Cho vay qua app bủa vây giới trẻ - Bài 1: Khốn đốn vay nợ qua iCloud
Không cần thế chấp, không cần bảng lương, chỉ vài thao tác trên điện thoại là khoản vay được giải ngân trong tích tắc. Thủ tục cho vay dễ dàng của các app cho vay đã thu hút và khiến nhiều bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên trở thành nạn nhân của tín dụng đen.
Tin vào những lời quảng cáo đường mật, nhiều bạn trẻ đã lún sâu vào tín dụng đen và cay đắng nhận ra miếng phô mai thơm ngon thực chất chỉ có trong bẫy chuột.
Dữ liệu cá nhân bị xâm phạm
Bốn tháng trước, Hữu Tùng (sinh viên năm 3 một trường ĐH tại TPHCM) cần tiền đóng học phí và chi tiêu nên tìm đến dịch vụ vay tiền qua lời giới thiệu từ người bạn học. Nghe tin vay không cần tài sản thế chấp hay bất kỳ thủ tục phức tạp nào, chỉ cần cung cấp tài khoản iCloud của điện thoại iPhone, Tùng không chần chừ, vay ngay 10 triệu đồng. Đúng như lời giới thiệu, cậu sinh viên nhanh chóng được nhận tiền, với lãi suất dao động 4-5% mỗi tháng cùng khoản trả góp nhỏ hằng ngày. “Lúc đó tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì đã giải quyết được vấn đề trước mắt”, Tùng nhớ lại.

Sinh viên bị bủa vây bởi các ứng dụng vay tiền qua mạng Ảnh: Mai Linh
Nhưng chính Tùng cũng không ngờ, quyết định chớp nhoáng đó đã khiến cậu trả giá bằng nhiều đêm mất ngủ và bao phiền toái kèm theo. Cung cấp tài khoản iCloud đồng nghĩa với việc nam sinh đã giao phần “hồn” của điện thoại cho bên vay, thứ cậu cầm trên tay chỉ là phần “xác” mà phía bên kia có thể kiểm soát bất cứ lúc nào, thông qua tính năng Find My Phone. Nếu không trả nợ đúng hạn, bên cho vay có thể khóa thiết bị từ xa, biến điện thoại thông minh của Tùng trở thành vô dụng.
“Chỉ cần trả nợ chậm một vài hôm, bên cho vay đã gọi điện đe dọa sẽ khóa iCloud. Tôi thật sự hoảng sợ vì điện thoại là thứ duy nhất mà tôi dùng để học và làm việc, mất nó thì chẳng còn gì”, Tùng chia sẻ.
Không dừng lại ở việc mất quyền sử dụng thiết bị, Tùng còn đối mặt với nguy cơ dữ liệu cá nhân bị khai thác hoặc sử dụng sai mục đích. Nam sinh sống trong nỗi lo rằng toàn bộ thông tin, từ hình ảnh, dữ liệu liên lạc đến các tài liệu quan trọng có thể bị xâm phạm bất kỳ lúc nào, nếu không nhanh chóng hoàn thành khoản lãi và nợ.
Nữ sinh nợ tín dụng đen 300 triệu đồng
Th.s Hoàng Thị Thoa (Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Công Thương TPHCM), từng chia sẻ trường hợp một nữ sinh năm hai, ngành Ngôn ngữ Anh của trường phải vay nợ tín dụng đen 300 triệu đồng, chỉ vì làm mất 10 triệu đồng mà gia đình gửi cho để đóng học phí. Nữ sinh này không dám nói với gia đình việc lỡ làm mất tiền nên đã vay qua ứng dụng cho vay trực tuyến với lãi suất cao. Nữ sinh dự định chi tiêu tiết kiệm và làm thêm để trả nợ. Khi khoản vay đến hạn nhưng không có khả năng trả nợ, nữ sinh không vay thêm từ app trên được nữa và được giới thiệu vay tiền qua ứng dụng khác để trả nợ. Tất cả app cho vay đều thuộc một đường dây. Cứ như thế, lãi mẹ đẻ lãi con. Đến lúc nạn nhân bừng tỉnh thì khoản nợ cộng dồn đã lên tới 300 triệu đồng.
