Chợ vắng, tiểu thương bỏ sạp ngày càng nhiều hơn
Sau dịch, sức mua thấp cộng với sức ép cạnh tranh từ các khu tự phát xung quanh khiến nhiều chợ truyền thống ở TP.HCM vắng khách.
Chợ “đói” khách
Bảy giờ sáng, chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) vẫn chỉ lác đác khoảng 20-30 khách mua hàng. Lượng thực phẩm bày bán trên các sạp cũng ít chứ không dồi dào, phong phú như trước, ở các khu vực bán hàng gia dụng, quần áo, khách còn ít hơn.
Trong khi đó, các cung đường bao quanh chợ như Dương Vân Nga, Đình Điền, Tân Sơn Hòa thì khách lại đông đúc chen chân không lọt do nơi đây đang bày bán đủ các loại thực phẩm, nhu yếu phẩm tương tự như bên trong chợ. Thậm chí, trên đường Dương Vân Nga, nơi có các cổng phụ của chợ Phạm Văn Hai, các điểm kinh doanh tự phát lấn chiếm gần hết lối đi.
Chín giờ sáng, lượng khách trong chợ vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay, một số tiểu thương đã bắt đầu dọn hàng, bên ngoài khách vẫn đông đúc. Một số tiểu thương trong chợ bắt đầu lục tục dời hàng hóa ra sát hàng rào, ngay các điểm ra vào cổng phụ với hy vọng có thể bán được chút hàng.
“Họ bán bên ngoài chỉ tốn tiền hoa chi là 50.000 đồng/người, chị bán rau trong chợ phải tốn tiền thuê mặt bằng là 1,5 triệu đồng/tháng, tiền thuế khoảng 200.000 đồng/tháng, tiền rác… trong khi trong chợ lại rất ế ẩm. Nhiều người bán trong chợ phải tìm cách bán trực tuyến, giao hàng tận nhà, bán theo giá bình ổn nhưng cái khó là mỗi tiểu thương chỉ kinh doanh một loại thực phẩm (chẳng hạn như chỉ bán rau hoặc thịt, trái cây…) nên khách vô chợ phải đi vòng chọn mua nhiều lần. Trong khi đó khách chỉ cần chạy xe một vòng phía bên ngoài chợ là có thể mua đủ loại mình cần”, một tiểu thương ở đây nói.
Chợ Bàu Cát (Q.Tân Bình) cũng vắng vẻ không kém. Sáng 17/2, chúng tôi nhận thấy chỉ có khu bán thịt heo sạch có khách mua, các khu bán quần áo, mỹ phẩm, giày dép, đồ gia dụng, hàng tạp hóa… hầu như chỉ có người bán hàng ngồi nói chuyện với nhau hoặc bấm điện thoại. Khu bán rau củ, thực phẩm khô thì hoàn toàn trống do người bán ngưng kinh doanh hoặc dời sạp ra ngoài lề đường phía sau chợ (đường Bàu Cát 4, Bàu Cát 5) để dễ có khách mua hàng hơn.
Chợ Hòa Hưng (Q.10) cũng vắng vẻ. “Phần là do kinh tế khó khăn, một phần do khách chọn mua tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi và các điểm kinh doanh tự phát bên ngoài chợ nên chợ vắng. Trong thời điểm giãn cách xã hội, chợ phải ngưng hoạt động thì các điểm kinh doanh tự phát bên ngoài dọc đường Cách Mạng Tháng Tám (CMTT) và hẻm 430 CMTT vẫn buôn bán tấp nập. Khách đã mua quen nên nay họ cứ chọn mua ngoài đó thay vì vào chợ”, chị Loan, tiểu thương kinh doanh rau củ quả an toàn tại chợ này, cho biết.
Không chỉ chợ lẻ mà các chợ sỉ như An Đông (Q.5) cũng rơi vào tình trạng ảm đạm, mãi lực kinh doanh sụt giảm. Tại các tầng kinh doanh bánh kẹo, quần áo, giày dép, quà lưu niệm… số sạp đóng cửa nghỉ hoặc treo thông báo sang sạp xuất hiện ngày càng nhiều. Đặc biệt tại tầng ba (kinh doanh quà lưu niệm), số sạp đóng nhiều hơn số sạp mở cửa. “Gần tết, lượng khách đến chợ đông hơn một chút. Nhưng sau tết, chợ ế ẩm trở lại. Hiện tiểu thương nào cũng lo lỗ vốn vì thực phẩm đều có hạn sử dụng ngắn”, anh Hưng - tiểu thương kinh doanh bánh kẹo, thực phẩm khô - nói.
