Chợ truyền thống tại Nghệ An: Vẫn là kênh phân phối chủ đạo

Nhờ sự tiện lợi, hiện nhiều kênh bán lẻ hiện đại như: Siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM), cửa hàng tiện lợi... đã làm tăng áp lực cạnh tranh lên chợ truyền thống. Tuy nhiên, tại tỉnh Nghệ An, chợ truyền thống vẫn là kênh phân phối chủ đạo, với trên 75% lượng hàng hóa được phân phối qua đây.

Chiếm giữ lượng khách nhất định

Không nằm ngoài xu thế phát triển chung của xã hội hiện đại, Những năm gần đây, tại tỉnh Nghệ An xuất hiện khá nhiều TTTM, siêu thị hiện đại, cửa hàng tiện lợi và thu hút được lượng khách hàng khá lớn. Các nhà bán lẻ hiện đại đã đánh vào thị hiếu giới trẻ với nhiều chiêu thức bán hàng hấp dẫn, cộng thêm các điểm bán lẻ hiện đại thường gắn liền với khu vui chơi giải trí cho cả gia đình, phù hợp nhu cầu và thu hẹp phạm vi của các chợ truyền thống.

Chợ truyền thống vẫn là một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại

Chợ truyền thống vẫn là một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại

Thế nhưng, theo thống kê cho đến thời điểm hiện tại của Sở Công Thương Nghệ An cho thấy, toàn tỉnh hiện có 405 chợ truyền thống, phân phối khoảng trên75% lượng hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Con số này chứng tỏ, các kênh phân phối hiện đại chưa thể thay thế mô hình chợ truyền thống.

Lý giải về điều này, bà Trần Mỹ Hà- Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Nghệ An - cho rằng: Chợ truyền thống vẫn đảm nhận tỷ trọng lớn trong doanh số bán lẻ, nhất là về thực phẩm tươi sống. Một điều quan trọng khiến số đông người tiêu dùng vẫn đến với chợ truyền thống là giá hàng hóa tại đây thường rẻ hơn từ 30% - 35% so với kênh bán hàng hiện đại.

Tuy nhiên, theo sở Công Thương tỉnh Nghệ An, để đảm bảo chợ truyền thống hoạt động theo mô hình chuyển đổi, phù hợp với xu thế hiện đại còn khá nhiều việc cần làm. Theo đó, bên cạnh chú trọng nâng cấp, cải tạo hệ thống cơ sở vật chất, Ban quản lý chợ cần tuyên truyền tiểu thương về ý thức vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là các chợ ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Chợ truyền thống cần "thay áo mới"

Đại diện Ban quản lý chợ Vinh cho rằng, mô hình chợ truyền thống vẫn mang lại hiệu quả trong hoạt động nên chưa thể thay thế được, mà còn có thể phát triển song song cùng các TTTM, siêu thị hiện đại. Đặc biệt, chợ truyền thống không chỉ là nơi mua-bán, mà còn là nơi giao lưu văn hóa, hội họp và lưu giữ một phần lịch sử của địa phương... điều mà các kênh phân phối hiện đại không có.

Với ý nghĩa đó, bà Trần Thị Cẩm Tú - Phó Chủ tịch UBND TP.Vinh - cho rằng, việc duy trì, phát triển các chợ truyền thống trên địa bàn vẫn rất cần thiết, do đó, thành phố đang chuyển đổi một số mô hình chợ truyền thống theo hướng phù hợp hơn với xu thế phát triển. Trong đó, TP. Vinh đang tập trung phát triển chợ đêm - chợ Du lịch TP. Vinh, biến nơi đây thành một khu chợ mới, tổ chức theo mô hình chợ truyền thống, nhưng có những "cách tân" nhất định về tổ chức, thiết kế và cách thức hoạt động.

Ông Cao Minh Tú – Phó giám đốc Sở Công Thương Nghệ An - cho biết, tỉnh có 17 trung tâm thương mại, 95 siêu thị; ngoài ra còn hơn 100 cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi, góp phần rất lớn vào tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn.Các mô hình bán lẻ hiện đại đang tiếp tục đà phát triển mạnh mẽ nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, tuy nhiên chợ truyền thống sẽ không bao giờ mất đi nếu được quan tâm đúng mức.

Việc phát triển chợ truyền thống song song với kênh bán lẻ hiện đại là cần thiết. Tuy nhiên, để tránh tình trạng ô nhiễm vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ quan chức năng tại các địa phương cần thường xuyên kiểm tra và có phương án cải tạo, nâng cấp chợ truyền thống.

Hoàng Trinh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cho-truyen-thong-tai-nghe-an-van-la-kenh-phan-phoi-chu-dao-151437.html