Cho vay tam nông ở Ninh Thuận

Việc đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị định 55 ở Ninh Thuận đã cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và nhu cầu vốn phục vụ phát triển nông thôn góp phần đưa giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ở địa phương liên tục tăng cao...

Trong chuyến công tác tại Ninh Thuận mới đây, nhằm “mục sở thị” hiệu quả nguồn vốn cho vay tam nông, chúng tôi đã tìm về huyện Ninh Sơn. Theo lời giới thiệu của ông Hoàng Quang Siêu, giám đốc Agribank Ninh Sơn, toàn huyện hiện có khoảng 11 nghìn ha đất được sử dụng cho nông nghiệp, trong đó có nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Những năm gần đây, nhờ sự tiếp sức của đồng vốn ngân hàng, nhiều hộ nông dân ở Ninh Sơn đã vươn lên làm giàu ngay trên quê hương mình.

Đến thăm gia đình anh Đinh Công Vàng ở thôn Tân Lập, xã Lương Sơn, huyện Ninh Sơn, một trong những hộ trồng dưa lưới nổi tiếng ở địa phương, chúng tôi được anh Vàng chia sẻ, trước đây gia đình chuyên buôn bán nông sản, sau này nhờ vay vốn ngân hàng Agribank gia đình mới bắt đầu phát triển mô hình trồng dưa lưới.

Từ món vay đầu tiên 350 triệu đồng của Agribank, cùng thêm nguồn vốn tự có, gia đình đã đầu tư vào 5 ha đất trồng dưa. Từ nhỏ đến lớn, từ ít đến nhiều đến nay với nguồn vốn vay Agribank anh đã đầu tư, lắp đặt hệ thống nhà lồng trồng dưa lưới hoàn chỉnh. Số vốn vay gần 2 tỷ đồng từ Agribank Ninh Sơn được anh Vàng sử dụng vào xây dựng cơ bản cho trang trại, như hệ thống tưới tự động... Nhờ ứng dụng công nghệ tự động vào hệ thống tưới tiêu, phân bón, trang trại dưa lưới của gia đình đã giảm bớt được số lượng nhân công, tăng năng suất lao động, tiết kiệm được không ít chi phí trong quá trình sản xuất. Bên cạnh việc phát triển kinh tế gia đình, trang trại của anh Vàng còn giải quyết việc làm cho 16 lao động ở địa phương với thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng.

Ninh Thuận đã và đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị định 55.

Ninh Thuận đã và đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị định 55.

Đồng hành cùng mục tiêu xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đến nay nguồn vốn cho vay tam nông đã đồng hành, lan tỏa đến nhiều địa phương khó khăn ở Ninh Thuận. Nằm bên cạnh Ninh Sơn là huyện Bác Ái một trong những địa phương còn nhiều khó khăn ở Ninh Thuận. Nhắc tới Bác Ái, nhiều người nghĩ đến đây là “vùng trũng”, “rốn nghèo”, ở địa phương. Song, việc đẩy mạnh cho vay tam nông đã góp phần để vùng đất này từng ngày “thay da đổi thịt”…

Theo chân các cán bộ tín dụng Agribank Bác Ái, chúng tôi đến thăm gia đình anh Katơr Phương, ở thôn Ma Oai, xã Phước Thắng. Dẫn chúng tôi tham quan một vòng trang trại của gia đình, anh Katơr Phương cho biết, năm 2023 anh vay 50 triệu đồng từ Agribank để mua đất làm rẫy, bây giờ gia đình đã có trang trại rộng hơn 5 ha, chủ yếu nuôi bò, heo gà cùng với trồng cây ăn quả. Đến nay, chỉ tính riêng thu nhập từ trang trại gia đình đã thu về gần 300 triệu đồng/năm.

Anh Katơr Phương chia sẻ, gần đây Agribank đã hỗ trợ giảm lãi suất và luôn tạo điều kiện cho gia đình được vay tối đa để đầu tư vào sản xuất. Nếu có cơ hội vay thêm vốn, gia đình sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất và quy mô trang trại…

Trao đổi với thoibaonganhang.vn, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Ninh Thuận cho biết, từ khi Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (Nghị định 55), các TCTD trên địa bàn, trong đó chủ đạo là hệ thống Agribank đã tăng cường mở rộng tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở bám sát định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh, đặc biệt là chính sách cho vay sản xuất theo mô hình liên kết, liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp theo quy định tại Nghị định 55 và các quy định khác của pháp luật. Đồng thời, công khai, minh bạch các chính sách, thủ tục hồ sơ, điều kiện cho vay trên cơ sở cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện tối đa cho khách hàng trong việc tiếp cận nguồn vốn vay.

Mô hình trồng dưa lưới của anh Đinh Công Vàng (giữa) ở xã Lương Sơn, huyện Ninh Sơn.

Mô hình trồng dưa lưới của anh Đinh Công Vàng (giữa) ở xã Lương Sơn, huyện Ninh Sơn.