“Lên lớp học hay đi làm thêm tôi cũng không thể tập trung, cứ nghĩ đến việc bị kiểm soát điện thoại là tôi bồn chồn, hồi hộp. Nhiều ngày liền, tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Lúc này tôi mới hối hận về quyết định bồng bột của mình. Phải chi lúc đó đừng vay”, Tùng bộc bạch.

Các ứng dụng vay tiền qua mạng với những lời chào mời đường mật khiến sinh viên dễ sập bẫy tín dụng đen. Ảnh: Mai Linh
Trường hợp của Nhật Khánh (sinh viên năm 3 một trường ĐH tại quận 4, TPHCM) cũng không khá hơn. Vì ba mẹ gửi tiền không đủ dùng, Nhật Khánh quyết định vay gần 10 triệu đồng để chi tiêu cá nhân. Khoản vay lúc đó là “cứu cánh” giúp Khánh giảm bớt áp lực tức thời. Tuy nhiên, cuộc sống của chàng sinh viên này bắt đầu rẽ sang hướng khác khi cậu không thể trả nợ đúng hạn.
Khánh liên tục nhận được tin nhắn thông báo đến hạn trả nợ. Nếu không trả đúng hạn từ 1-4 ngày, cậu sẽ bị phạt 5% số tiền nợ, từ 5-9 ngày mức phạt tăng lên gấp đôi và nếu quá hạn từ 10-14 ngày, số tiền phạt đạt mức 15%.
“Tiền lãi, tiền gốc cộng dồn với phí phạt trả nợ chậm khiến khoản vay mỗi lúc một tăng. Lúc đó tôi cảm thấy rất ngột ngạt, không biết xoay xở thế nào, không thể tập trung học tập”, Khánh kể lại.
Vay vì bị lừa hết tiền
Không phải cần tiền gấp vì nợ môn hoặc chi tiêu cá nhân, nhiều sinh viên vướng vào tín dụng đen với lý do oái ăm hơn. Các em bị lừa đảo trực tuyến nên buộc lòng phải vay để trả nợ.
Trong lúc tìm việc làm trên mạng, Quế Như (cựu sinh viên Trường ĐH Công Thương TPHCM), được một đơn vị tuyển dụng gọi điện phỏng vấn online. Sau các thủ tục hỏi thăm bằng cấp, kinh nghiệm làm việc như thông thường, bên tuyển dụng yêu cầu Như phải hoàn thành nhiệm vụ đặt lệnh trên một website. Người này còn trả công Như 2 triệu đồng vì dành thời gian phỏng vấn. Chỉ mất vài phút đặt lệnh, Như nhận được hoa hồng hơn 4 triệu đồng. “Thấy tiền dễ kiếm, công việc đơn giản nên tôi bị mờ mắt, không hề nghĩ mình đang là nạn nhân của một tổ chức lừa đảo”, Như kể lại.
Sau lần “làm chơi có tiền thật”, Như tiếp tục được đưa vào một nhóm để cùng kết hợp với 3 người lạ khác đặt lệnh. Đến lúc này, nữ sinh được thông báo một người trong nhóm đặt sai lệnh, cả nhóm phải chịu mất tiền và phải nạp khoản tiền khác để tạo lệnh mới. Không nghi ngờ, cô dồn hết 12 triệu đồng tích cóp đặt lệnh, rồi tiếp tục đặt thêm vài lần khác với số tiền lên đến 40 triệu đồng.
“Lúc này, tôi trò chuyện với bạn bè và nhận ra mình bị lừa. Tới khi thức tỉnh thì tôi đã mắc nợ hơn 40 triệu đồng. Một số tiền quá lớn so với một sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp”, Như nói.
Không dám kể với gia đình, Như tìm đến hai app vay tiêu dùng để vay số tiền hơn 40 triệu đồng, với lời mời gọi chỉ cần cung cấp căn cước công dân và cà vẹt xe. Trước áp lực lớn, nữ sinh bấm bụng vay tiền nhưng phương án trả nợ thì mờ mịt khi chưa kịp cầm trong tay tấm bằng đại học.
“Lúc đó, tôi từng nghĩ hay là mình chết đi để hết nợ. Tôi tự trách bản thân và dằn vặt rất nhiều, cảm thấy cuộc đời bế tắc, không còn tia hy vọng nào”, Như nhớ lại khoảng thời gian đen tối của cuộc đời.
(Còn nữa)