Cho 'tròn' chữ… hiếu

Chữ Hiếu đã tồn tại trong văn hóa Á Đông từ ngàn đời nay. Nhưng để định nghĩa sát chữ hiếu thì lại tùy thuộc vào văn hóa, tôn giáo, điều kiện lịch sử.

Nhiều ý kiến cho rằng, chữ hiếu xưa và nay tuy có sự khác biệt khá lớn do quá trình vận động về nhân sinh quan, phát triển về đời sống vật chất…

Người mẹ là niềm cảm hứng vô tận trong sáng tác nghệ thuật (ảnh minh họa)

Người mẹ là niềm cảm hứng vô tận trong sáng tác nghệ thuật (ảnh minh họa)

Hiếu là một khái niệm được hiểu khá rộng từ phạm vi gia đình đến xã hội quốc gia. Theo định nghĩa từ các từ điển, hiếu có nghĩa là hết lòng thờ cha mẹ. Hiếu là đạo lý phụng thờ cha mẹ, là lễ nghi cư tang. Hiếu là lòng kính yêu và biết ơn cha mẹ. Dựa vào thái độ và hành vi, hiếu được hiểu qua các khía cạnh khác nhau như hiếu kính, hiếu thuận, hiếu dưỡng, hiếu nghĩa, hiếu hạnh, hiếu tâm…và cuối cùng là đạo hiếu. Nói một cách tổng quát, đối với người Việt Nam, hiếu được biểu hiện qua hành động như kính yêu cha mẹ, chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ, thăm viếng, vâng lời cha mẹ…và thờ cúng tổ tiên.

Tục ngữ Trung Quốc có câu “Bách thiện hiếu vi tiên” tức là tất cả mọi điều thiện đều bắt đầu từ chữ hiếu. Bởi vì đây là thứ tình cảm sâu sắc nhất của nhân sinh, không ai có thể thiếu được.

Trong Luận Ngữ có câu "Quân tử vụ bản, bản lập nhi đạo sinh, hiếu đễ dã giả kì vi nhân chi bản dư." Có nghĩa rằng người quân tử khi chuyên chú vào cái gốc (tức hiếu đễ), cái gốc được dựng thì đạo mới sinh, hiếu đễ phải chăng là cái gốc của đức nhân.

Theo quan niệm này, người nào lấy chữ hiếu làm gốc thì sẽ sinh ra đạo, đạo ở đây chính là đạo đức của con người. Hiếu được xem là nền tảng của đạo đức. Trong gia đình, hiếu được thể hiện qua các hành vi ứng xử đạo đức của con cái đối với cha mẹ, ông bà. Đối với gia tộc, hiếu biểu hiện qua việc con cháu quy tụ về để tưởng nhớ ông bà tổ tiên nhân ngày giỗ hay lễ lớn của gia tộc. Ngoài phạm vi gia đình và dòng họ, hiếu được luật hóa thành các chuẩn mực đạo đức trong xã hội. Hiếu trở thành một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá nhân cách con người cũng như địa vị trong xã hội.

Nhắc đến người mẹ, chúng ta thường nghĩ đến sự lam lũ, chịu thương, chịu khó (ảnh minh họa)

Nhắc đến người mẹ, chúng ta thường nghĩ đến sự lam lũ, chịu thương, chịu khó (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, trong cuộc sống hàng ngày, chữ hiếu được hiểu rộng hơn, trở thành một chuẩn mực, khởi nguồn cho chuẩn mực đạo đức, ứng xử xã hội. Khi một người nào đó làm một việc gì đó sai trái, chưa xét đến góc độ pháp luật, chúng ta thường nghe câu cửa miệng là “kẻ bất hiếu” tức không có hiếu. Vậy khi nào thì thành “kẻ bất hiếu” lại là một phạm trù, quan niệm rộng hơn.

Chỉ đơn cử, theo quan niệm của đạo Nho, chữ hiếu, ngoài việc hiếu thảo với cha mẹ, còn bao gồm việc không được chỉnh sửa hình thể. Hiếu kinh ghi rằng: Thân thể bao gồm hình hài, tóc tai, da thịt…là do cha mẹ sinh ra nên không được gây hư hại. Nếu theo quy định này thì việc cạo bỏ râu tóc, chỉnh sửa thẩm mỹ, phẫu thuật chỉnh hình… là những “kẻ không có hiếu”.