Tiểu thương bỏ sạp ngày một nhiều
Theo đại diện Ban Quản lý (BQL) chợ Phạm Văn Hai, trong đợt dịch bệnh lần thứ nhất vào đầu năm 2020 chỉ có tám hộ trả giấy phép kinh doanh, đến làn sóng dịch bệnh lần thứ hai (khoảng tháng 7-8 năm 2020), con số đó là khoảng 30 hộ. Hiện tổng số sạp của chợ là 1.688 cái, số sạp trống khoảng 700 sạp, số lượng này trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng. “Tiểu thương tại chợ đã thay đổi đủ phương thức kinh doanh, cũng đăng ký bán hàng thương mại điện tử (TMĐT) nhưng chỉ hiệu quả với các nhóm thực phẩm, ăn uống, thời trang. Đau đầu nhất là tình trạng buôn bán tự phát tràn lan xung quanh chợ, người dân chọn mua bên ngoài vì tiện hơn vào chợ” - một cán bộ tại đây chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Xuân Mai - Trưởng BQL chợ Bàu Cát - thông tin sau tết, tình hình kinh doanh tại chợ rất chậm, số lượng tiểu thương ngưng kinh doanh ngày càng nhiều. Chợ có tổng cộng 515 sạp, trước tết, khoảng 40% số lượng sạp ngưng kinh doanh, sau tết lại tăng thêm, lên khoảng 50%. “Chúng tôi đã liên tục gọi điện mời tiểu thương quay trở lại kinh doanh nhưng bà con cho biết do bên ngoài bán tự phát quá nhiều trong khi họ kinh doanh trong chợ phải đóng đủ thứ thuế, phí nên không cạnh tranh lại. Nhiều tiểu thương nợ tiền thuế từ tháng Mười năm ngoái đến nay nhưng BQL vẫn chưa thu được do tiểu thương ngưng kinh doanh không có thu nhập”, bà Mai cho biết.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hà - Phó BQL chợ An Đông 1 (Q.5) - chợ có hơn 2.000 quầy sạp kinh doanh nhưng hiện có khoảng 800 quầy sạp tạm ngưng kinh doanh, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Sức mua sau tết giảm mạnh dù tiểu thương cũng cố gắng áp dụng hình thức kinh doanh online. Trước đây, nhiều doanh nghiệp (DN) thuê quầy sạp tại chợ làm nơi trưng bày sản phẩm, bán cho khách du lịch hoặc các đối tác đến giao dịch, nay thì nhiều DN đã trả lại mặt bằng.
So với các chợ khác thì mãi lực tại chợ Bình Tây (Q.6) có khởi sắc hơn. Bà Lê Thị Thủy - Trưởng BQL chợ - cho biết sức mua hiện nay có tăng một chút so với thời điểm này năm trước nên tiểu thương rất mừng. Chợ có tổng cộng 2.358 sạp, hiện số lượng sạp bỏ trống khoảng 300 cái. “Sức mua có chút khởi sắc là do chợ được công nhận là điểm đến du lịch. Không chỉ khách ngoại tỉnh mà nhiều khách ở TP.HCM cũng đến quanh khu vực này thuê khách sạn nghỉ lại, tham quan mua sắm ở chợ, thăm các ngôi chùa có kiến trúc Trung Hoa gần chợ”, bà Thủy nói.
Cần nhất là chấn chỉnh chợ tự phát
Tại buổi họp báo công bố tình hình sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn TPHCM cách đây ít ngày, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - cho hay: Cơ sở vật chất các chợ truyền thống tại thành phố đang xuống cấp, tình trạng kinh doanh tự phát xung quanh chợ ngày càng nhiều. Các đợt dịch bệnh vừa qua đã cho thấy hệ thống chợ truyền thống càng bộc lộ rõ những hạn chế, bất cập. Năm 2022, sở sẽ tập trung phát triển hệ thống chợ tại TP.HCM thích ứng với bối cảnh dịch COVID-19, đẩy nhanh chuyển đổi số nền kinh tế, phát triển TMĐT.
Ông Ngô Đình Dũng - chuyên gia lĩnh vực bán lẻ - nhận định sức ép đối với các hình thức kinh doanh bán lẻ truyền thống như chợ, cửa hàng tạp hóa… sau dịch bệnh đang rất lớn, đến mức sinh - tử.
Sức ép đó cụ thể là từ việc chính những khách đi chợ lâu nay giờ có xu hướng tiết kiệm, mua ít hàng hơn trước, chọn mua hàng ở những khu vực tự phát xung quanh chợ do giá cả ở đó thấp hơn so với trong chợ. Đó cũng là một lý do khiến các chợ tự phát mọc quanh các chợ truyền thống ngày càng nhiều. Các khách hàng trẻ tuổi thì có xu hướng chọn mua hàng qua các kênh online, mua ở siêu thị, các cửa hàng tiện lợi…
Các chuyên gia cho rằng trong tình hình hiện nay, chính quyền địa phương cần có động thái kiên quyết chấn chỉnh, xử lý các điểm kinh doanh tự phát xung quanh chợ để tạo sự công bằng cho các tiểu thương kinh doanh trong chợ, đồng thời đảm bảo trật tự đô thị, bảo đảm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm. Các BQL chợ, cơ quan thuế có chính sách miễn giảm phí, thuế cho các tiểu thương, ít nhất là trong giai đoạn thành phố đang khôi phục hoạt động kinh tế sau dịch bệnh. Về lâu dài nên quy hoạch mỗi quận trong nội thành chỉ còn khoảng 1-2 chợ truyền thống khang trang, được tổ chức chuyên kinh doanh thực phẩm hoặc là phi thực phẩm.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương - cho rằng ngay cả các nước phát triển vẫn đang khôi phục lại chợ truyền thống vì đây là nơi giao lưu văn hóa chứ không chỉ là mua bán hàng hóa. Chợ truyền thống sẽ không bị mất đi vai trò nếu được quan tâm đúng mức.
(Theo Phụ Nữ TP.HCM)