Chợ xe máy cũ 'ảm đạm' sau lệnh cấm xe xăng, dầu

Các chợ xe máy ở Hà Nội trở nên thưa thớt vì sức mua giảm đáng kể, sau khi có chủ trương cấm xe máy xăng trong Vành đai 1.

Vắng vẻ, thưa thớt, sức mua giảm sút rõ rệt... là thực trạng chung tại các chợ xe máy cũ ở Hà Nội sau khi chủ trương cấm xe máy xăng dầu lưu thông vào khu vực Vành đai 1 được đưa ra. Giới buôn xe cho biết, chưa bao giờ thị trường xe máy cũ lại ảm đạm đến thế.

Chợ xe máy Chùa Hà - một trong những điểm mua bán xe cũ lớn nhất Hà Nội trở nên vắng vẻ lạ thường. Những dãy kiốt từng tấp nập thì nay trống trải, lác đác người xem hàng. Thậm chí, nhiều cửa hàng không bán nổi một chiếc xe suốt nhiều ngày. Có nơi phải đóng cửa tạm nghỉ vì không gồng nổi chi phí mặt bằng. Nhiều tiểu thương thấp thỏm lo lắng vì xe thì còn đầy kho, mà khách thì chẳng thấy đâu.

Anh Mai Đình Tú – tiểu thương ở chợ xe cũ Chùa Hà cho biết: “Người mua vào thì không có, chỉ thấy người bán thôi. Giờ mỗi xe mất khoảng 10% giá trị, vài ngày nữa giá sẽ còn xuống nữa".

Khách không tới thì người bán phải chủ động đi tìm khách. Nhiều cửa hàng phải thuê cả đội livestream để bán xe online: ba cái điện thoại, ba fanpage thay phiên nhau phát trực tiếp. Thế nhưng lượt xem ít, người hỏi lác đác, người mua thật thì gần như không có. Những chiếc xe giá trị cao như SH, Vespa hay bình dân hơn như Airblade, Vision từng là niềm hy vọng doanh thu giờ nằm im chưa biết khi nào bán được.

Anh Đỗ Xuân Việt – tiểu thương ở chợ xe cũ Chùa Hà cho hay: “Chúng tôi phải tăng livestream rất nhiều nhưng không có gì thay đổi. Số lượng người quan tâm đến xe máy xăng giảm đi rất nhiều, mức độ mua bán giảm đi rõ rệt, rất khó khăn".

Loại bỏ xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch khỏi khu vực vành đai 1 là xu thế tất yếu, nhằm xây dựng một Hà Nội xanh, hiện đại và bền vững. Tuy nhiên, phía sau những bước chuyển đó là không ít người dân hay tiểu thương đang chật vật mưu sinh, hàng trăm cửa hàng xe máy cũ rơi vào cảnh đìu hiu, có nguy cơ thua lỗ.

Anh Mai Đình Tú tiếp tục chia sẻ: "Tiền lỗ của một chiếc xe lên tới 20-30% là rất nhiều, chỉ mong có cách nào hạn chế trước mắt thôi để người dân, người kinh doanh như chúng tôi dễ thở hơn".

Thực tế đó cho thấy, trong quá trình chuyển đổi hướng đến giao thông xanh rất cần những chính sách hỗ trợ cụ thể và kịp thời từ hỗ trợ vốn đến tạo điều kiện chuyển đổi mô hình kinh doanh phù hợp. Bởi chuyển đổi bền vững không chỉ là thay đổi phương tiện, mà còn là hành trình đồng hành để không ai bị bỏ lại phía sau trên con đường hiện đại hóa và xanh hóa giao thông Thủ đô.

Đức Chung

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/cho-xe-may-cu-am-dam-sau-lenh-cam-xe-xang-dau-348639.htm