Hay như quan niệm Á Đông, hiếu là phải nghe lời, làm theo cha mẹ. Nếu làm ngược lại, tức là “bất hiếu”. Tuy nhiên hiện nay, xã hội phát triển, nhận thức về nhân sinh quan, thế giới quan có những sự thay đổi nên quan niệm chữ hiếu cũng đã “thoáng” hơn ngày xưa. Vì thế mới có câu, bây giờ không phải thời đại “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy” mà các bậc làm cha, làm mẹ cũng tôn trọng quyết định của con cái, không áp đặt nhiều nếu như vấn đề đó mình không có nhiều hiểu biết.

Một khoảnh khắc đẹp về hình ảnh người mẹ địu con ở vùng cao (ảnh tư liệu)

Một khoảnh khắc đẹp về hình ảnh người mẹ địu con ở vùng cao (ảnh tư liệu)

Hay đơn giản hơn, giới trẻ ngày nay, khi hỏi về chữ hiếu, đơn giản họ trả lời là không làm những việc để cha mẹ buồn phiền mà phải thường xuyên hỏi han, thăm nom cha mẹ.

Cũng có những người quan niệm, chữ hiếu là ở trong tâm, không phải chỉ một vài lần về thăm, mua tặng một cái gì đó cho cha mẹ đã là có hiếu. Để rồi, khi liên quan đến quyền lợi cá nhân lại sinh ra lòng tham tranh giành, thậm chí kiện tụng, gây sự, làm cha mẹ phiền lòng.

Ông cha ta đã có câu “Một lòng thờ mẹ, kính cha; Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con”. Vậy như thế nào là “tròn” chữ hiếu. Tròn ở đây là tròn vẹn theo đúng nghĩa. Không hình thức, giả nhân, giả nghĩa mà phải thực hiện chữ hiếu với mẹ bằng đúng cái tâm, đúng với đạo đức, chuẩn mực xã hội.

Bởi không một người mẹ nào đòi hỏi ở con cái những điều lớn lao, quá sức hay thiên nặng vật chất. Thậm chí, dù con cái có lớn, có trưởng thành đến mấy, người mẹ vẫn luôn lo lắng, chăm bẵm vỗ về. Vì thế, người đời mới có câu “nước mắt chảy xuôi, mấy khi chảy ngược” để nói về tình cảm, sự lo lắng của người mẹ đối với con. Những người con, khi còn nhỏ thì chưa hiểu sự đời. Đến lúc trưởng thành, lại lo toan, vun vén cho công việc, gia đình, các thú vui cá nhân mà nhiều lúc không còn thời gian để lo lắng, chăm nom cho mẹ. Điều này càng thấy rõ ở xã hội hiện đại.

Ngày nay, do yêu cầu công việc, mưu sinh, rất nhiều người mẹ con cái đông đúc nhưng vẫn phải “thui thủi một mình” vì các con đi làm ăn xa. Cái cảnh những ngôi làng toàn người già và trẻ nhỏ ở khu vực nông thôn hiện nay là không hiếm. Vậy nhưng, đối với những người mẹ, âu đó cũng vì cuộc sống, vì tương lai con cháu. Chữ hiếu đối với người mẹ ở đây là các con đừng làm những việc phi pháp, trái với luân thường đạo lý; các con biết chăm lo cho gia đình, góp sức cho xã hội, đất nước, vậy là đã tròn chữ hiếu lắm rồi.

Cuộc sống với bộn bề lo toan, cám dỗ. Nhưng tin chắc, trong sự bận rộn lo toan đó, cũng có những lúc, chúng ta sống chậm hơn để dành thời gian nghĩ về người mẹ, người cha. Chữ hiếu dù ở thời đại nào thì nó vẫn nguyên giá trị cả về tính nhân văn và chuẩn mực xã hội. Nếu chúng ta như những cánh diều thì chữ hiếu chính là sợi dây níu giữ chúng ta với những giá trị “chân thiện mỹ”. Xét ở góc độ xã hội, nhiều ý kiến cho rằng, chữ hiếu là cơ sở xác định giá trị của mỗi người. Chữ hiếu càng “tròn”, giá trị, vị thế con người đó trong xã hội càng lớn. Hãy “nuôi dưỡng” chữ hiếu như là khởi nguồn cho mọi chuẩn mực trong cuộc sống.

Đức Diệu

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/cho-tron-chu-hieu-148367.html