Chợ Xóm Mới - hương ngày cũ
Ngôi chợ ấy quen thuộc đến nỗi không còn nhớ gì, rồi một ngày nó biến mất như trong dịch Covid-19 thì mới thấy hốt hoảng. Đó là chợ Xóm Mới của 4 thế hệ nhà mình. Ngôi chợ mà lúc khởi thủy ở thập niên 50 chỉ là vài sạp hàng nho nhỏ ngay đầu cổng nhà bà ngoại và bà nội, ôm ngã tư đường Mạc Đĩnh Chi và Nguyễn Trãi (Võ Trứ bây giờ). Ngôi chợ có sạp chè bông cỏ của cô gái tuổi mười bảy, vì bản nhạc Cô hàng nước của nhạc sĩ Vũ Minh thịnh hành thời bấy giờ được ai đó chép tay dán ngay trong hàng mà bỏ chợ sang ngang theo tiếng đàn luôn. Giai thoại này là do má tôi - người trong cuộc kể lại. Vài năm sau đó, ngôi chợ hình thành khang trang, đầy đủ cách hơn trăm mét trên đường Nguyễn Hoàng (đường Ngô Gia Tự hiện nay), vốn là khu đất trống mới được quy hoạch và xây dựng cùng lúc với tốc độ bùng phát về dân cư, tồn tại tới tận bây giờ với cái tên mang từ thuở khai sinh lập địa: Chợ Xóm Mới.
Tôi lớn lên cũng chỉ thấy trong cuộc đời nội trợ đơn điệu của má mình đẹp nhất mỗi khi sửa soạn đi chợ hàng ngày, thay cái áo bà ba lụa, dặm chút son chút phấn, xỏ đôi guốc và xách theo cái giỏ nhựa. Cũng như những cư dân lớn lên và sinh sống chung quanh, bà cũng thân thuộc cái chợ như nhà mình. Không được đi chợ, thăm chợ, ngắm chợ, trò chuyện cùng chợ mỗi ngày mới là bất hạnh. Đó là nguồn vui sống chớ không phải kiểu đi chợ một buổi ăn cả mười ngày như bây giờ mà vẫn cứ thấy mệt, thấy khó, thấy chán. Ngày cả nhà vừa vận động vừa ép buộc được má bỏ đi chợ chẳng khác nào bứng cái cây ngoài trời cho vô chậu kiểng.
Đó là người đi chợ, còn người bám chợ, sống nhờ sạp chợ, hít thở không khí chợ ắt còn phải lắm nỗi niềm hơn gấp bội lần. Có những sạp hàng mẹ truyền con nối, khách tới mua hỏi chuyện cứ như gặp lại cố nhân. Tôi là dân xứ biển ghiền đạo… mắm, theo đúng một hàng quen bán đủ loại mắm, nước mắm cái ngon nức tiếng ở chợ này. Cô bán mắm kể, hàng mắm này của bà nội chồng cô bán từ khi mới có chợ, sau truyền lại cho mẹ chồng cô, tới cô về làm dâu thì truyền tiếp cho cô, nay chắc hơn 60 năm cuộc đời.
Cái chợ sống qua được thời bao cấp, cưu mang bao nhiêu mảnh đời. Ngày ấy, vẫn còn những dãy nhà như những cái lều tạm nhỏ hẹp cất vội vàng chen chúc và tối tăm nhem nhuốc sau lưng các cửa tiệm chính ngoài đường, hướng mặt vào khu chợ. Cư dân ở đó sống như con nước lên xuống theo từng buổi chợ hợp tan. Có thể gánh thuê, khiêng vác hàng phụ, làm cá mướn, xách nước đổ đầy thau rửa dọn... Khi chợ quy hoạch xây dựng lại thì khu dân cư tạm bợ này mới phải giải tỏa.
Ngành hàng ăn uống bán cả ngày ở chợ Xóm Mới cũng một thời vang danh, dân đi làm cứ mang luôn cái xe đạp vào tận nơi ăn tô bún, tô cháo, uống ly cà phê tán phét. Rồi tự khi nào chẳng ai còn nhớ tới những hàng ăn huyền thoại này nữa, có lẽ từ lúc khu hàng ăn được chuyển hết lên lầu riêng biệt.
Đi Đông đi Tây rồi tôi cũng quay về chợ Xóm Mới. Nay chẳng còn ai thách đố gì cho mình trả treo nữa dù đôi khi được nói thách, được trả giá cũng là một yếu tố không thể thiếu nơi bán mua. Đi lan man giữa các sạp hàng đóng cửa vì nhiều lý do mà chỉ mong những ngôi chợ cũ đừng bao giờ biến mất vì dịch bệnh, vì các sàn mua bán online, vì các trung tâm thương mại bóng loáng...
ÁI DUY