. Thay vì Chủ Nhật cho con nghỉ ngơi, gặp mặt bạn bè, chơi game giải trí, đi siêu thị, nhà sách, công viên (hoặc dã ngoại cùng gia đình) thì lại bắt con phải học. Chung quy cũng vì phụ huynh muốn trẻ phải bằng hoặc hơn bạn bè chứ không được thua sút. Mà con trẻ nào có ganh đua, đố kỵ, chẳng qua là cái tôi giữa phụ huynh với phụ huynh quá cao. "Con người ta học tiếng Anh quá giỏi, không lẽ con mình lại thua kém, phải đăng ký cho con học thôi". Với suy nghĩ ích kỷ đó đã vô tình biến trẻ thành "gà công nghiệp", học chẳng có sự ham thích, chẳng có ước mơ, lý tưởng. Lắm người còn có triết lý vĩ mô rằng còn trẻ thì phải lo học, vùi đầu vào học chứ chơi làm gì cho vô bổ, lãng phí. Nhưng họ không nghĩ đến hậu quả của những đứa trẻ học quá hóa ngây và còn nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tâm lý mà khoa học đã chứng minh rất rõ ràng.

Trẻ không thể kịp dùng một bữa sáng, không đủ thời giờ để học bài, thiếu không gian để đọc một quyển truyện tranh (hoặc sách). Mong rằng phụ huynh ở ta cũng cần thay đổi phong cách học cho con trẻ sống vui khỏe. Nên đặt bản thân mình vào hoàn cảnh của con (rõ ràng ai cũng trải qua tuổi thơ) để có cái nhìn công bằng đối với trẻ. Ai chẳng muốn con mình học giỏi, có nhiều thành tích và thành tài trong tương lai. Nhưng phải cho trẻ có thời gian thư giãn sau những giờ học căng thẳng như là cách nạp năng lượng để dự trữ cho những hoạt động vào ngày hôm sau.

TRẦN THÁI HỌC

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/xa-hoi/cho-tre-co-thoi-gian-vui-choi-61035.html