Chớ vội mừng!

Theo đánh giá của ngành xiếc, Liên hoan Xiếc quốc tế 2019 vừa được Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức có chất lượng không cao so với các đợt liên hoan trước đây.

Ở “sân chơi” lần này, xiếc Việt Nam thắng lớn (chiếm 12/14 tiết mục đoạt giải), tuy nhiên những người làm nghệ thuật xiếc không nên mừng mà cần nhìn thẳng vào thực lực của ngành xiếc Việt Nam đang đứng ở vị trí nào trên bản đồ xiếc thế giới...

Nỗ lực cho một “sân chơi” lớn

Liên hoan Xiếc quốc tế 2019 có 13 đoàn đến từ 9 quốc gia, vùng lãnh thổ; trong đó Việt Nam có 5 đơn vị nghệ thuật xiếc tham gia. Trong một tuần, khán giả đã mãn nhãn trước các màn biểu diễn đẹp mắt, khéo léo và dũng cảm đến từ các nghệ sĩ trong nước và quốc tế. Các tiết mục xiếc quốc tế giành được nhiều cảm tình của khán giả bởi ấn tượng về vóc dáng, hình thể và phong cách biểu diễn chuyên nghiệp. Tiết mục “Đu dây da đơn” của nghệ sĩ Liam Dummer Thomas (Australia) và Wai Eddy Goh (Singapore) đều đem đến những tạo hình ấn tượng cùng sức mạnh của đôi tay, chân với dây được treo trên cao. Tiết mục “Cột xoay” của hai nghệ sĩ đến từ Cuba khiến khán giả phấn khích, hò reo, cổ vũ bởi sự phối hợp ăn ý và kỹ thuật điêu luyện trong từng chuyển động với cây cột xoay trên không trung; “Đứng tay đơn” của diễn viên Ai Cập làm “đứng tim” khán giả khi xếp dần từng bậc thang và cuối cùng đứng trên cây thang cách mặt đất khoảng 6-7m… Rạp xiếc Trung ương với hơn 1.200 chỗ ngồi hầu như buổi diễn nào cũng chật kín. Một số buổi diễn hết sạch chỗ ngay sau khi mở màn, nhiều khán giả phải ra về trong tiếc nuối.

 Tiết mục “Nhảy sào” của Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

Tiết mục “Nhảy sào” của Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

Sự nổi trội của xiếc Việt Nam được ghi nhận ở một số tiết mục xiếc tập thể đầu tư dàn dựng khá công phu, có chủ đề, có bàn tay đạo diễn và đặc biệt là xuất hiện những nghệ sĩ trẻ với nhiều tiềm năng hứa hẹn. Đó là lý do không những khán giả mà cả đồng nghiệp xiếc quốc tế tỏ ra ấn tượng với các tiết mục dự thi của nghệ sĩ Việt Nam như: “Nhảy sào”, “Vòng xoay mạo hiểm”, “Đu sen”, “Đu son”, “Tạo hình trên đôi giày trượt” (Liên đoàn Xiếc Việt Nam); “Giấc mộng phù vân” (Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam)… Có thể ghi nhận những nỗ lực để tạo nên yếu tố mới ở một số tiết mục, như lần đầu tiên ở Việt Nam diễn viên xiếc thực hiện những động tác kỹ thuật đẳng cấp cao và thành công là động tác ôm gối xoắn hai vòng, nhào hai vòng phải lật (tiết mục “Nhào sào”), thực hiện được những động tác khó như vậy là các diễn viên mới 20 tuổi. Các tiết mục xiếc quốc tế chỉ thực hiện tiết mục đu dây trên cao với hai nghệ sĩ thì ở “Đu sen”, nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam thực hiện đu dây với 4 nghệ sĩ nữ với những động tác kỹ thuật cao cắn răng, dùng tóc đánh đu trên cao.

Diễn viên Nguyễn Phương Thảo (Liên đoàn Xiếc Việt Nam) cho biết: “Không chỉ em mà tất cả anh chị em nghệ sĩ đã rất háo hức khi được tham gia biểu diễn tại liên hoan xiếc quốc tế lần này. Vì thế trong suốt những ngày trước khi diễn ra và trong liên hoan, tất cả mọi người đã nỗ lực tập luyện, nâng cao các động tác. Theo nghệ thuật xiếc rất vất vả, thậm chí phải đánh đổi cả sức khỏe của mình, nhưng khi nghệ sĩ nhận được sự cổ vũ, động viên của khán giả thì bao mệt mỏi, khó khăn đều tan biến”.

Nâng tầm cho một cuộc liên hoan quốc tế

Theo ý kiến của một số đại diện lãnh đạo đoàn, việc thông báo tổ chức liên hoan lần này quá gấp nên số lượng đơn vị nghệ thuật quốc tế lẫn trong nước đăng ký tham dự còn ít. Đa phần các đoàn nghệ thuật nước bạn chỉ mang sang dự thi những tiết mục cá nhân hoặc do một nhóm nhỏ 2 đến 3 nghệ sĩ biểu diễn. Đây là một trong số những lý do mà Việt Nam áp đảo về số lượng nghệ sĩ cũng như số lượng giải thưởng tại liên hoan lần này. Trong khi đó, đa phần các tiết mục tham dự liên hoan của Việt Nam vẫn là những tiết mục cũ và thiếu sự tìm tòi, nhiều tiết mục bị trùng lặp về thể loại. Với việc tổ chức Liên hoan Xiếc quốc tế tại Việt Nam, Ban tổ chức cần đổi mới cách tổ chức, nâng cao tính chuyên nghiệp để thu hút được nhiều hơn các đoàn quốc tế có nền nghệ thuật xiếc phát triển, thông qua đó tạo sân chơi so tài, học hỏi cho nghệ sĩ, đồng thời góp phần quảng bá văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam.

Theo NSND Hoàng Minh Khánh, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam: “Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức 3 năm một cuộc liên hoan mang tầm quốc tế có ý nghĩa và giá trị rất lớn đối với nghệ thuật xiếc, người làm xiếc Việt Nam, bởi đây là môn đào tạo nghệ thuật quá khó khăn, gian truân. Có cuộc thi thì nghệ sĩ xiếc mới có cơ hội để khẳng định tài năng cũng như nỗ lực cống hiến, bên cạnh đó sức sáng tạo của họ được công nhận, được bù đắp xứng đáng. Thắng lợi của xiếc Việt Nam ở liên hoan này có lớn, nhưng xin đừng bằng lòng với những gì đã đạt được. Tôi hy vọng những cuộc liên hoan xiếc được tổ chức về sau sẽ có hội thảo, tọa đàm giống như Liên hoan Sân khấu quốc tế thử nghiệm vừa qua, để những người trong nghề nhìn nhận lại, qua đó chia sẻ kinh nghiệm cũng như tạo hướng đổi mới cho nghệ thuật xiếc”.

Bài và ảnh: HÀ ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/cho-voi-mung-598379