Chở trẻ em trên thùng xe bán tải là chủ quan trước hiểm họa
Thùng xe bán tải chỉ dùng để chở hàng, nhưng gần đây một số tài xế vẫn vô tư cho trẻ em ngồi trên thùng xe, lưu thông trên đường. Hành động này bị nhiều người chỉ trích vì xem thường tính mạng trẻ em, đồng thời cảnh báo các rủi ro về tai nạn.
Vô tư vi phạm Luật giao thông
Vừa qua, lực lượng chức năng TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với nữ tài xế điều khiển xe bán tải chở 3 trẻ nhỏ ngồi trên thùng xe, lưu thông trên đường.
Trước đó, từ video đăng tải trên mạng xã hội ngày 23/8 ghi lại cảnh xe bán tải BKS 14C - 318.89 di chuyển trên đường Hạ Long chở 3 trẻ nhỏ ngồi trong thùng xe. Thậm chí, các em còn thò tay ra ngoài, gần sát nút khóa mở thùng.
Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an TP Hạ Long đã vào cuộc xác minh sự việc, xác định chị N.T.N (SN 1993, trú phường Hà Khẩu, TP Hạ Long) là người điều khiển xe bán tải này. Với lỗi vi phạm chở người trên thùng chở hàng, tài xế N.T.N đã bị xử phạt 900 nghìn đồng và tước giấy phép lái xe 2 tháng.
Trước đó, cũng qua phản ánh của người đi đường, khoảng 7h ngày 30/5, tài xế V.V.Q. (SN 1985, trú tại huyện Thạch Thất, Hà Nội) điều khiển xe bán tải BKS 29H - 141.xx chở gia đình trong đó có 3 trẻ em từ nhà đi Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) để du lịch.
Khi xe di chuyển đến trước cửa siêu thị Big C - Hà Nội, anh Q. dừng xe cho các cháu nhỏ uống nước, sau đó 1 cháu xin ngồi ở thùng xe. Anh Q. đồng ý rồi tiếp tục lưu thông trên đường vành đai 3 Hà Nội xuống cao tốc Pháp Vân - Cao Bồ - Mai Sơn - QL45. Khi đi đến nút giao Đông Xuân (cao tốc Mai Sơn - QL45), CSGT ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra và xử lý hành vi vi phạm.
Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3 đã xử phạt tài xế với lỗi chở người trên thùng chở hàng. Tài xế bị xử phạt tiền và tước giấy phép lái xe 2 tháng.
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Phạm Thanh Hải – Văn phòng luật sư Hải Thanh cho biết, Điều 21 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: xe bán tải vẫn có thể chở người trên thùng nhưng chỉ trong một số trường hợp nhất định như:
Chở người đi làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai hoặc thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp; Chở cán bộ, chiến sĩ của lực lượng vũ trang nhân dân đi làm nhiệm vụ; Chở người bị nạn đi cấp cứu; Chở công nhân duy tu, bảo dưỡng đường bộ; Chở người đi thực hành lái xe trên xe tập lái; Chở người diễu hành theo đoàn; Giải tỏa người ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc trong trường hợp khẩn cấp khác theo quy định của pháp luật.
Xe ô tô chở người trong các trường hợp này phải có thùng cố định, bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông. Ngoài các trường hợp này, nếu tài xế cố tình chở người trên thùng xe bán tải sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 24 Nghị định 100/2019/NĐ-CP trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt.
Cụ thể, người điều khiển ô tô tải, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa sẽ bị phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng nếu có hành vi “chở người trên thùng xe trái quy định; để người ngồi trên mui xe, đu bám bên ngoài xe khi xe đang chạy”. Cùng với đó, tài xế còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.
“Hành vi chở người trên thùng xe chở hàng đã vi phạm Luật giao thông đường bộ, gây nguy hiểm cho người ngồi sau thùng xe. Việc lực lượng chức năng phát hiện và xử phạt nghiêm những hành vi này là kịp thời ngăn chặn những rủi ro không đáng có, đồng thời là bài học răn đe cho người khác” - luật sư Phạm Thanh Hải nói.
Ưu tiên sự an toàn
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định, việc để người đặc biệt là trẻ em trên thùng xe rất nguy hiểm, do vị trí này không có sự bảo vệ từ các hệ thống an toàn như dây đai hoặc túi khí, nguy cơ dẫn đến chấn thương rất cao.
Dẫn chứng về những mối nguy hiểm, chuyên gia Nguyễn Mạnh Thắng cho biết, chương trình an toàn giao thông đường bộ của Thống đốc bang North Carolina (Mỹ) từng đăng một đoạn video cho thấy sự nguy hiểm của việc ngồi trên thùng xe bán tải.
Khoảnh khắc chiếc sedan đâm vào thùng sau xe bán tải trong cuộc thử nghiệm khiến các hình hình nộm ngồi sau thùng xe bị hất văng ra nhiều hướng, cabin xe bẹp dúm khiến nhiều người xem rùng mình.
Từ hình ảnh trên đã cho thấy, trong trường hợp xe bị lật hoặc va chạm mạnh, người ngồi sau có thể bị thương nặng do va chạm với các vật dụng trong thùng xe hoặc bị văng ra ngoài. Những tình huống này có thể dẫn đến chấn thương nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe và thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Bên cạnh đó, các chuyên gia còn cảnh báo, ngoài những nguy hiểm khi xảy ra tai nạn, việc ngồi ở thùng sau xe bán tải còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe như các vấn đề về cột sống, xương khớp.
Hành vi chở người ngồi trên thùng sau của xe bán tải không chỉ nguy hiểm mà còn vi phạm nghiêm trọng Luật Giao thông đường bộ. Do đó, việc chấp hành đúng quy định về chở người trên xe bán tải không chỉ giúp tránh bị phạt mà còn đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người trên xe.
Bên cạnh đó, Luật trật tự ATGT đường bộ 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 cũng bổ sung quy định, người lái xe và người được chở trên xe ô tô phải thắt dây đai an toàn tại những chỗ có trang bị dây đai an toàn khi tham gia giao thông đường bộ.
Từ 1/1/2026, khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét trên xe ô tô không được cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế. Người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em.
Như vây, để việc lưu thông an toàn trên đường, vấn đề về nhận thức của người điều khiển phương tiện là rất quan trọng. Lực lượng chức năng khuyến cáo, dù là di chuyển quãng đường ngắn hay dài, việc tuân thủ các quy định về an toàn khi tham gia giao thông là vô cùng cần thiết để bảo vệ tính mạng và sức khỏe cho tất cả mọi người.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cho-tre-em-tren-thung-xe-ban-tai-la-chu-quan-truoc-hiem-hoa.html