Chợ truyền thống cần chuyển mình để cạnh tranh chợ online
Nhiều người tiêu dùng Hà Nội ngày có nhiều thói quen mua sắm online hơn là ra các chợ truyền thống. Thậm chí các doanh nghiệp nước ngoài cũng đã đưa hàng hóa phân phối trực tiếp tới tay người tiêu dùng Việt Nam qua kênh thương mại điện tử, khiến các tiểu thương bán buôn ở trong nước rơi vào tình cảnh ế ẩm, nhiều cửa hàng trên các con phố kinh doanh sầm uất đóng cửa...
Các nước phát triển thương mại điện tử vẫn cần chợ truyền thống
Do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế và hậu quả cảu bệnh dịch kéo dài tác động đến kinh doanh truyền thống và kinh doanh online lên ngôi. Thậm chí có nhiều nhà cung ứng hàng từ Trung Quốc cũng mở các kênh bán lẻ online ngay biên giới, ship hàng từ Lạng Sơn, Móng Cái về Hà Nội qua chợ điện tử, mạng xã hội. Từ đó đến nay các chợ đầu mối như Đồng Xuân, Ninh Hiệp… (Hà Nội) các tiểu thương ở đây rất bi đát, hàng hóa ế ẩm.
Mặc dù đang lấn át chợ truyền thống, thương mại điện tử sẽ không lấy mất “phần bánh” của bán lẻ truyền thống, mà sẽ là điểm cộng thêm cho nhà bán lẻ biết nắm bắt.
Theo ông Trần Văn Trọng, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam chia sẻ: Ngay cả ở Mỹ, chúng ta vẫn thấy còn các cửa hàng hay còn gọi là store cực kỳ lớn. Khi thương mại điện tử phát triển nhanh thì kéo theo thương mại truyền thống vượt lên, chứ không có sự cạnh tranh mà hai phía sẽ đồng hành cùng phát triển. Lợi thế lớn nhất của chợ truyền thống đó là khách hàng được trải nghiệm sản phẩm nhất là hàng bản địa, hàng truyền thống, hàng trong nước.
Thực tế, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, ngay bản thân kênh thương mại điện tử cũng cần phải chuyển mình mạnh mẽ. Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, kênh online cũng cần phải chuyển sang một giai đoạn mới phát triển bền vững hơn, bởi không phải cứ phát triển nhanh là được.
Chợ điện tử tăng trưởng xanh, thân thiện môi trường
Khi kênh mua sắm online vẫn tập trung thị phần khoảng 70% ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Mua hàng online tiện lợi nhưng cũng đi kèm lượng rác thải rất nhiều sau mỗi đơn hàng. Nếu không có giải pháp cho vấn đề này, đến lúc nào đó cả cộng đồng sẽ quay lưng lên án thương mại điện tử vì ảnh hưởng tới môi trường.
Ông Trọng cũng chia sẻ: Khẩu hiệu của thương mại điện tử là giao hàng nhanh trong 2 tiếng, nhưng giờ có khi đến lúc chậm lại để tính tới bài toán phát triển xanh. Người dùng có thể nhận hàng chậm hơn một chút để bao bì sản phẩm, vỏ bọc bên ngoài được chú trọng bằng các nguyên liệu bảo vệ môi trường, cũng như việc người dùng chấp nhận mất thêm phí để đảm bảo tăng trưởng xanh, phát triển thương mại điện tử bền vững.
Bên cạnh đó chăm sóc khách hàng thông qua các buổi livestream bán hàng cũng cần được đào tạo các kỹ năng và có sự liên kết cần thiết một cách bài bản . Đó là một trong những cách thức hiệu quả mà các chủ thể kinh doanh online làm tạo đột phá đầu ra cho sản phẩm, mặt hàng. Các clip ngắn để kể các câu chuyện truyền tải đến người tiêu dùng những câu chuyện về sản phẩm bản địa. Giúp khách hàng hiểu hơn sự vất vả của chủ thể sản phẩm, rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm và đồng cảm với những giá trị của sản phẩm. Đó là cơ hội để khoảng cách của người tạo ra sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng. Nhất là ở nhóm sản phẩm thực phẩm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các địa phương thông qua kênh online.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Phượng, Viện trưởng Viện Ứng dụng Khoa học công nghệ và đào tạo Mekong, lưu ý các chủ thể kinh doanh: Các chủ thể không chỉ sản xuất và bán hàng, mà họ cần được đào tạo chuyên sâu để nắm rõ cả quy trình vận đơn, đóng gói cho đến việc giải quyết cả phàn nàn của khách hàng. Cho nên, điều cần làm là thay đổi nhận thức về kinh doanh online từ cấp quản lý cho đến các doanh nghiệp cùng những chủ thể đang kinh doanh. Bởi lẽ, kỹ năng bán hàng online không phải ai cũng có, nên cần phải có sự liên kết, tức là phải tìm đến “kiềng ba chân”: nông dân, người nuôi trồng, sản xuất - doanh nghiệp chế biến - doanh nghiệp bán hàng.