Đến nay, qua 9 năm triển khai Nghị định 55, các TCTD trên địa bàn Ninh Thuận đã cho vay với doanh số 104.400 tỷ đồng, chiếm 26,8% trong tổng doanh số cho vay nền kinh tế cùng giai đoạn. Cụ thể, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 tại thời điểm 31/12/2023 là 12.734 tỷ đồng, chiếm 30% tổng dư nợ trên địa bàn với 44.670 lượt khách hàng còn dư nợ. Tốc độ tăng trưởng bình quân dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016 - 2018 là 27,7% và giai đoạn 2016 - 2023 là 17,0%, cao hơn 0,8% so với tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn 2016 - 2023 trên địa bàn (16,2%).

Các TCTD trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Đến thời điểm 30/4/2024 cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 40 lượt khách hàng với tổng giá trị nợ (bao gồm cả dư nợ gốc và lãi) lũy kế đạt 753 tỷ đồng (trong đó khách hàng là doanh nghiệp 535 tỷ đồng/24 lượt khách hàng; khách hàng cá nhân 218 tỷ đồng/16 lượt khách hàng)...

Bên cạnh đó, mạng lưới TCTD trên địa bàn không ngừng được củng cố, hoàn thiện theo hướng hiện đại hóa, được bố trí khắp các huyện, thành phố đảm bảo thực hiện tốt vai trò là một kênh cung ứng vốn chủ yếu cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung và phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn nói riêng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 51 chi nhánh, phòng giao dịch sẵn sàng đáp ứng nhu cầu cho các tổ chức và cá nhân, mạng lưới ngân hàng bao phủ khắp các địa phương trên địa bàn, riêng Agribank và Ngân hàng Chính sách xã hội có các điểm giao dịch tới tận các xã, đáp ứng kịp thời nhu cầu giao dịch ngân hàng của người dân, doanh nghiệp, thuận tiện trong việc triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn...

Mô hình trang trại từ vốn vay Agribank của gia đình anh Katơr Phương, ở xã Phước Thắng, huyện Bác Ái.

Mô hình trang trại từ vốn vay Agribank của gia đình anh Katơr Phương, ở xã Phước Thắng, huyện Bác Ái.

Có thể nói, việc đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị định 55 thời gian qua đã cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và nhu cầu vốn phục vụ phát triển nông thôn góp phần đưa giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ở địa phương liên tục tăng cao. Vốn tín dụng đã giúp người dân, doanh nghiệp có thêm nguồn lực đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, áp dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Các công nghệ sản xuất tưới nước tiết kiệm và chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp đã được ngành ngân hàng cho vay để đầu tư và bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được việc cho vay theo Nghị định 55 ở Ninh Thuận vẫn còn những tồn tại vướng mắc. Trong đó, có việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và sở hữu tài sản trên đất ở nông thôn, giấy chứng nhận trang trại cho các chủ trang trại còn chậm nên nhiều tổ chức, cá nhân chưa được vay vốn do không có tài sản đảm bảo.

Theo khoản 2 điều 15 Nghị định 55, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 80% giá trị của dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa phát sinh cho vay theo đối tượng này. Nguyên nhân, doanh nghiệp khó đáp ứng các điều kiện để được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo quy định. Bên cạnh, việc mở rộng cho vay đặc biệt là cho vay không có đảm bảo bằng tài sản đối với các hợp tác xã gặp khó khăn do vốn tự có của hợp tác xã thiếu, hoặc quá thấp, năng lực quản lý hạn chế, thiếu các dự án, phương án khả thi…

Mạng lưới các TCTD không ngừng được mở rộng, góp phần đẩy mạnh cho vay tam nông ở Ninh Thuận.

Mạng lưới các TCTD không ngừng được mở rộng, góp phần đẩy mạnh cho vay tam nông ở Ninh Thuận.

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh cho vay tam nông, cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, trong thời gian tới sẽ tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của ngành ngân hàng, chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn vốn, đẩy mạnh cho vay đối với các chương trình tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc triển khai các chương trình cho vay; đơn giản hóa các thủ tục hành chính không phù hợp, cắt giảm chi phí, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; đồng thời tích cực triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để trực tiếp tháo gỡ đồng bộ những khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng với khách hàng.

Bên cạnh những nỗ lực của ngành Ngân hàng, để đẩy mạnh cho vay tam nông các cơ quan chức năng ở địa phương cũng cần đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gia hạn đối với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hết hạn giao đất; cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đối với nhà ở khu vực nông thôn để người dân yên tâm đầu tư phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thế chấp quyền sử dụng đất khi vay vốn.

Song song đó, thực hiện việc quy hoạch và công bố quy hoạch khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng các chuỗi giá trị ngành nông nghiệp tỉnh để các TCTD có cơ sở thẩm định các dự án vay vốn theo chuỗi giá trị nông nghiệp; Đồng thời, ban hành chính sách khuyến khích phát triển liên kết giữa các hộ nông dân để hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác và liên kết giữa hộ nông dân, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp sản xuất, chế biến, chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân góp vốn bằng đất với doanh nghiệp để tạo quỹ đất hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp…

Nghi Lộc

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/cho-vay-tam-nong-o-ninh-thuan-153444.html